Tranh luận chưa dứt sau 13 năm khai quật ở Hoàng thành Thăng Long
Trong quá trình hơn 13 năm khai quật, nghiên cứu khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích, di vật quý báu, làm rõ phần nào diện mạo và giá trị của khu vực không gian trục Trung tâm.
Nhiều phát lộ mới
Sáng 21/12, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính Thiên năm 2023 và kết quả khai quật, nghiên cứu từ năm 2011 đến nay tại Hoàng thành Thăng Long.
Năm 2023, các nhóm khảo cổ tiến hành đào khai quật thăm dò ba vị trí: phía Nam nền điện Kính Thiên (vị trí nhà Cục tác chiến), nền điện Kính Thiên và phía Tây Bắc nền điện Kính Thiên (vị trí Hậu Lâu).
Kết quả sơ bộ cho thấy, tại hố khai quật tại mặt Bắc nhà Cục tác chiến đã xuất lộ một số mảng sân Đan Trì cũng như dấu tích Ngự đạo nối tiếp kết quả khai quật năm 2022, móng nền kiến trúc thời Lý.
Khảo cổ học tại khu vực nền điện Kính Thiên năm 2023 đã thu được những kết quả vô cùng quan trọng; đó là địa tầng nền điện dày trên 3m với các lớp văn hóa liên tục từ thời Nguyễn đến thời Lê sơ.
Ở vị trí trên nền điện Kính Thiên, các hố đào thăm dò được mở trực tiếp trên nền điện. Tại các hố xuất lộ dấu vết kiến trúc thời Nguyễn, thời Lê trung hưng và thời Lê sơ.
Vị trí phía nam Hậu Lâu xuất lộ lớp kiến trúc thời Lê trung hưng và Lê sơ. Thời Lê trung hưng, thời Trần gồm có đường đi, nền gạch, móng cột, móng bó nền… Các dấu tích này có mối quan hệ với các dấu tích đã khai quật năm 2021, liên quan đến các cung điện của nhiều thời kỳ ở khu vực này.
Bên cạnh các dấu tích kiến trúc, cuộc khai quật cũng thu được nhiều loại hình di vật gạch, ngói, gốm men, gốm sành liên quan đến quá trình phát triển kiến trúc và đời sống hoàng cung nơi đây.
Di vật gạch, ngói, gốm men, gốm sành thuộc nhiều niên đại.
PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam - nhận định khảo cổ học tại khu vực nền điện Kính Thiên năm 2023 thu được những kết quả vô cùng quan trọng.
"Đó là địa tầng nền điện dày trên 3 m với các lớp văn hóa liên tục từ thời Nguyễn đến thời Lê sơ. Trong tầng văn hóa có một phần dấu tích của điện Long Thiên thời Nguyễn và điện Kính Thiên thời Lê đã được xác định. Điều này cho thấy, các dấu tích chính điện còn được bảo lưu rất tốt dưới lòng đất", ông Tín nói.
Ông cho rằng Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã đi được 60-70% tiến trình phục dựng điện Kính Thiên. Trong đó 90% dự đoán của các chuyên gia, nhà khảo cổ học về thông số, kích thước kiến trúc là chính xác", PGS.TS Tống Trung Tín chia sẻ.
Các hố khai quật tiêu biểu, phản ánh sinh động dấu tích của tòa chính điện Kính Thiên thời Lê.
Trong quá trình hơn 13 năm khai quật, nghiên cứu khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ đã phát lộ nhiều di tích, di vật quý báu, làm rõ phần nào diện mạo và giá trị của khu vực không gian trục trung tâm. Các chuyên gia đã tìm thấy tầng văn hóa tiêu biểu nhất có độ dày trung bình 3m.
Tiếp tục tranh luận
Dịp này nhiều nhà khảo cổ học, sử học cũng bày tỏ ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề tiếp tục khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên, tiến tới phục dựng điện.
