Trận đánh hóa “Rồng” của một võ sư đất võ

Sự kiện: Thời sự

Trước năm 1975, tên tuổi của võ sư Phi Long (tên thật là Trần Quốc Phi Long, SN 1944, ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vang xa ở nước ngoài. Ông được ví như “rồng”, bởi sức mạnh phi thường, từng 68 lần hạ đối thủ trên võ đài và chưa một lần nếm mùi thất bại.

Võ sư Phi Long là con thứ 3 trong tổng số 7 người con của võ sư Trần Nghĩa Sỹ. Vì là con nhà võ nên ngay từ khi 6 tuổi, ông đã được cha dạy cho những đường võ cơ bản. Đến năm 10 tuổi, ông tiếp tục được người bác ruột là võ sư Trần Lại dạy võ với mong muốn cháu mình theo nghiệp võ cổ gia truyền.

Tuy nhiên, 2 năm sau, vào một buổi trưa, khi ông đi học chưa về, võ sư Trần Lại cùng 37 học trò của mình ra bờ sông Côn căn dù luyện võ thì một cơn sét đánh xuống. Sau sự việc, võ sư Trần Lại cùng 36 học trò thiệt mạng, chỉ duy nhất một người còn sống sót.

Trận đánh hóa “Rồng” của một võ sư đất võ - 1

Võ sư Phi Long biểu diễn võ thuật.

Sau đó, võ sư Sỹ mời võ sư Nguyễn Thái Sơn (ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) về nhà dạy võ cho con trai. Thời điểm đó, võ sư Sơn gần 60 tuổi, nổi tiếng bởi kỳ tích đánh được một con heo rừng rất to và hung dữ. Tuy nhiên, theo dạy được một năm thì võ sư Sơn bị mổ ruột thừa nên xin nghỉ.

Tiếp đến, võ sư Sỹ mời võ sư Trịnh Thiếu Anh (ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) có võ tài ba, đặc biệt là rất giỏi đối kháng về nhà dạy võ Phi Long. Dù vậy, do chiến tranh loạn lạc nên dạy được một năm thì võ sư Anh quay về cố hương.

Thời điểm này, võ sư Sỹ phát hiện con trai mình có cá tính rất mạnh mẽ, sợ sau này con sẽ gây ra tai họa nên không cho học võ nữa. Dù bị cha nghiêm cấm nhưng Phi Long vẫn quyết tâm theo đuổi võ thuật. Ông quyết định trốn nhà, xuống vùng suối nước nóng Hội Vân (xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) bái võ sư Huỳnh Liểu đã hơn 60 tuổi làm sư phụ.

“Tôi quyết định bái võ sư Huỳnh Liểu làm sư phụ là vì ông ấy thường đi đánh võ đài, thắng nhiều người Pháp. Một thời gian ngắn theo học, thầy xem tôi là môn sinh tâm đắc, quý mến như con cái trong nhà nên đã chỉ dạy cho tôi rất cặn kẽ từ lý thuyết đến thực hành về võ học, võ y”, võ sư Phi Long cho biết.

Năm 1967, võ sư Huỳnh Liểu hướng dẫn con trai mình là Huỳnh Thảo cùng với học trò Phi Long mở võ được Phi Long Thảo tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Từ võ đường này, Phi Long được sư phụ cho đi đánh đài thường xuyên và tạo nên danh tiếng lừng lẫy về sau. Năm 1969, ông được võ sư Huỳnh Liểu cho phép xuất sư nên quay về xã Tây Giang mở võ đường lấy hiệu là Phi Long.

Võ đường của ông đã đào tạo khá nhiều môn đồ khắp các tỉnh, thành trong và ngoài nước. Ông hãnh diện khi nhắc đến 31 võ đường của môn phái Phi Long được xây dựng, phát triển bởi 31 học trò từ Bắc chí Nam với một niềm tự hào không che giấu như: Phi Long Hải ở TP Hồ Chí Minh, Phi Long Nghĩa ở TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai)… xa hơn nữa là Cung Lê ở California (Mỹ).

Trong cuộc đời đấu võ của mình, võ sư Phi Long đánh 87 trận và chưa biết mùi thất bại là gì. Trong đó, có 68 trận hạ đối thủ trên đài, 19 trận còn lại đấu hòa vì đó là đấu giao hữu, thỏa thuận hòa từ trước.

