Tranh luận gay gắt trong phiên tòa vụ cháy karaoke An Phú
Luật sư đưa ra nhiều luận điểm chứng minh bị cáo Hồng vô tội, nhưng VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.
Chiều 25-10, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục xét xử đối với 6 bị cáo liên quan đến vụ cháy karaoke An Phú khiến 32 người chết, xảy ra vào ngày 6-9-2022 tại phường An Phú, TP Thuận An.
Lơ là, thiếu trách nhiệm trong từng khâu
Tại phần tranh luận, đại diện VKS đã luận tội đối với 6 bị cáo và giữ nguyên quan điểm truy tố của mình đối với 5 bị cáo: Lê Anh Xuân (Chủ quán karaoke An Phú), Vũ Trường Sơn, Phạm Quốc Hùng (đều là cựu cán bộ phòng PCCC & CNCH), Phạm Thị Hồng (cựu Phó Đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH) và Nguyễn Thành Luân (Giám đốc Công ty TNHH MTV Thái Bình Anh) về tội “vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Cáo buộc bị cáo Nguyễn Văn Võ (cựu cán bộ của Đội PCCC&CNCH Công an TP Thuận An) “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
VKS giữ nguyên quan điểm truy tố đối với 6 bị cáo trong vụ cháy karaoke An Phú. Ảnh: LA
Đại diện VKS cho rằng, quy định của pháp luật rất chặt chẽ nhưng các bị cáo chủ quan không thực hiện đúng trong từng khâu công tác góp phần để quán karaoke An Phú đi vào hoạt động trong tình trạng quán không đảm bảo PCCC.
Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, sử dụng, chủ quán và cán bộ kiểm tra không chấp hành nghiêm quy định dẫn đến vụ cháy xảy ra gây thiệt mạng cho 32 nạn nhân.
Riêng đối với bị cáo Hồng, đại diện VKS cho rằng bị cáo Hồng không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào chứng minh mình vô tội. Bị cáo Hồng không thành khẩn khai báo, quanh co chối tội, không ăn năn về hành vi phạm tội của mình.
VKS đề nghị HĐXX không giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Hồng vì quanh co chối tội. Ảnh: LA
Đại diện VKS đề nghị HĐXX không áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Hồng, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo để trừng trị răn đe.
“Trả lại sự trong sạch cho bị cáo”
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Anh Xuân cho rằng, bị cáo chỉ tiếp quản quán karaoke An Phú sau khi ba bị cáo Lê Xuân Hà bị bệnh nặng và qua đời.
Trước đó, bị cáo Xuân chỉ ký các giấy tờ liên quan đến quán karaoke An Phú do ba mình đưa. Bị cáo Xuân không biết đến quá trình xây dựng và hệ thống PCCC của quán.
Luật sư cho rằng bị cáo Sơn đã làm đúng quy trình, làm đúng trách nhiệm của mình. Ảnh: LA
Còn đối với bị cáo Sơn, vị luật sư bào chữa cho rằng bị cáo Sơn đã làm đúng trách nhiệm của mình trong khâu thẩm duyệt hồ sơ thiết kế theo đúng quy chuẩn.
Bị cáo Sơn được giao nhiệm vụ thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với quán karaoke An Phú là đối chiếu trên hồ sơ thiết kế do chủ cơ sở nộp với các quy định của pháp luật tại thời điểm tháng 2-2017.
Bị cáo Sơn không có nhiệm vụ kiểm tra đối chiếu thực tế cũng như không có nhiệm vụ kiểm tra nghiệm thu về PCCC và kiểm tra định kỳ trong quá trình hoạt động của quán karaoke An Phú.
Ngoài ra, căn cứ hồ sơ thiết kế, đối chiếu với các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng tại thời điểm thẩm duyệt, nhận thấy hồ sơ thiết kế còn một số nội dung chưa đạt yêu cầu, bị cáo Sơn đã tham mưu chỉ huy đội và lãnh đạo phòng ban hành văn bản về việc điều chỉnh bổ sung hồ sơ thiết kế PCCC
Đối với các bị cáo Hùng, Luân, Võ, các luật sư bào chữa cũng đưa ra các luận điểm về nhiều yếu tố dẫn đến sai phạm của các bị cáo. Các luật sư đều cho rằng mức án VKS đề nghị là cao so với hành vi, tính chất vi phạm của các bị cáo.
Các luật sư mong muốn HĐXX xem xét hành vi, tính chất, mức độ để đánh giá khách quan đúng với bản chất của vụ án và hành vi của từng bị cáo.
Luật sư dẫn chứng nhiều luận điểm chứng minh bị cáo Hồng vô tội. Ảnh: LA
Riêng đối với bị cáo Phạm Thị Hồng, luật sư bào chữa cho rằng VKS không có căn cứ để buộc tội bị cáo Hồng. Luật sư cho rằng, VKS chỉ dựa trên lời khai của các bị cáo khác, chứ không hề có “chứng cứ vật chất” để buộc tội bị cáo Hồng.
Luật sư cũng đưa ra hàng loạt dẫn chứng, luận điểm chứng mình VKS thiếu căn cứ.
Bên cạnh đó, luật sư cũng chỉ ra nhiều tình tiết mà phía cơ quan điều tra chưa làm hết trách nhiệm đến cùng để thu thập chứng cứ.
Bị cáo Hồng cũng cho rằng mình bị oan nên không nhận tội. Bị cáo Hồng nói: “Bị cáo không làm, nên bị cáo không nhận. Nếu VKS cho rằng bị cáo có tội thì phải có chứng cứ chứng minh”.
Bị cáo Hồng đề nghị HĐXX trả lại sự trong sạch cho mình. Ảnh: LA
Bị cáo Hồng cũng cho rằng, không thể buộc tội bị cáo bằng lời khai vô căn cứ của các bị cáo khác, mà không có bằng chứng chứng minh. Bị cáo Hồng đề nghị HĐXX tuyên mình vô tội, trả lại sự trong sạch cho bị cáo.
Kết thúc phần tranh luận, HĐXX nhận định vụ án có nhiều tình tiết phức tạp và phát sinh một số tình tiết mới nên quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào ngày 30-10.
Bị cáo Phạm Thị Hồng bị đề nghị mức án cao nhất 7-8 năm tù trong vụ án cháy quán karaoke An Phú
Nguồn: [Link nguồn]