Tranh cãi cầm cố chứng minh thư bị phạt nặng
Đề xuất của Bộ Công an phạt 4 - 6 triệu đồng hành vi cầm cố hoặc thế chấp chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân đang được dư luận quan tâm.
Theo dự thảo nghị định mới, việc thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp CMND hoặc CCCD sẽ bị phạt
Nhiều ý kiến đồng tình bởi hiện nay chứng minh nhân dân (CMND), căn cước công dân (CCCD) đang được cầm cố, thế chấp tràn lan, kéo theo nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về sự cần thiết của quy định này.
Vật cầm đồ nhiều nhất là… chứng minh thư
Tại hàng loạt hiệu cầm đồ trên đường Láng (Hà Nội), bất cứ ai chỉ cần đưa CMND ra cầm cố là có thể dễ dàng vay được vài triệu đồng.
L., chủ một tiệm cầm đồ trên đường Láng lý giải: “Bằng lái xe, sổ hộ khẩu, CMND, CCCD đến thẻ sinh viên đều có thể cầm cố. Trong đó, CMND là loại giấy tờ được cầm cố nhiều nhất vì ai từ 14 tuổi trở lên cũng có CMND. Hơn nữa, không giống bằng lái xe, bằng đại học, đăng ký xe hay sổ hộ khẩu, cứ báo mất CMND là dễ dàng được cấp mới”.
Khi PV băn khoăn hỏi, CMND hay CCCD chỉ có giá trị sử dụng với 1 người đứng tên, với người khác là vô giá trị, thì việc cầm cố liệu có “nắm đường lưỡi”, L. cười cho hay, làm nghề này, chỉ cần có căn cứ món nợ, sẽ có cách đòi nợ.
Ủng hộ việc sử dụng CMND, CCCD như một tài sản cầm cố, anh Phùng Đức S. (Bắc Ninh) cho rằng, đây là giải pháp hiệu quả khi cần tiền gấp mà không xoay được.
“Bí quá có thể mang CMND và CCCD ra quán cầm đồ vay một vài triệu đồng để chi tiêu, bao giờ có lương lại trả, việc này không hề ảnh hưởng đến ai, sao phải xử phạt?”, anh S. nói.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị H. (Bắc Giang) cho biết, rất mong cơ quan chức năng cấm, xử phạt nghiêm hành vi cầm cố CMND, CCCD.
“Vừa rồi con tôi đang học lớp 12 đã lén bố mẹ mang CMND đi cầm cố lấy tiền chơi game. Khi gia đình phát hiện ra thì số tiền đã đến gần chục triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Nếu pháp luật không cho cầm cố, thì sẽ không dẫn tới hậu quả này”, bà H. nói.
Phạt nặng có cần thiết?
Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình để thay thế Nghị định 167/2013.
Dự thảo đưa ra quy định xử phạt 4 - 6 triệu đồng đối với nhóm hành vi sau: Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại CMND hoặc CCCD; mua, bán, thuê, cho thuê CMND hoặc CCCD.
Trong khi đó, Nghị định 167/2013 (đang có hiệu lực) quy định xử phạt 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi thuê, mượn hoặc cho thuê, cho mượn CMND để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, dự thảo mới của Bộ Công an nếu được thông qua sẽ lấp “lỗ hổng” về cầm cố CMND, CCCD vốn xảy ra rất phổ biến lâu nay.
Bởi theo quy định hiện nay, chỉ khi cầm cố CMND, CCCD để thực hiện hành vi trái pháp luật mới bị xử phạt, thì dự thảo mới phạt mọi trường hợp cầm cố, thế chấp CCCD, CMND. Mức phạt lên tới 4 - 6 triệu đồng đối với người cầm cố và nhận cầm cố sẽ răn đe hành vi này.
Theo luật sư Hậu, quy định hiện hành không xử phạt hành vi cầm cố CMND, CCCD dẫn đến thực tế có nhiều giao dịch cầm cố liên quan đến CMND và kéo theo nhiều hệ lụy xã hội như tín dụng đen bùng phát; đồng thời có thể khiến CMND bị rao bán, thông tin cá nhân bị lộ, lọt.
“Quy thành điều cấm, rồi nâng mức xử lý là cần thiết để ngăn chặn hiện tượng này. Việc tăng mức phạt này còn phần nào ngăn chặn hiện tượng mua bán những thông tin cá nhân, nhất là CMND, CCCD”, luật sư Hậu cho hay.
Trong khi đó, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu quan điểm, vẫn giữ nguyên quy định hiện nay là chỉ nên phạt nếu cầm cố CMND, CCCD để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
“Dù không thể quy đổi thành vật chất và không có giá trị trên thị trường nhưng CMND, CCCD có giá trị quan trọng để thực hiện các giao dịch. Do vậy nhiều người rơi vào cảnh khó khăn nhất thời đã cầm cố để có tiền xài tạm.
Những giấy tờ này được xem như vật của chủ sở hữu, vì vậy được xem là một tài sản. Điều này đồng nghĩa chủ sở hữu có quyền cầm cố hoặc thế chấp để đảm bảo cho các giao dịch dân sự như hợp đồng vay tiền”, luật sư Bình nói.
Cùng quan điểm, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, chỉ nên xử phạt những hành vi cầm cố hoặc nhận cầm cố CMND và CCCD để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Còn việc cầm cố đó để lấy tiền sử dụng vào việc chính đáng thì không nên xử phạt.
“Ví dụ như trên đường đi không may hết xăng mà không có tiền, trong tay lúc đó chỉ có CMND hoặc CCCD, vào đặt vay tạm vài chục nghìn để lấy tiền đổ xăng rồi để lại CMND hoặc CCCD thì có bị coi là vi phạm không?
Nếu bảo cầm cố CMND và CCCD kéo theo nạn tín dụng đen, thì việc hạn chế tín dụng đen phải là tổ chức tốt hoạt động tín dụng, quản lý trật tự trên địa bàn cần sâu sát và nghiêm túc hơn”, ông Nhưỡng nói.
Ngoài xử phạt hành vi cầm cố, thế chấp CCCD, CMND, Bộ Công an cũng đề xuất tăng mạnh mức xử phạt đối với người sử dụng CMND hoặc thẻ CCCD giả lên 4 - 6 triệu đồng (quy định hiện tại chỉ 2 - 4 triệu đồng); Không xuất trình CMND hoặc thẻ CCCD khi có yêu cầu lên mức 300 - 500 nghìn đồng (thay vì 100 - 200 nghìn đồng như hiện nay).
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Công an đề xuất phạt tối đa 6 triệu đồng đối với hành vi thế chấp, cầm cố thẻ CMND hoặc CCCD.