Trắng đêm săn “hàng độc” chợ Viềng
Mỗi năm, phiên chợ cầu may chỉ họp duy nhất một phiên vào ban đêm, chính vì vậy mà hàng ngàn du khách khi trẩy hội chợ Viềng đều mong muốn mình chen chân nhanh mua được những món “hàng độc”, cầu tài, lộc cho gia đình trong năm mới.
Lễ hội chợ Viềng họp vào đêm ngày 7/1 âm lịch, thời điểm công nhân, viên chức vẫn đang trong kỳ nghỉ tết Nguyên Đán, do đó ngay từ đầu giờ chiều trên các tuyến đường dẫn vào chợ Viềng xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đều nườm nượp người và phương tiện xe cộ qua lại.
Mua “hàng độc” cầu may
Đến với phiên chợ đầu năm, khách thập phương dễ nhận thấy tại đây bày bán đa phần là các sản phẩm nông nghiệp từ cái cày, cái cuốc cho đến giống cây, giống con, đồ cổ và cả đồ giả cổ…
Theo quan niệm dân gian, khi đến với chợ Viềng, du khách mua bất cứ vật dụng gì cũng đều mang đến cho gia đình may mắn. Trong hàng ngàn vật dụng được bày bán ở chợ, có 5 mặt hàng được du khách “săn đón” nhiều nhất là cây cảnh, dụng cụ lao động, đồ cũ, tiền cổ và thịt bò.
Bên gian hàng bán cây cảnh, những loại cây sung, sanh, lộc vừng, chanh, hoa được người dân tìm mua đông nghẹt. Du khách xếp thành hàng nối đuôi nhau bên các gian hàng cây sung, ai cũng mong muốn mình chọn mua được những cây cảnh có hoa, lộc đầu năm để mong mắn cho gia đình trong năm mới.
Cầm trên tay cây hoa Hải Đường, chị Nguyễn Thương, 37 tuổi, du khách quê ở Kim Sơn, Ninh Bình cho biết, nghe thông tin phiên chợ cầu may đem lại may mắn cho nhiều gia đình chị đã cùng chồng lên phiên chợ ngay từ chiều ngày 7.1. Đi xin lộc đầu năm nên chị cũng tranh thủ đi lễ Phủ và mua cho gia đình cây Hải Đường giá 40.000 đồng, với mong muốn năm mới công việc kinh doanh của gia đình chị sẽ thuận lợi, thành công.
Ông Phạm Văn Hải, 56 tuổi, chủ gian hàng bán cây cảnh cho hay, chỉ trong một buổi chiều và chập tối ông đã bán cho khách thập phương gần 200 cây cảnh chủ yếu là cây chanh, sung và sanh.
Các gian hàng bán công cụ lao động cũng khá hút khách, người dân làm nghề nông đều quan niệm rằng mua những dụng lao động cái cào, liềm, cuốc để mong có một năm mới tốt tươi, mùa vụ bội thu. Một số vị khách ở nội thành đi trẩy hội, mua những đồ dùng sinh hoạt trong gia đình như con dao, cái kéo cũng với hi vọng mọi điều may mắn đến bên gia đình.
Bà Nguyễn Thị Hoa 48 tuổi, ở huyện Trực Ninh, Nam Định tâm tình: “2 năm nay, năm nào tôi cũng đi chợ Viềng cầu may cho gia đình. Nhà trồng 5 sào ruộng nên đến phiên chợ cầu may tôi cũng mua cho gia đình một đôi liềm gặt, những mong vụ mùa tới cây sẽ tốt tươi, vụ lúa bội thu”.
Gian hàng bán đồ cổ có lẽ là hút khách nhất, bởi ở đây bày bán đa dạng các loại sản phẩm sinh hoạt, thậm chí có sản phẩm từ thời vua chúa sử dụng như chiếc đĩa, đèn dầu, thần tài đến các vật dụng lọ hoa, bình dùng để trang trí trong nhà. Người dân khi đi qua gian hàng đều chen chân đến xem những món đồ cổ này, dù không mua vật dụng nhưng họ đều có mong muốn được mãn nhãn những món hàng độc ở phiên chợ cầu may.
