Tranh luận "nóng" giữa ĐB Lưu Bình Nhưỡng và ĐB Nguyễn Thanh Hồng về tỉ lệ oan sai
Tại phiên thảo luận về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn về tỉ lệ oan sai, vấn đề liên ngành trong hoạt động tư pháp.
Ngày 30-3, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Mở đầu phần phát biểu của mình, đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) chia sẻ những khó khăn, áp lực của cơ quan tư pháp khi có hàng triệu vụ án phải giải quyết, đặc biệt khi đứng trước ranh giới của công lý, công bằng và các vấn đề tiêu cực.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho biết còn một số vấn đề băn khoăn ông muốn nêu tại phiên thảo luận này, đây là những là nội dung mà ông đã "suy nghĩ gần như toàn bộ cuộc đời và cả nhiệm kỳ vừa qua".
ĐB Lưu Bình Nhưỡng nêu nhiều vấn đề ông còn băn khoăn về hoạt động tư pháp
Theo ĐB Nhưỡng, ông còn băn khoăn về vấn đề nhận thức, hành động trên tinh thần bảo đảm độc lập tư pháp. Về nhận thức, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng vẫn tồn tại khái niệm ngành, ví dụ ngành tòa án.
"Thật ra không có khái niệm ngành cả, mỗi 1 tòa án là một cơ quan hoàn toàn độc lập với nhau, chứ không có khái niệm tòa án cấp trên và cấp dưới. Các thẩm phán hoàn toàn độc lập với nhau và không được can thiệp bất kỳ hoạt động nào của nhau, để ảnh hưởng đến công lý"- ông Nhưỡng phân tính.
Bên cạnh đó là vấn đề liên ngành, những cuộc làm việc liên ngành trong hoạt động tư pháp. Vấn đề này, ĐB Nhưỡng nhắc lại một vụ án ở Lạng Sơn ông từng tham gia với vai trò luật sư, thời điểm đó, vị đại diện viện kiểm sát có nêu rằng: "Vấn đề này chúng tôi đã có văn bản liên ngành". "Chúng tôi cho rằng khái niệm làm việc liên ngành đó là điều rất sơ hở. Trước xã hội như thế, chúng ta cần có suy nghĩ, khắc phục để đảm bảo tính độc lập của tư pháp"- Phó trưởng Ban Dân nguyện phát biểu.
Vị ĐB đoàn Bến Tre cũng nêu vấn đề về chỉ tiêu trong hoạt động tư pháp. Theo ông, chúng ta hay đặt ra chỉ tiêu về kế hoạch xét xử. Tháng 9 hàng năm, các cơ quan, đặc biệt là tòa án và viện kiểm sát báo cáo việc thực hiện kế hoạch. "Kế hoạch làm việc thì có nhưng kế hoạch xét xử tôi nghĩ cần nghiên cứu lại"- ông Nhưỡng đề nghị và cho biết ở một số nước, có những phiên tòa kéo dài hàng năm, ông cho rằng để tìm được công lý, phải mất nhiều thời gian, công sức.
Việc xác định tỉ lệ oan sai cũng là vấn đề mà ĐB Lưu Bình Nhưỡng còn băn khoăn. Ông Nhưỡng cho rằng đây là tỉ lệ nguy hiểm. "Chúng ta hãy hình dung xem, mình hoặc người thân ở trong 0.000001 % oan sai thì mình nghĩ thế nào. Chính vì tỉ lệ trên này ảnh hưởng tới tâm lý"- ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh và cho rằng cần khắc phục vấn đề về tỉ lệ oan sai.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề, khi có tỉ lệ oan sai thì liệu có tỉ lệ công lý hay không? Ông khẳng định công lý làm sao có tỉ lệ được, công lý là hoàn hảo, tròn trịa, không thể có tỉ lệ công lý được, công lý là công lý. ĐB Nhưỡng đề nghị Quốc hội khóa XV tới đây xem xét thấu đáo vấn đề này.
Sau phần phát biểu trên, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) đã đăng ký tranh luận với ĐB Lưu Bình Nhưỡng. Theo ĐB Hồng, cách tiếp cận vấn đề nêu chưa hợp lý. Về vấn đề tỉ lệ oan sai, ĐB Nguyễn Thanh Hồng khẳng định không phải Việt Nam không có oai sai.
ĐB Nguyễn Thanh Hồng tranh luận những vấn đề ĐB Lưu Bình Nhưỡng nêu
"Thời gian qua, vì có oan sai nên chúng ta tìm ra các giải pháp, đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu để phấn đấu chứ không phải đưa ra chỉ tiêu này để mặc nhiên là trong nền tư pháp có oan sai. Thực tế, khi chúng ta ra Nghị quyết, đặt ra chỉ tiêu thì đạt được chỉ tiêu oan sai giảm. Đây là điều chúng ta làm tốt, Quốc hội đã thông qua nghị quyết"- ông Hồng nhấn mạnh.
Về việc liên ngành, ĐB Nguyễn Thanh Hồng cho rằng vụ việc mà ĐB Nhưỡng dẫn chứng chỉ là cá biệt. "Chúng ta có phối hợp liên ngành, trước tiên là thống nhất về nhận thức pháp luật. Rồi đưa ra những quan điểm để giải quyết, làm sao đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, yêu cầu thực tiễn trong 1 vụ việc. Sự phối hợp ở đây không phải là đưa ra các quy định làm giảm tính độc lập của việc xét xử"- ĐB Hồng nói.
Tiếp tục tranh luận lại, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói: "Tôi có cảm giác ĐB Thanh Hồng hiểu sai ý của tôi. Tôi muốn đặt ra một số vấn đề băn khoăn để chúng ta nghiên cứu tiếp".
ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, trong báo cáo, Nghị quyết của Quốc hội không nói về chỉ tiêu oan sai, nhưng có nói về chỉ tiêu xét xử đúng. "Vậy ngoài phần xét xử đúng, thì phần còn lại là gì, tất cả cử tri đều hiểu phần còn lại là oan sai, cần gì phải nói rõ chỉ tiêu oan sai. Chúng ta không nên đặt chỉ tiêu xét xử đúng, mà khẳng định là cần phải xét xử đúng"- ĐB Nhưỡng nói.
Ông Lưu Bình Nhưỡng vừa có những chia sẻ xung quanh việc ông được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị được tái...
Nguồn: [Link nguồn]