GS. Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô - nhận định những cuộc khai quật mang đến nhận thức mới, làm tăng cường giá trị văn hóa của khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
PGS.TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục Trưởng Cục Di sản văn hóa - khẳng định các mục tiêu về khai quật mà Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đề ra đã có kết quả rõ rệt. Thành tựu về khảo cổ có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, PGS.TS Đặng Văn Bài cũng nhận định một số dấu ấn còn rời rạc, nặng về phỏng đoán, dự đoán.
Chuyên gia khẳng định cần làm rõ công năng của công trình điện Kính Thiên.
Ông đề xuất trong thời gian tới các chuyên gia, đội ngũ khai quật cần hệ thống hóa các tư liệu lịch sử và diễn giải di sản văn hóa qua thành tựu công nghệ số, 3D mapping. Nguyên Cục Trưởng Cục Di sản cũng nêu ý tưởng xây dựng bảo tàng Hoàng cung, thể hiện đầy đủ di sản tư liệu, vật thể, phi vật thể về Hoàng thành Thăng Long.
"Kết quả khảo cổ và di vật lịch sử bước đầu cho phép chúng ta mường tượng về lớp vỏ kiến trúc. Tiếp đó, quá trình khai quật cần làm rõ công năng của công trình điện Kính Thiên, thể hiện rõ bản chất sinh hoạt cung đình, sinh hoạt Hoàng gia, từ đó phục dựng các lễ hội truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể. Quá trình khảo cổ phải làm được nhiệm vụ thổi hồn, đem lại sức hút cho di sản thông qua những công năng mới", PGS.TS Đặng Văn Bài nói.
Các dấu tích chính điện còn được bảo lưu rất tốt dưới lòng đất.
TS. Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - nhận định kết quả báo cáo sơ bộ cho thấy phần nào tính liên kết của các công trình khảo cổ. Ông đề xuất Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học sớm lên kế hoạch về nhân lực, vật lực phục vụ cho công tác nghiên cứu những năm sau.
Các nhà khoa học cho rằng điện Kính Thiên là tòa điện thiết triều, nằm chính giữa trung tâm Cấm thành của kinh đô Thăng Long thời Lê sơ.
Các chuyên gia nhận định khi báo cáo kết quả khảo cổ với đoàn chuyên gia quốc tế của Trung tâm Di sản Thế giới (UNESCO, ICOMOS), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cần đưa ra tầm nhìn lớn hơn.
"Khái niệm tìm hiểu không gian điện Kính Thiên chính là tìm ra trục trung tâm của kinh thành Thăng Long. Mục tiêu của chúng ta không chỉ dừng lại ở phục dựng điện Kính Thiên mà nên giải mã điện Kính Thiên trong mối quan hệ với các điện thiết triều giai đoạn trước", PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành chia sẻ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành là người nêu quan điểm không thể vội vàng trong phục dựng không gian điện Kính Thiên, dù một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử sốt ruột muốn nhanh chóng để người dân được nhìn thấy điện Kính Thiên thật sự thay vì qua mô tả bằng con chữ. Ông lấy dẫn chứng về cung Đại Minh (Trung Quốc), dù khai quật từ những năm 1950, tới nay họ vẫn chưa tính tới phục dựng để chờ thêm tư liệu chuẩn xác hơn.
Dù có những ý kiến chưa đồng nhất tuy nhiên các nhà khoa học đều chung nhận định về bước tiến lớn trong quá trình 13 năm thăm dò khai quật chính điện Kính Thiên, tiếp tục khẳng định cần lộ trình dài hơi để nghiên cứu, khai quật tiến tới phục dựng không gian điện.
Gần đây, các nhà khảo cổ học đã tìm ra được những tư liệu tin cậy và xác thực chứng minh rằng kiến trúc điện Kính Thiên thuộc loại kiến trúc đấu củng. Đây là chìa khóa quan trọng cho hành trình nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Hội Khảo cổ học Việt Nam...