Trần tình của giám đốc khám bệnh cho... người chết

Bị cài bẫy, bịa đặt, oan... là những gì mà ông Phạm Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm YTDP huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) nói, sau khi báo chí đăng tải những thông tin liên quan đến đơn kiện của ông Mai Quý Khiêm (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch).

Bị cài bẫy, bịa đặt, oan...

 

Sau nhiều nỗ lực liên hệ, PV Tiền Phong đã tiếp xúc được với ông Phạm Minh Sơn, để trao đổi về nội dung đơn kiện của ông Mai Quý Khiêm và những tài liệu liên quan đến những sai phạm của ông này mà PV thu thập được. Suốt cả cuộc trao đổi, ông Sơn luôn tìm cách biện minh mà không hề nhận một lỗi nào, dù rất nhỏ về mình.

Trần tình của giám đốc khám bệnh cho... người chết - 1

Ông Sơn vẫn cấp giấy khám sức khỏe sau ngày Thông tư 14 của Bộ Y tế có hiệu lực và bị Sở Y tế Quảng Bình cấm

Liên quan cáo buộc, không khám nhưng vẫn cấp giấy khám sức khỏe cho người có nhu cầu trong một thời gian dài, ông Sơn cho rằng: Mặc dù trung tâm không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận khám sức khỏe, nhưng Sở Y tế Quảng Bình đã có công văn cho phép khám trong lúc đợi hoàn tất thủ tục theo quy định.

Ở trung tâm, việc khám sức khỏe được làm rất chặt chẽ, có y sỹ và bác sỹ khám, xét nghiệm theo đúng quy trình. Riêng trường hợp chết 9 năm vẫn có giấy khám sức khỏe là do ông bị ông Khiêm (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch) cài bẫy.

“Ông Khiêm đã dùng một người khác na ná người đã chết đến khám và anh em đã chủ quan nên không phát hiện ra” - ông Sơn nói.

Về vụ cấp phát hóa chất hết hạn sử dụng hơn 4 tháng cho người dân vùng lũ để xử lí nước uống năm 2007, ông Sơn cho rằng mình là người có công phát hiện số Cloramin B hết hạn và đề xuất phương án xử lí số hóa chất nói trên, tiết kiệm cho Nhà nước, cuối cùng lại bị đổ oan.

Theo đó, khi nhận lệnh xuất kho hóa chất để cấp phát cho người dân vùng lũ, ông Sơn đã phát hiện hết hạn sử dụng và báo cáo lên huyện và Sở Y tế. Đồng thời ông đề xuất phương án sử dụng số hóa chất này xử lí rác thải ứ đọng phía sau trụ sở UBND xã Quảng Thủy, chứ không phát cho dân xử lí nước uống. 

Ông cũng nói mình bị vu khống chuyện đánh người. Trường hợp bà Hồng ở Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình, hai bên chỉ có cự cãi chứ ông không đánh, do bà Hồng nói với vợ ông là ông bồ bịch lăng nhăng làm mất hạnh phúc gia đình. Rồi vụ ông Tùng bảo vệ, do ông Tùng đi làm muộn, hai bên cũng chỉ cự cãi chứ không đánh nhau.

Về việc tuyển 9 người từ đầu năm đến nay, ông Sơn cho rằng mình đã xin phép Sở Y tế nên cũng không sai. “Tôi có điện thoại cho chị chánh văn phòng xin phép hợp đồng thời vụ với 9 người, thời gian 6 tháng. Lúc nào có đề án và tuyển chính thức thì những người này bị cắt hợp đồng” - ông Sơn nói.

Trần tình của giám đốc khám bệnh cho... người chết - 2

Ông Sơn một mực cho rằng mình bị cài bẫy, bịa đặt, oan...

Nhiều bằng chứng chống lại ông Sơn

Mặc dù ông Sơn chối bỏ tất cả những nội dung mình bị tố cáo, tuy nhiên, theo tài liệu mà PV Tiền Phong có được thì ngược lại.

Liên quan việc cấp giấy khám sức khỏe của Trung tâm YTDP huyện Quảng Trạch, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết: Trước đó, cách đây 2 năm, Sở có văn bản cho phép các Trung tâm YTDP trên địa bàn được phép khám sức khỏe.

Tuy nhiên, từ khi Thông tư 14, của Bộ Y tế quy định liên quan đến việc khám sức khỏe ra đời, thay thế Thông tư 13, có hiệu lực từ ngày 21/12/2013, thì sở này không cho phép các Trung tâm YTDP cấp giấy khám sức khỏe. 

Mặc dù vậy, nhiều giấy khám sức khỏe phát ra từ Trung tâm YTDP huyện Quảng Trạch mà PV Tiền Phong thu thập, được cấp năm 2014. Ông Sơn đã dùng văn bản của Sở Y tế cho phép trước Thông tư 14 ra đời để biện minh cho sai phạm của mình.

Về vụ cấp phát Cloramin B quá đát cho dân xử lí nước uống. Theo báo cáo của đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Song Hà, Trưởng phòng Y tế huyện Quảng Trạch lập ngày 10/8/2007: Đã thu hồi 1.700 viên Cloramin B hết hạn sử dụng tại 4 xã là Quảng Thủy, Quảng Minh, Quảng Tân và Quảng Lộc được cấp phát cho dân xử lí nguồn nước. Và sau đó, huyện thành lập hội đồng xử lí tiêu hủy số hóa chất nói trên.

Còn vụ cha con ông Sơn đánh ông Tùng (bảo vệ), ông Tùng khẳng định là mình bị đánh máu me đầy mặt, có rất nhiều người làm chứng. Sau đó, ông có kiện ông Sơn lên huyện và Sở Y tế, các đoàn đã về xác minh làm rõ.

Tuy nhiên, sau đó ông Sơn nhờ ông Lộc (Trưởng phòng Giáo dục huyện Quảng Trạch, là người bà con với ông Tùng) đến xin cho ông Sơn, nên ông Tùng đã rút đơn. “Vì nể nang mà tôi đã rút đơn, không muốn truy cứu, không muốn nhắc lại chuyện cũ, nhưng việc cha con ông Sơn đánh tôi là thật 100%” - ông Tùng nói.

Việc ông Sơn tự ý hợp đồng với 9 người, ông Cường, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình một lần nữa khẳng định: Ông Sơn đã làm sai quy trình, không hề có việc xin phép lãnh đạo sở này.

Được biết, 9 người mà ông Sơn nói là mình hợp đồng thời vụ, lại nằm trong định biên của trung tâm này sau khi chia tách và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, chứ không phải hưởng lương từ nguồn tự có của Trung tâm YTDP huyện Quảng Trạch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN