Trắng đêm khắc phục thiệt hại giao thông trong mưa lũ

Để khắc phục thiệt hại mưa lũ, ngành GTVT đang dồn sức, huy động tối đa nhân, vật lực, chạy đua với thời gian quyết tâm thông đường trong thời gian sớm nhất.

Trắng đêm khắc phục thiệt hại giao thông trong mưa lũ - 1

Lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục sạt lở tại Km73 QL4D qua tỉnh Lai Châu - Ảnh: TTXVN

Khi đường thông đồng nghĩa với việc đi lại, cứu hộ, cứu nạn sẽ thuận tiện, nhanh chóng hơn.

Thi công xuyên ngày đêm

19h ngày 25/6, trên tuyến QL279 đoạn qua huyện Văn Bàn, tỉnh Yên Bái, trong làn mưa vẫn xối xả, nước lũ chảy ào ạt là tiếng máy nổ, xúc ủi của công nhân giao thông khắc phục sự cố sạt lở.

Trực tiếp cùng anh em san gạt, vận chuyển đất đá ra khỏi khu vực sạt lở, ông Nguyễn Quang Vinh, Hạt trưởng Hạt Quản lý đường bộ Văn Bàn cho biết: “6h sáng 24/6, nhận thông tin sạt lở trên tuyến QL279, chúng tôi vội đến hiện trường và ngỡ ngàng vì khối lượng sạt lở quá lớn. Vị trí sạt lở kéo dài từ Km 140+350 - Km 157+500, đất đá trôi trên núi xuống rất nhiều bùn lầy, cây cối nên cống bị tắc, đứt. Kiểm tính ban đầu, có khoảng 50 điểm sạt lở, trong đó có 6 điểm trên 2.000m3 đất đá. Giao thông qua đoạn tuyến này tê liệt hoàn toàn”.

Lập tức, hạt huy động 3 máy xúc hoạt động liên tục, nhờ đó đến chiều 25/6, đoạn sạt lở tại Km155 đã được thông. Dự kiến, ngày 26/6 sẽ hoàn thành thông tuyến. “Thi công trong điều kiện mưa lũ khắc nghiệt nên anh em đều rất vất vả và nguy hiểm. Nhưng giao thông ách tắc, cả một vùng bị cô lập thì công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ sẽ rất khó khăn nên anh em động viên nhau thi công xuyên đêm, không ngừng nghỉ”, ông Vinh chia sẻ.

Ăn tạm ổ bánh mỳ trên chiếc máy xúc tại hiện trường sạt lở Km155 QL279, anh Vàng Văn Hoàng, công nhân lái máy xúc Hạt Quản lý đường bộ Minh Lương người ướt sũng, mặt mũi lấm lem bùn đất cho biết, khoảng 5h sáng 24/6, nhận thông tin QL279 bị sạt lở, 6h đã tới điểm sạt lở đầu tiên ở Km140 và bắt đầu san gạt bùn đất. Suốt 37 giờ đồng hồ, anh cùng một đồng nghiệp thay phiên nhau làm việc, bữa trưa và tối chỉ kịp ăn tạm chiếc bánh mỳ hoặc cơm hộp. “Chúng tôi chỉ mong thông đường sớm nhất”, anh Hoàng nói.

Hiện, các điểm sạt lở trên tuyến QL279 và QL4D thuộc địa phận Sa Pa và Văn Bàn (Lào Cai) đã được xử lý, cơ bản đảm bảo thông xe đến giáp địa phận tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, có một số điểm sạt lở nghiêm trọng trên tuyến QL4D và QL279 chưa thể thông xe, nên ngành GTVT Lào Cai đã cắm 4 biển báo tắc đường tại Km 136 và nút giao IC19 nối QL4D với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tại cầu Khe Lếch (xã Sơn Thủy, Văn Bàn) và nút giao IC16 nối QL279 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai để các chủ phương tiện được biết, có phương án tạm dừng lưu thông, tìm điểm dừng nghỉ hợp lý.