Không chỉ có gian đồ cổ hút khách mà quầy hàng bán tiền cổ cũng thu hút khá nhiều người dân. Mua được đồng tiền và con giáp tương ứng tuổi của mình với giá 20.000 đồng, ông Hà ở Thái bình khá phấn khởi với đồng tiền cầm trên tay. Ông nở nụ cười nói: “Hai năm nay đến chợ Viềng tôi đều tìm mua cho mình một đồng tiền cổ với hi vọng đi chợ cầu may mang tiền về nhà sẽ gặp hái được tài lộc trong năm mới”.
Đặc sản thịt bò cũng khá hút khách thập phương đến trẩy hội. Dù giá dao động từ 250 đến 300.000 đồng/1kg thịt bò nhưng các gian hàng bán thịt bò vẫn đông nghẹt.
Ngoài một số mặt hàng của nhà nông như nơm, rổ, rá, giỏ, quang, ghánh cũng khá đông những du khác đến xem, mua.
“Méo mặt” vì cảnh tắc đường
Đến với chợ Viềng người dân không chỉ đi chợ cầu may mà du khách còn đến với lễ Phủ Dầy. Do vậy, mà từ 22h, khi dòng người đông đúc đổ về chợ Viềng, tại tuyến đường nhỏ từ khu vực chợ Viềng ra đền chính, thuộc quần thể Phủ Dầy, cảnh chen lấn tắc đường đã xảy ra. Người dân chen nhau xô đẩy bên đường, những tiếng hô, đẩy, tiếng rú của xe máy khiến du khách thập phương bị hoảng hồn.
Ùn tắc gần 2h, người dân phải chịu cảnh khom mình, đứng dậm chân tại chỗ. Chờ đợi lâu, tâm lý mệt mỏi, nhiều thanh niên đã bật khỏi dòng người bằng cách nhảy qua con mương sâu. Một số du khách đã liều mình đứng dưới mương sâu cõng người thân thoát khỏi “biển người” đông đến ngộp thở.
Bà Nguyễn Thị Vui, 54 tuổi, một du khách ở Hải Phòng sau một hồi chen lấn khỏi dòng người đứng thở phều phào nói: “Lần đầu tiên tôi đến với phiên chợ cầu may, nhưng gặp phải cảnh chen lấn tôi thấy hoảng quá. Năm sau, dù muốn xin lộc đầu năm, tôi cũng chỉ dám đi chợ vào ban ngày để tránh cảnh chen lấn đông đúc như này”.
1h ngày 8/1 âm lịch, khi du khách đến với chợ Viềng ra về, dòng người đổ dồn về các ngả đường đông nghẹt. Trên tuyến đường 12, đoạn qua chợ Dần, xã Thành Chung lại tiếp tục xảy ra cảnh ùn tắc gần 2h đồng hồ. Đoạn đường nhỏ, ô tô lớn lại đỗ ngay ven đường nên khiến đoạn đường tắc dài hơn 1km. Các phương tiện xe cộ nối đuôi nhau, tiếng còi vang lên inh ỏi.
Chợ Viềng xuân là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, biểu thị nền kinh tế phồn thực của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tuy nhiên khi đến với phiên chợ cầu may, nhiều du khách đã không khỏi ngán ngẩm, rơi vào hoàn cảnh dở khóc, dở cười khi gặp phải cảnh tắc đường.
Một số hình ảnh của phiên chợ cầu may đêm qua:
Hàng ngàn du khách đến với phên chợ cầu may
Gian hàng cây cảnh luôn đông nghẹt du khách
Vị khách ở Ninh Bình mua cây cầu may đầu năm
Chen nhau mua dụng cụ lao động
Gian hàng đồ cổ thu hút đông khách thập phương
Ông Hà ở Thái Bình mua tiền cổ cầu may đầu năm
Thịt bò cũng khá hút khách
Du khách mua nơm để lấy lộc đầu năm
Đoạn đường gần chợ Viềng tắc nghẽn, du khách cõng nhau qua mương lánh lạn
Đường 12, đoạn qua chợ Dần ùn tắc hơn 1km về đêm
Nhiều người tỏ ra mệt mỏi vì cảnh tắc đường