Tranh cãi về đề xuất tạm giữ biển số xe
Nhiều ý kiến cho rằng phương án giữ biển số xe đối với phương tiện vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ không khả thi và góp phần tạo cơ hội cho tài xế làm biển số giả hoặc trốn phạt.
Ngày 13-1, UBND tỉnh An Giang cho biết vừa có văn bản gửi Chính phủ, đề xuất tạm giữ biển số xe hoặc giấy chứng nhận đăng ký xe thay vì giữ xe mô tô, xe máy do vi phạm quy định pháp luật liên quan đến giao thông đường bộ.
Nhiều khó khăn trong quản lý
Theo tỉnh An Giang, mục đích của việc đề xuất này nhằm hạn chế tạm giữ phương tiện do vi phạm, cũng như tránh lãng phí lớn đối với tài sản xã hội và chi phí bảo quản.
Theo đó, quá trình xử lý đối với các phương tiện vi phạm gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc hoàn chỉnh hồ sơ tịch thu phương tiện vi phạm theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành phải mất khá nhiều thời gian (3-4 tháng). Từ đó dẫn đến các phương tiện bị tạm giữ dễ phát sinh hư hỏng, gây lãng phí tài sản xã hội.
Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao nhưng do hoàn cảnh của người vi phạm khó khăn, không có khả năng nộp phạt, không có tài sản có giá trị... dẫn đến người vi phạm không thể chấp hành quyết định xử phạt và cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt cũng không thể thực hiện cưỡng chế theo quy định.
Hoặc một số người vi phạm khai địa chỉ không rõ ràng nên việc xác minh tịch thu phương tiện còn gặp nhiều khó khăn. Hoặc khi gửi thông báo xử lý vi phạm đến địa phương, nơi cư trú thì người vi phạm không nhận được, do không có ở địa phương hoặc đi làm ở xa.
“UBND tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành quy định cho phép các lực lượng chức năng tạm giữ biển số xe hoặc giấy chứng nhận đăng ký xe thay vì giữ xe, phương tiện như hiện nay” - văn bản nêu rõ.
Một bãi giữ xe vi phạm của công an một xã ở Hóc Môn cỏ mọc um tùm. Ảnh: NT
Cần được xem xét kỹ
Băn khoăn về đề xuất này, ông Lê Vương Vĩnh Minh (ngụ Cần Thơ) cho rằng việc giữ biển số xe thay vì phương tiện vi phạm có thể làm phát sinh tiêu cực.
“Về mặt tâm lý thì phương án giữ biển số xe sẽ được các cánh tài xế ủng hộ vì không bị giữ xe, có phương tiện lưu thông và không sợ bị mất hoặc hư tài sản. Tuy nhiên, xét về phương diện khác thì giải pháp này có thể làm phát sinh tình trạng làm giả biển số, vì trên thực tế đối với các xe chạy đường dài thường họ gắn 2-3 biển số là chuyện thường tình” - ông Minh nói.
Theo một CSGT tại TP.HCM, việc giữ biển số xe có vẻ không hợp lý bởi sẽ có nhiều trường hợp tài xế dùng biển số xe giả. Việc giữ biển số xe không có tác dụng răn đe bằng việc giữ phương tiện khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. “Tất nhiên, mỗi tỉnh, địa phương được đề xuất triển khai thi hành luật phù hợp với địa phương mình. Tuy nhiên, đề xuất này phải được cơ quan chức năng, cấp trên xem xét và quyết định. Chỉ khi nào được chấp thuận thì tỉnh, địa phương đó mới được triển khai” - vị CSGT này nói. |
Đồng quan điểm này, ông Trịnh Quốc Hậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Vận tải sửa chữa ô tô Phúc Hoàng Nhân, cho rằng biện pháp này không khả thi và không khéo sẽ tạo cơ hội cho tài xế làm biển số giả hoặc trốn phạt. Ông Hậu cho rằng nếu xe của doanh nghiệp (DN) đưa cho tài xế chạy và xảy ra vi phạm, cơ quan chức năng chỉ giữ biển số xe. Lúc này tài xế về không báo lại mà đi mua biển số giả gắn vào và vẫn chạy mà chủ DN không hay biết. Sau này nếu tài xế nghỉ và bàn giao xe lại cho người khác chạy hoặc đi đăng kiểm thì sẽ lộ ra việc xe sử dụng biển số giả, vậy sẽ truy cứu trách nhiệm ai?
“Phương án giữ giấy đăng ký xe hoặc giấy đăng kiểm, bằng lái xe sẽ khả thi hơn, thúc đẩy tài xế, chủ xe đóng phạt. Tài xế muốn làm bằng lái hay đăng kiểm thì đóng phạt xong mới làm được, còn biển số thì hiện việc làm giả rất đơn giản và rẻ hơn rất nhiều so với tiền đóng phạt” - ông Hậu phân tích.
Ngược lại với các ý kiến trên, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh An Giang, lại tỏ ra đồng tình với đề xuất này. “Tôi rất hoan nghênh đề xuất giữ biển số. Thực tế hiện nay việc tạm giữ phương tiện tại cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Còn chủ xe không bị giữ xe thì đương nhiên họ đồng tình cao vì xe đem về nhà được bảo quản, giữ gìn, chăm sóc tốt, không sợ mất hay hư hao gì” - ông Xuân nói.
Tuy nhiên, ông Xuân cũng cho rằng ngành chức năng cần có phương pháp quản lý thật chặt chẽ để tránh tạo cơ hội cho các đối tượng làm giả biển số phát triển. Theo đó, ngành chức năng cần xem xét lại mức độ vi phạm của chủ phương tiện mà có hình thức phù hợp.
Ngoài các mặt lợi hại gắn liền với chiếc xe, TS Phạm Văn Hùng, Phó Trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, phân tích thêm: “Vấn đề này cần có một nghiên cứu về mặt tâm lý, xã hội để biết được nó có những tác động trực tiếp như thế nào đến cuộc sống người dân, tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp theo đó là trình đề xuất lên các cấp phía trên để có ý kiến chỉ đạo. Tuy nhiên, trước mắt thì các đơn vị chức năng cứ làm đúng theo luật”.
Gắn biển số giả: Mức phạt khốc liệt Khoản 3 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định: “Xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp”. Theo đó, hành vi điều khiển xe không gắn biển số theo quy định hay gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe (như gắn biển số của xe khác lên xe của mình) hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (thường được gọi là biển số giả) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100/2019. Cụ thể như sau: - Đối với xe máy: Người vi phạm bị phạt 300.000-400.000 đồng và bị tịch thu giấy đăng ký xe cùng biển số không đúng quy định. - Đối với ô tô: Ngoài việc bị phạt 4-6 triệu đồng, người vi phạm còn bị tịch thu giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy đăng ký xe, biển số không đúng quy định; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng. |
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã chia sẻ như vậy khi thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay (27-11) về dự...
Nguồn: [Link nguồn]