Trắng đêm khắc phục thiệt hại giao thông trong mưa lũ - 2

Sạt lở, đứt đường tại Km146 QL279

Nỗ lực thông đường sớm nhất

Chiều 25/6, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ VN do Phó tổng cục trưởng Nguyễn Xuân Cường trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục mưa lũ trên QL4D Lào Cai - Lai Châu. Ông Cường cho biết, tại các vị trí đứt đường, phương án xử lý được thống nhất là đào lấn vào ta luy dương hoặc đắp hoàn trả nền mặt đường; lắp đặt cống thoát nước bị hư hỏng và bổ sung cống tại vị trí thoát nước không kịp. Tại các vị trí sụt ta luy âm thì kè rọ thép bọc nhựa, bên trong xếp đá hộc; đắp hoàn trả nền, mặt đường. “Các đơn vị cần tập trung tối đa nhân lực và phương tiện để thông xe toàn tuyến QL4D trước 22h ngày 25/6”, ông Cường chỉ đạo.

Theo ông Cường, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho giao thông Tây Bắc. Trong đó, tại Hà Giang: QL4C tổng khối lượng sạt lở khoảng 3.000m3; QL34 khoảng 560m3. Tại Lai Châu, tuyến QL4D có một điểm sạt lở lớn tại Km73 - Km85 với tổng khối lượng 10.000m3, QL12 bị sạt lở tại Km 56+350 khoảng 16.000m3 và tại Km 63+850 khoảng 4.000m3; cầu Hua Bum tại Km 303+460 trên QL4H đứt đường dẫn đầu cầu dài 35m. Ngoài ra, tại Lai Châu, TL127 đoạn Km0 - Km55; TL128 đoạn Km0 - Km20; TL129B đoạn Km 0+450; TL136 Km1 3+000 và Km 19 - Km21; TL133 đoạn Km2 - Km72; TL134 đoạn Km5 - Km45 bị hư hỏng, tắc đường; có 3 cầu treo, 3 cầu bê tông nhỏ bị lũ cuốn trôi.

Tại hiện trường sạt lở trên QL279 địa phận tỉnh Lai Châu, ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Lai Châu cho biết, Km162 QL279 bị đứt đường, các phương tiện không thể di chuyển lên Lai Châu, hiện đơn vị thi công đã huy động máy xúc đưa phương tiện vào hiện trường để khắc phục.

“Tại vị trí này có một thác nước đang chảy xiết kết hợp trời vẫn liên tục mưa, tình trạng đứt đường phức tạp khiến công tác thi công gặp nhiều khó khăn và gây nguy hiểm cho công nhân thi công. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nỗ lực khắc phục để có thể thông đường trong thời gian sớm nhất”, ông Hùng nói và cho biết, sáng 25/6, 3 máy xúc đã được huy động vào khắc phục sự cố sạt lở tại Km369 QL32, đến trưa cùng ngày tuyến QL32 đã được thông đường, mở lối đi độc đạo lên Lai Châu bị cô lập trước đó. Còn đoạn Km73 - Km78 trên QL4D bị sạt lở vẫn gây tắc đường, phía tỉnh Lai Châu đang huy động 3 máy xúc khẩn trương khắc phục sự cố và nhờ tỉnh Lào Cai hỗ trợ 2 máy xúc thi công để sớm thông tuyến. 

Trắng đêm khắc phục thiệt hại giao thông trong mưa lũ - 3

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Xuân Cường (bìa phải) kiểm tra hư hỏng và đôn đốc công tác khắc phục sạt lở trên QL4D Lào Cai - Lai Châu

Thủ tướng chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ

Ngày 25/6, Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc tập trung tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc bộ. Thủ tướng đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng và yêu cầu UBND các tỉnh và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư; Cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các điểm nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết…

Hải Quỳnh

Bộ GTVT chỉ đạo khẩn đối phó mưa lũ

Bộ GTVT vừa có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị chuẩn bị tốt các phương án đối phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc. Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ; các điểm sụt trượt để đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất; trong khi khắc phục hậu quả phải đảm bảo an toàn về người, thiết bị. Chỉ đạo Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN thực hiện nghiêm chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như cầu, đường yếu dễ ngập nước, khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước. Cục Đường thủy nội địa VN kịp thời sửa chữa, bổ sung phao tiêu, biển báo bị hư hỏng do mưa lũ gây ra; điều tiết, hướng dẫn đảm bảo giao thông, chống va trôi cho các cầu trong và sau mưa lũ.

