Tranh cãi về 3 phương án công nhận chuyển giới
Bộ Y tế đang lấy ý kiến người dân về dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính. Ba phương án công nhận người chuyển giới trong dự thảo vẫn chưa thật sự "mở" với cộng đồng người chuyển giới.
Theo bà Đinh Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính gồm 5 chương, 25 điều, đưa ra các điều kiện để được công nhận đã chuyển đổi giới tính. Dự thảo dự kiến trình Quốc hội vào năm 2019. Nếu được thông qua, dự thảo luật này sẽ tạo được hành lang pháp lý cho hàng trăm ngàn người chuyển giới ở nước ta.
Từ 18 tuổi trở lên mới được chuyển giới
Theo dự thảo, người chuyển giới được công nhận là chuyển đổi giới sau khi kiểm tra tâm lý, đã sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng 2 năm trở lên). Một phương án khác là họ cần được kiểm tra tâm lý, sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng 1 năm) hoặc đã phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hoặc bộ phận sinh dục). Phương án còn lại chỉ cần được kiểm tra tâm lý, không có can thiệp về y tế (sử dụng hormone hay phẫu thuật). Dự án luật cũng quy định điều kiện để người chuyển giới được can thiệp y học là trên 18 tuổi, độc thân, có đủ sức khỏe và không chống chỉ định điều trị nội tiết tố sinh dục.
Trên thế giới, hiện có khoảng 70 quốc gia cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính. Trong đó, 38 quốc gia (62%) ở châu Âu và một số nước ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Philippines… yêu cầu người có mong muốn được công nhận chuyển đổi giới tính phải trải qua phẫu thuật, sau đó mới được công nhận về mặt giấy tờ nhân thân. Một số nước và vùng lãnh thổ cho phép công nhận giới tính mới mà không phải trải qua phẫu thuật như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Phi, Israel...
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho biết tại Việt Nam, theo các nghiên cứu, khoảng 300.000-500.000 người có nhu cầu chuyển giới và đã ra nước ngoài chuyển giới. Bộ Luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã thừa nhận quyền của người chuyển giới, song chưa có các quy định cụ thể về các quyền ở các lĩnh vực khác nhau của người chuyển giới. Luật Hôn nhân và Gia đình không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Luật Hộ tịch; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Thi hành án hình sự... chưa có quy định đối với người chuyển đổi giới tính.
Các chuyên gia cho rằng trường hợp không có can thiệp y tế thì không được công nhận đã chuyển giới. Điều này đề phòng trường hợp tâm lý chưa ổn định hoặc người trốn tránh về pháp luật, trốn tránh trách nhiệm về pháp lý, tránh người a dua, đua đòi. Ngoài ra, cần quy định từ 18 tuổi trở lên được phép phẫu thuật chuyển giới vì người dưới 18 tuổi chưa đủ để chịu trách nhiệm hành vi dân sự nên không đủ nhận thức là mình chuyển đổi giới tính hay không.
Hoa hậu chuyển giới quốc tế 2018 Hương Giang trong sự kiện “Lắng nghe người chuyển giới” (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Phẫu thuật chui không được công nhận
Theo bà Đinh Thị Thu Thủy, nhiều người chuyển giới Việt Nam chọn cách phẫu thuật ở những cơ sở chui hay tại các cơ sở y tế nước ngoài nhưng dù có phẫu thuật thành công thì họ cũng chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.
"Để có được ngoại hình mong muốn, người chuyển giới buộc phải sử dụng các loại thuốc hormone trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí áp dụng các biện pháp truyền miệng. Điều đó khiến nhiều người chuyển giới phải trả giá bằng tính mạng vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hormone, tiêm silicone. Vì thế, việc ban hành luật chuyển đổi giới tính là rất cần thiết" - bà Thủy nói.
Bác sĩ Ngô Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt tạo hình và thẩm mỹ Bệnh viện Việt Đức, cho biết người chuyển giới có thể gặp nhiều rủi ro khi can thiệp y học. Do đó, trước khi phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cùng người chuyển đổi giới tính chuẩn bị đầy đủ về tâm lý, thể chất, nội tiết tố...
Ngay cả những người sử dụng hormone cũng phải đối mặt với vô số nguy cơ về sức khỏe. Bởi khi sử dụng hormone nữ hóa, người chuyển giới sẽ có thể mắc sỏi mật, huyết khối tĩnh mạch, tăng men gan, tăng cân, bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, tăng prolactin máu... Trong khi đó, với hormone nam hóa sẽ là bệnh lý đa hồng cầu, rụng tóc, tăng cân, ngưng thở khi ngủ, tăng men gan, mỡ máu...
Theo một nghiên cứu về sức khỏe của Viện Nghiên cứu xã hội - kinh tế và môi trường (iSEE) đối với người chuyển giới nữ tại TP HCM, chỉ có 50% số người được hỏi đã từng có ít nhất một lần sử dụng dịch vụ y tế, là xét nghiệm HIV miễn phí, còn lại không biết các dịch vụ y tế khác dành riêng cho người chuyển giới ở đâu và không tìm được các thông tin hỗ trợ tư vấn từ các nguồn có uy tín như các bệnh viện, cơ sở y tế lớn.
Người chuyển giới ở Việt Nam đang khao khát một hành lang pháp lý để họ sống được đúng là con người mình, không bị bỏ lại đằng sau và không tiếp tục vô hình trước pháp luật. Bởi cuộc sống của người chuyển giới hằng ngày gặp đủ khó khăn vì không ai được pháp luật bảo hộ. Nhiều người đang phẫu thuật chui, thậm chí đối mặt với việc bị đe dọa tính mạng vì không được tiếp cận dịch vụ y tế công khai.
Việt Nam đủ năng lực phẫu thuật Theo bà Đinh Thị Thu Thủy, nhiều cơ sở y tế ở Việt Nam hiện có đủ năng lực để phẫu thuật chuyển giới nhưng vì chưa có quy định nên những người chuyển giới đều phải ra nước ngoài với chi phí đắt đỏ hơn ở trong nước từ 8-10 lần. Tại hội thảo tham vấn cộng đồng về dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính ở Việt Nam, chi phí trung bình để phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam đắt hơn từ nam sang nữ… Theo đó, tổng chi phí cho việc phẫu thuật chuyển giới tính dao động từ 23 triệu đồng đến hơn 1,5 tỉ đồng. Với nhóm FTM (từ nữ sang nam), chi phí trung bình cho phẫu thuật chuyển giới là hơn 147 triệu đồng; với nhóm MTF (nam sang nữ), chi phí trung bình này là hơn 128 triệu đồng. |
Hoa hậu chuyển giới quốc tế 2018 Nguyễn Hương Giang: Cả 3 phương án mà Bộ Y tế đưa ra chưa thực sự tạo điều kiện tốt cho người đồng tính. Tại nhiều quốc gia, quy định về chuyển đổi giới tính đã cởi mở trên tinh thần tôn trọng ý nguyện của công dân. Người chuyển giới được công nhận về mặt pháp lý mà không cần trải qua các quá trình điều trị hormone hoặc phẫu thuật. Tôi thấy đây chính là sự cởi mở cần thiết mà những người thuộc cộng đồng giới tính thứ 3 (LGBT) mong muốn. Đã thuộc cộng đồng LGBT, ai cũng muốn được thừa nhận đúng với giới tính mà họ mong muốn. Thế nhưng, không phải ai cũng đủ điều kiện tài chính hoặc thực sự muốn thay đổi nhân dạng của mình vì vài lý do, rào cản cá nhân. Điều chúng tôi mong mỏi có lẽ là sự thừa nhận của nhà nước, của công chúng nếu cá nhân nào đó có nhu cầu là đủ. Trần Ngọc Duy (chuyên gia trang điểm): Việc chuyển giới với những người có nhu cầu vẫn rất khó khăn. Hầu hết mọi người phải ra nước ngoài phẫu thuật nếu có nhu cầu. Chưa kể, việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính có thể gây ra những nguy hiểm lớn về sức khỏe, tâm lý và khó khăn khi đối diện với sự thay đổi, kỳ thị từ phía gia đình và xã hội; đặc biệt là những khó khăn trong các thủ tục pháp lý, giấy tờ… Bản thân tôi dù nhiều lần nghĩ đến điều ấy nhưng quyết định không thực hiện vì không vượt qua được sự kỳ thị của xã hội. Tôi mong được thừa nhận với giới tính mà mình muốn nhưng không muốn thay đổi nhân dạng của mình. Tôi và nhiều người thuộc giới tính thứ ba hy vọng được thừa nhận mà không phải trải qua phẫu thuật. Điều đó sẽ dễ dàng hơn cho cộng đồng LGBT. Chu Thanh Hà, một người chuyển giới nam: Với mọi người, chuyển giới chỉ là 2 từ nhưng với những người chuyển giới là chu kỳ 21 ngày một lần tự tiêm hormone vào người mình, lặp lại trong suốt cuộc đời. Đó là chưa kể nguồn hormone có đáng tin cậy hay không và vô số sự kỳ thị mà xã hội và cả bạn bè, người thân trút lên mình… Nhiều năm qua, tôi chỉ đến giao dịch ở duy nhất một chi nhánh ngân hàng. Lý do là bởi ở đó, dù giấy tờ tùy thân của tôi ghi giới tính nữ nhưng nhân viên đều gọi bằng "anh". Chỉ một tiếng "anh" thôi nhưng với tôi là cả một bầu trời hạnh phúc. Tôi mong muốn dự thảo luật chuyển đổi giới tính sẽ được Quốc hội thông qua càng sớm càng tốt. Thùy Trang - Huy Thanh ghi |
Mỗi lần nhìn thấy em trong hình dạng như vậy bố mẹ em lại nói: “Mày nam không ra nam, nữ không ra nữ”, Trâm chia sẻ.