Tranh luận: Có nên công nhận mại dâm là một nghề?
Có thể Việt Nam sẽ có luật về mại dâm để hướng tới quản lý đạt đa mục tiêu, nhưng riêng việc xem mại dâm có phải một nghề hay không vẫn gây nhiều tranh cãi.
Nếu mại dâm là một nghề, người hoạt động mại dâm sẽ phải qua đào tạo, được cấp chứng chỉ...Ảnh minh họa: Xuân Ân.
Mại dâm đã tới mức tinh vi
Tại hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 28/3, TS Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, trong những năm qua, tệ nạn mại dâm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, trá hình, khó kiểm soát.
Thực tế trên, theo ông Cao Văn Thành, Phó Cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), do chế tài xử phạt với hoạt động mại dâm hiện hành chưa đủ sức răn đe. Thậm chí có chế tài thiếu tính khả thi, không công bằng, như chưa có chế tài rõ ràng xử lý người mua dâm.
“Dù thế nào, chúng ta vẫn phải thừa nhận mại dâm luôn hiện hữu trong xã hội. Người hoạt động mại dâm có quyền được sống bình đẳng, đóng góp và hưởng thụ phúc lợi xã hội như chăm sóc y tế, giáo dục…”, ông Thành nói.
Do đó, các giải pháp cho vấn đề mại dâm cần đạt mục tiêu tôn trọng quyền cơ bản của con người và giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra với người bán dâm và xã hội...
Một số người cho rằng, không nên hợp pháp hoá hoặc hình sự hóa mại dâm. Minh họa: Khều.
Đại diện Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, quan điểm xây dựng Dự án luật về mại dâm vẫn xác định mại dâm ở Việt Nam là bất hợp pháp. Nhưng việc phòng ngừa và giảm tác hại trong mại dâm sẽ được đặt lên hàng đầu, như phòng chống bạo lực đối với người bán dâm; xây dựng cơ sở pháp lý huy động xã hội tham gia hỗ trợ, giúp đỡ hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm...
Nếu bán dâm là nghề: Phải qua đào tạo
Ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, luật mới phải xác định cấm hay không cấm mại dâm? Nếu vẫn cấm mại dâm, theo ông Đàm, việc nâng pháp lệnh lên thành luật liệu có giải quyết được các tồn tại hiện nay, hay mọi thứ vẫn như vậy?Còn TS Trần Văn Đạt nêu quan điểm, quan điểm xây dựng luật cần hướng tới công nhận mại dâm là một nghề, với các khu hoạt động riêng biệt như các nước đang làm. “Chỉ khi công nhận mại dâm là một nghề, chúng ta mới có thể quản lý cũng như hạn chế tối đa việc lây nhiễm các bệnh về tình dục. Nhưng cần nhất quán quan điểm không khuyến khích phát triển hoạt động mại dâm” ông Đạt nói.
Cục trưởng Phòng chống Tệ nạn Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Xuân Lập cho hay, xu hướng thế giới hiện nay là nâng cao quyền công dân, quyền con người. Dù hầu hết mại dâm bị cấm ở nhiều quốc gia, nhưng một số nước lại hợp pháp hóa mại dâm để kiểm soát hoạt động này. Cũng như các nước, ông Lập cho rằng, tại Việt Nam hiện nay, hầu hết người bán dâm đều tự nguyện, chỉ một số là nạn nhân của buôn người, hoặc bị ép buộc. Dù có thế nào, theo ông Lập, chúng ta cũng phải thừa nhận mại dâm vẫn hiện hữu trong xã hội, không chỉ có ở các khu du lịch, ngay cả các khu dân cư cũng rất phức tạp. “Việc nên hay không công nhận mại dâm là một nghề đã được bàn tới từ lâu. Nếu công nhận mại dâm là nghề, hoạt động này phải tuân thủ Luật Giáo dục nghề nghiệp, nên phải có giáo trình, chứng chỉ, thang bảng lương. Dù thế nào, người hoạt động mại dâm cũng là con người, họ có quyền được sống, được bình đẳng đóng góp và hưởng thụ phúc lợi xã hội…”, ông Lập nêu quan điểm.Trên thế giới, mại dâm đã có mặt từ rất lâu, có khả năng tạo thu nhập cho bản thân đối tượng hành nghề và một số bên liên quan. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tại các nước ASEAN (như Indonesia, Thái Lan, Malaysia...) mại dâm đóng góp 2-14% GDP, tạo “công ăn, việc làm” cho hàng triệu người.
Theo thống kê của các địa phương, hiện cả nước có khoảng 15.000 người bán dâm có hồ sơ quản lý, nhưng con số thực tế có thể lớn hơn nhiều. Còn theo ILO, Việt Nam hiện có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó nữ bán dâm khoảng 75.000 người. Hoạt động mại dâm chủ yếu dưới dạng gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua internet (facebook, zalo)...
"Nếu có, phải đặt giới hạn" Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Lập cho biết hiện đặc khu kinh tế tại Việt Nam vẫn đang bàn, Quốc hội chưa có quyết định gì về đặc khu. Từ nay tới năm 2020 sẽ chưa có thay đổi gì và sẽ chưa có chính sách cho phố đèn đỏ. “Nếu Quốc hội, Chính phủ cho thành lập các đặc khu kinh tế, trong đó có các khu vui chơi giải trí như casino, massage... Còn có mại dâm, khu phố đèn đỏ hay không thuộc về thẩm quyền của chính quyền địa phương và chính quyền đặc khu nghiên cứu, đề xuất”, ông Lập nói. Theo ông Lập, trường hợp có phố đèn đỏ cũng phải nghiên cứu đặt giới hạn, phương án kiểm soát hoạt động, như có cho người Việt vào không, hay chỉ cho người nước ngoài. Điều này tương tự như các casino hiện nay chỉ cho người nước ngoài vào chơi... “Hiện chưa có tiền lệ, nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đề xuất. Còn người phục vụ (tức người bán dâm - PV) hiện cũng chưa nên bàn tới, phải đợi xem hành lang pháp lý thế nào. Còn hiện mại dâm vẫn không được xem là một nghề, nên sẽ không có phố đèn đỏ”, ông Lập nói. |
Tỉ lệ hiếp dâm trong xã hội sẽ gia tăng khi các nguồn tiếp cận với việc thỏa mãn nhu cầu sinh lý (cụ thể là mại dâm)...