Trận đấu mà ông nhớ nhất là với võ sư Lam Chinh (người Campuchia) tại nhà hát Hoa Mộc Lan (tỉnh Kon Tum) vào năm 1971. Lúc ấy, sau khi ông thắng một võ sư ở tỉnh Gia Lai, Lam Chinh liền xin thủ đài. Theo quy định, ai xin thủ đài thì đêm hôm sau sẽ đánh với ông.

Sáng ngày hôm sau, nhiều võ sư nổi tiếng ở Tây Nguyên ngăn cản, không cho ông đánh. Trong đó, có võ sư Thanh Long là Chủ tịch Tổng Hội võ thuật Tây Nguyên, võ sư Hoàng Thọ ở Gia Lai, võ sư Nam Tạo ở Kon Tum… là thế hệ thầy của ông. Thời ấy, Lam Chinh là người duy nhất không những đứng vững khi quân Ngụy biểu diễn song phi, mà còn nắm được võ sĩ biểu diễn đưa lên cao.

Trận đánh hóa “Rồng” của một võ sư đất võ - 2

Võ sư Phi Long thời trẻ.

“Song phi là màn võ sĩ phải phi lên để vượt qua 7 người đang đứng khom người phía trước, sau đó hạ đối thủ ở trước mặt. Hồi ấy, chỉ duy nhất mình Lam Chinh là đứng vững nhờ nội công thâm hậu. Do đó, các thầy bảo rằng, có được nội công mạnh đến thế là do Lam Chinh có “gồng”, có “bùa” nên không cho tôi đánh.

Tôi phân tích cho các thầy rằng, Lam Chinh có “gồng” để cơ thể lên nội công chịu được đòn đánh. Nhưng con mắt, lỗ tai thì không thể lên nội công nên sẽ đánh vào những vị trí này. Còn “bùa chú” thì lúc đối thủ “niệm chú” mình dùng hầu quyền, sử dụng cái nhanh nhẹn của khỉ để tấn công ngay, làm đối thủ không kịp trở tay lúc “bùa” chưa nhập vào người”, võ sư Phi Long giải thích.

Sau khi nghe những phân tích của ông, hầu hết các võ sư đều đồng ý để ông lên đài thi đấu. Dù vậy, trong lòng các võ sư đều nơm nớp lo sợ điều chẳng lành sẽ đến với Phi Long. “Tối đêm đó, võ đài ở nhà hát Hoa Mộc Lan chật kín người. Đa phần trong số đó là lính chủng thiết giáp của quân ngụy. Chúng hò reo, hô vang Lam Chinh như một người hùng. Khi lên đài, Lam Chinh tuyên bố trước đám đông sẽ hạ tôi ngay trong hiệp 1.

Tuy nhiên, khi trọng tài ra hiệu thi đấu, tôi dùng sức nhanh để di chuyển từ góc đài bên này qua góc đài bên kia và ngược lại. Sau đó, áp dụng sự nhanh nhẹn của hầu quyền, dùng hai chỏ tới đánh vào mắt, hai chỏ ngang đánh vào tai dồn dập làm Lam Chinh trở tay không kịp. Chống cự không nổi nên Lam Chinh ngã gục trên đài khi chưa hết hiệp 1”, võ sư Phi Long kể.

Ở trận đánh này, võ sư Phi Long còn vận dụng đòn đạp hậu là sở trường của mình để hạ gục đối thủ sau khi đã tấn công dồn dập. “Khi đang đánh mà đối thủ lùi hoặc dựa vào dây rin đài để mượn thế tấn công thì sẽ dính đòn đạp hậu của tôi ngay. Lam Chinh cũng vì lùi nên tôi mới hạ nhanh như vậy. Biết tôi có tuyệt chiêu đòn đạp hậu nên Cung Lê ở Mỹ về gặp tôi xin theo học.

Trước đó, thường xuyên theo dõi nó đánh trên đài nên tôi chỉ dạy nó 3 đòn đánh, bảo về áp dụng công thủ hợp lý thì sẽ làm bàn đạp được. Về bên Mỹ, nó sử dụng đòn đạp hậu tôi dạy rất tốt. Nó quay những clip gửi về cho tôi xem, tôi thấy đối thủ đang đánh với nó mà giãn ra là dính đòn liền”, võ sư Phi Long cho biết.

Sau khi Lam Chinh gục ngã trên đài, giọng một chỉ huy quân Ngụy hô lớn: “Lên giết thằng Phi Long đi, để nó sống là tai họa”. Khi tên chỉ huy vừa dứt lời, một đám lính ngụy liền xông lên đài. Ngay lập tức, võ sư Phi Long phá vòng vây tháo chạy khỏi đài. Lính ngụy đuổi theo dùng súng bắn liên hồi nhưng ông may mắn không trúng đạn.

Trong đêm, ông được Trưởng ty thanh niên ở đây giúp đỡ, vượt qua được nguy hiểm, sau đó đưa về nhà ẩn nấp. Những ngày sau đó, lính Ngụy phục kích trên đường từ Kon Tum về Gia Lai nên ông không thể về lại Tây Giang. Nửa tháng sau, khi tình hình lắng dịu, biết quân Ngụy không còn phục kích, Trưởng ty thanh niên ở đây mới đưa ông về đến Tây Giang an toàn.

Sau trận đánh này, võ sư Phi Long được mệnh danh là “rồng”, không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Nghe danh tiếng, Chủ tịch Tổng Cuộc quyền thuật Việt Nam (ở miền Nam) Nguyễn Văn Thoàn mời ông về Sài Gòn làm huấn luyện viên. Sau giải phóng năm 1975, ông được mời làm Chủ tịch Hội võ thuật Tây Sơn.

Đến năm 1980, Sở Thể dục - Thể thao Bình Định mời ông về làm công tác tổ chức kiêm phong trào; đồng thời làm huấn luyện viên đội tuyển võ dân tộc (đối kháng) của tỉnh, phụ trách huấn luyện võ thuật ở Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn). Năm 1989, ông xin nghỉ việc, rồi về Tây Giang xây dựng mô hình để phát triển, truyền dạy võ thuật mà mình đã theo đuổi.

Trận đánh hóa “Rồng” của một võ sư đất võ - 3

Theo võ sư Phi Long, thập bát binh khí ông đều học tốt. Bởi với ông, học võ cũng như văn. 18 binh khí đều sử dụng rất thành thạo nhưng ông lại chuyên về quyền. “Nếu dùng hổ quyền thì mạnh quá, cương không thắng nhu, phải dùng nhu thắng cương. Còn phụng hoàng quyền thì quá trống trải, dễ bị đối phương tấn công. Dùng bạch hạc, kim kê quyền thì quá yếu đuối. Vì vậy, tôi thường phối hợp giữa cái nhanh nhẹn của hầu quyền và cái uyển chuyển của linh miêu quyền để tạo ra tuyệt kỹ khi giao đấu với đối thủ”, võ sư Phi Long cho biết.

Võ sư Phi Long bảo, thành công lớn nhất của ông là đào tạo những thế hệ môn sinh thành danh trong nghiệp võ. Niềm vui chiến thắng sau mỗi trận đấu chỉ đến trong một thời gian rồi cũng sẽ phai nhạt. Còn lớp đệ tử của ông mới là niềm vui lớn và bền vững mãi mãi.

“Nguyên tắc dạy võ của tôi là phải trang bị cho học trò cái gọi là đạo của võ trước. Nói cách khác là phải trang bị cho học trò vững cái căn cơ, nguyên gốc của võ cổ truyền, rồi mới bắt đầu truyền dạy võ thuật. Học trò của tôi không chỉ thấm nhuần cái tinh túy của võ, mà còn hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của những đường võ. Học võ để trở thành một con người hoàn hảo về tâm, đức và sức mạnh vô song của cơ thể”, võ sư Phi Long chia sẻ.

Hơn 15 năm nay, võ sư Phi Long còn miệt mài với sự nghiệp viết sách về võ lý, võ y, những mong vốn võ nghệ góp nhặt một đời sẽ giúp ích cho đời sau tiếp tục làm rạng danh võ cổ truyền Bình Định. Cho đến nay, ông đã hoàn thành, bổ sung vào nguồn tư liệu của võ cổ truyền Bình Định các tập như: Tây Sơn võ thuật đạo, Phương thuốc võ cổ truyền, Phương pháp sơ cấp cứu…

Ông còn dành thời gian chiêm nghiệm cuộc đời, đúc kết bằng những vần thơ, những câu thơ để vui với chính mình. Những bài thơ như: Cuộc đời, Dòng đời, Thói đời, Hết đời, Rồng đen quy ẩn… được ông ghi chép và gìn giữ cẩn thận như một trang nhật ký của đời mình.

Huyền thoại về võ sư với tuyệt kỹ “roi đánh nghịch”

Huyền thoại "roi đánh nghịch" Hồ Ngạnh được truyền tụng với nhiều giai thoại ly kỳ và đậm tinh thần thượng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Nhuận Phin ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN