Trao quyết định, Thủ tướng đặt ra những yêu cầu gì với Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan?
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong mua sắm và khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Trưa 15-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao quyết định giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Đào Hồng Lan.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh theo sự phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, được chỉ định giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.
Thủ tướng trao quyết định quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Đào Hồng Lan
Thủ tướng đánh giá bà Đào Hồng Lan là cán bộ lãnh đạo có trình độ, năng lực, đã trải qua nhiều cương vị công tác ở cả cấp cơ sở và Trung ương. "Trên cương vị mới với nhiều thách thức này, tôi tin tưởng rằng đồng chí Đào Hồng Lan sẽ tiếp tục phát huy năng lực, sở trường của mình, cùng với tập thể Ban cán sự đảng, lãnh đạo bộ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, kế thừa truyền thống tốt đẹp của ngành y tế, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt. Trong thời gian qua, đặc biệt là hơn 2 năm chiến đấu với đại dịch Covid-19, ngành y tế đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực, thể hiện tinh thần không lùi bước trước khó khăn, vững vàng ở tuyến đầu chống dịch; đến nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Bên cạnh việc căng mình chống dịch, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục bảo đảm công tác khám, chữa bệnh thường quy, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Những thành tích đó của ngành y tế đã đóng góp hết sức tích cực vào thành tựu chung của cả nước đạt được thời gian qua, thể hiện qua những số liệu thống kê trong quý II vừa qua mà chúng ta đều biết. "Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả hết sức tích cực mà ngành y tế đã đạt được" -Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế phải tập trung thực hiện tốt một số trọng tâm.
Cụ thể, lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế phải tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ; giữ vững phẩm chất, bản lĩnh và y đức; gương mẫu chấp hành và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng Đảng bộ Bộ Y tế thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên. Càng khó khăn bao nhiêu, càng phải đoàn kết, thống nhất; phát huy tinh thần dân chủ, sức mạnh và trí tuệ tập thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho quyền Bộ trưởng Bộ Y tế
Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm. Xác định những việc quan trọng, cấp bách, cần giải quyết ngay; bảo đảm thực hiện tốt những công việc thường xuyên; ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các công việc trong trung hạn và dài hạn. Tập trung cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác vệ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.
Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Y tế cần tiếp tục quan tâm kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp; làm tốt hơn nữa công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển cán bộ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành y tế cần bám sát tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra, kể cả trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại. Tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin an toàn, khoa học, hiệu quả cho các nhóm đối tượng. Tiếp tục triển khai hiệu quả 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K+ vắc-xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.
"Đề nghị Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt việc tiêm vắc-xin Covid-19. Chúng ta có bài học kinh nghiệm, có vắc-xin, có cách làm và ai cũng nhận thức được những ảnh hậu quả do không tiêm vắc-xin, nhưng việc tiêm vắc-xin vẫn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra. Nếu lơ là, chủ quan trước dịch bệnh sẽ bị trả giá bằng tính mạng, sức khoẻ. Có vắc-xin chúng ta mới được ngồi với nhau như ngày hôm nay, ngay tại hội trường này nhiều người không phải đeo khẩu trang. Do đó, tôi kêu gọi ngành y các tỉnh không chủ quan, lơ là, đẩy nhanh tiêm vắc-xin Covid-19..."- Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành y tế đánh giá miễn dịch cộng đồng cho người dân sau tiêm vắc-xin, đồng thời thúc đẩy sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước, đảm bảo an toàn là yếu tố hàng đầu. Chúng ta phải chủ động nguồn vắc-xin trong nước để tiêm chủng cho người dân để phòng chống dịch bệnh.
Tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong mua sắm và khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về tài chính, cung ứng dịch vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế; đổi mới phương thức chi trả dịch vụ. Đẩy mạnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế.
Nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở; từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế các tuyến. Vừa qua, còn 14.000 tỉ đồng để nâng cao năng lực y tế cơ sở hiện vẫn chưa được giải ngân nên cần tập trung giải quyết. Xây dựng, đề xuất các chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp, chăm lo hơn nữa đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành.
"Đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Ban cán sự đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế là vinh dự lớn, đồng thời cũng là thách thức không hề nhỏ. Với sự tín nhiệm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ; tôi tin tưởng đồng chí Đào Hồng Lan cùng tập thể Ban cán sự, Đảng bộ và toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y tế đoàn kết, thống nhất, nỗ lực khắc phục những hạn chế, tồn tại, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao"- Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan không được đào tạo trong ngành y tế nên các thứ trưởng Bộ Y tế phải hỗ trợ về chuyên môn để Bộ trưởng tập trung làm công tác Đảng và công tác quản lý điều hành ngành y tế.
Bà Đào Hồng Lan, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, phát biểu
Tại hội nghị, bà Đào Hồng Lan gửi lời cảm ơn Bộ Chính trị đã tin tưởng phân công giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Đây là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, trụ cột an sinh xã hội trong khi bà chưa có nhiều kinh nghiệm. Hơn 1 năm trước, Bắc Ninh cũng là tâm dịch Covid-19 nóng, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế đã giúp Bắc Ninh vượt qua dịch bệnh, khôi phục kinh tế.
Clip: Bà Đào Hồng Lan, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu
"Được phân công nhiệm vụ này, bản thân tôi không xuất phát từ ngành y nhưng trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tôi sẽ nỗ lực cống hiến hết mình, tham mưu các giải pháp nhằm khắc phục các khó khăn hiện tại. Tôi tin tưởng rằng với sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và thống nhất trong toàn ngành y tế chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay"- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Bà Đào Hồng Lan, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế
Ngày 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định về việc giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.
Nguồn: [Link nguồn]