Các Sở GTVT được giao phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các đơn vị quản lý đường bộ khắc phục sớm sự cố do mưa lũ, phân luồng đảm bảo giao thông khắc phục hậu quả bước 1 trên các tuyến quốc lộ ủy thác và đường địa phương, phối hợp điều hành vận tải, tăng bo hành khách và hàng hóa ngay sau khi lũ rút.

Trần Duy

25 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính 110,6 tỷ đồng

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Lào Cai, tính đến 17h ngày 25/6, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất đã làm 14 người chết (Hà Giang: 3 người; Lai Châu: 11 người, trong đó có ông Lường Văn Phong (45 tuổi), công nhân Công ty 387 Bộ Quốc phòng đã tử vong do do sạt lở đất vào lán công nhân thi công tại tuyến đường xã Thu Lũm), 11 người mất tích (11 người ở Lai Châu do lũ cuốn trôi).

Đã có 67 ngôi nhà bị đổ, cuốn trôi; 379 nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp; 769 nhà bị ngập nước và khoảng 735ha lúa và hoa màu bị mất, thiệt hại. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 110,6 tỷ đồng (Hà Giang: 14 tỷ đồng, Lai Châu: 90 tỷ đồng, Thái Nguyên: 0,32 tỷ đồng, Lào Cai: 6,3 tỷ đồng).

Quỳnh Anh

Cứu hộ hai chiếc xe bị vùi trong mưa lũ

Anh Lương Văn Tiến (SN 1981, chủ doanh nghiệp cứu hộ CKT Lai Châu) cho biết, trưa 24/6, khi nhận được thông tin tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường có hai chiếc xe ô tô đang bị vùi lấp, mà chủ nhân đang bị lũ cuốn trôi mất tích, anh Tiến đã tới hiện trường để hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ.

Đường từ TP Lai Châu đến xã Sơn Bình chỉ khoảng 40km nhưng do tuyến QL4D có nhiều điểm sạt lở, mưa lớn, nên phải mất 2 tiếng, anh Tiến mới có thể tới hiện trường nơi hai chiếc ô tô bị vùi lấp. Lúc này, lực lượng TTGT, CSGT đã dựng rào chắn cảnh báo nguy hiểm, xe cứu hộ giao thông không thể vào vì vẫn còn tình trạng sụt lún, nước chảy xiết, nên anh Tiến đi bộ vào tiếp cận hiện trường, khảo sát địa chất. Sau đó, 8h30 ngày 25/6, anh Tiến cùng anh Lợi (chủ doanh nghiệp cứu hộ Linh Lợi) đã huy động 9 công nhân cùng 3 phương tiện bao gồm máy kéo 8 tấn, 2,5 tấn và chiếc xe tải đến hiện trường. Phải mất 3 tiếng, đội cứu hộ mới tiếp cận được vị trí xe bị vùi lấp và mất 4 tiếng sau đó, vừa dùng máy móc vừa đào bới đất đá bằng tay, cuốc xẻng, tới 15h cùng ngày, mới đưa được hai chiếc xe ra khỏi đống đổ nát.

Hữu Tuấn

Lũ quét kinh hoàng ở Lai Châu: Số người chết và mất tích tiếp tục tăng

Theo người dân địa phương, đây là đợt mưa lũ nghiêm trọng nhất trong vòng 10 năm qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Chi (Báo Giao thông)
Lũ lụt ở miền Bắc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN