Trạm thu phí Cai Lậy: Chờ Chính phủ lên tiếng

Chiều 14-8, Trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang lần lượt phải xả trạm cả hai chiều lưu thông do xảy ra ùn tắc kéo dài khoảng 1 km.

Hơn 15 giờ ngày 14-8, Trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt trên quốc lộ 1A đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang đã xả trạm cho chiều lưu thông từ miền Tây lên TP.HCM. Đến 16 giờ 30, trạm phải xả toàn bộ cả hai chiều để giải phóng lượng xe dồn ứ gây ùn tắc hơn 1 km.

Bộ GTVT: Nếu ùn tắc thì xả trạm

Việc ùn ứ xe ở hai đầu Trạm thu phí Cai Lậy là do tài xế mua vé bằng tiền có mệnh giá thấp (200 đồng, 500 đồng). Điều này đã được các tài xế thực hiện liên tiếp trong những ngày qua nhằm phản đối mức phí quá cao, cũng như vị trí đặt trạm không hợp lý. “Mức thu lên tới 35.000 đồng/xe con, cao hơn cả khi tôi chạy trên cao tốc Trung Lương. Còn nữa, thu phí cho tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy, sao họ lại đặt trạm trên quốc lộ 1A?” - anh Lý Văn Nam, chạy xe 63A-20…, bức xúc.

Sáng 14-8, vấn đề này đã được đặt ra tại cuộc làm việc giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam với Sở GTVT tỉnh Tiền Giang. Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết Trạm thu phí Cai Lậy đã hoạt động được 14 ngày. Từ đó tới nay nhiều tài xế liên tục nộp phí bằng tiền lẻ hoặc bỏ vào chai nhựa để phản đối. Tối 13-8, trạm Cai Lậy đã phải xả trạm để đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trong khu vực.

“Tôi đề nghị Tổng cục Đường bộ kiến nghị với Bộ GTVT giảm phí tại trạm này trong thời gian tới” - ông Bon kiến nghị.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), cho hay sẽ cung cấp cho báo chí đầy đủ hơn những thông tin liên quan đến dự án. Về ý kiến quốc lộ 1 là tuyến đường cũ, lẽ ra phải được sửa chữa bằng nguồn lấy từ quỹ bảo trì đường bộ, ông Thắng giải thích: “Cả nước hiện có 24.000 km quốc lộ nhưng quỹ bảo trì chỉ đáp ứng được 50%. Tuyến đường này dài 26,5 km, cần kinh phí hơn 300 tỉ đồng thì không có nguồn bảo trì nào đáp ứng nổi”.

Trạm thu phí Cai Lậy: Chờ Chính phủ lên tiếng - 1

Cuối giờ chiều 14-8, Trạm thu phí BOT Cai Lậy phải xả toàn bộ cả hai chiều để tránh ùn tắc. Ảnh: MIỀN TÂY

Ông Huỳnh Văn Nguyện, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tiền Giang, cho rằng thời điểm thông báo thu phí quá gấp, chỉ một ngày dù trước đó có tổ chức thu thử nghiệm. “Tài xế và doanh nghiệp có quá ít thông tin về việc đầu tư và xây dựng tuyến đường này. Do đó việc họ so sánh mức phí với các tuyến BOT khác cũng như so sánh với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là dễ hiểu” - ông Nguyện nói.

Về việc này, ông Thắng cho biết nhà đầu tư đã bỏ vốn thực hiện dự án BOT thì được phép thu phí hoàn vốn. Tuy nhiên, việc thu phí phải đảm bảo hài hòa ba nguyên tắc: Thực hiện đúng hợp đồng đã ký giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư; đảm bảo lợi ích người dân và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông thông suốt trên toàn tuyến.

“Quốc lộ 1 là tuyến đường huyết mạch quốc gia vì vậy không thể để xảy ra ùn tắc giao thông. Nhà đầu tư nếu thấy xảy ra ùn tắc trên 1 km xung quanh vị trí đặt trạm thu phí thì phải xả trạm ngay, nếu không sẽ bị xử phạt” - ông Thắng nhấn mạnh.

“Làm BOT phải để dân có quyền lựa chọn”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng việc nâng cấp tuyến quốc lộ 1 nên dùng quỹ bảo trì đường bộ, vì người dân đóng phí vào đây rất nhiều. Về phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Thắng (tuyến đường dài 26,5 km có kinh phí hơn 300 tỉ đồng thì không có nguồn bảo trì nào đáp ứng được, vì vậy phải kêu gọi nhà đầu tư - PV), TS Phạm Sanh cho rằng đây là phát biểu thiếu trách nhiệm.

“Việc sửa chữa quốc lộ 1 là một “chiêu” để nhà đầu tư hợp thức hóa vị trí đặt trạm. Chính phủ và Quốc hội không cho phép đặt trạm trên tuyến đường có sẵn nên việc đặt trạm trên là sai luật. Vậy tại sao không lấy kinh phí từ quỹ bảo trì và ai cho phép nhà đầu tư bỏ ra 300 tỉ đồng để sửa chữa quốc lộ 1?” - TS Phạm Sanh đặt câu hỏi.

TS Phạm Sanh cũng cho rằng Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính chỉ đưa ra khung chứ không quy định cụ thể giá vé cho từng trạm. Thực tế mức phí qua trạm BOT phải do nhà đầu tư đề xuất dựa trên thực tế tính toán lượng xe qua lại và các yếu tố khác. “Tuy nhiên, Thông tư 30/2017 của Bộ Tài chính quy định mức phí tại trạm Cai Lậy không có ý kiến của nhà đầu tư” - ông Sanh phân tích.

Cũng theo TS Phạm Sanh, lãnh đạo Bộ GTVT không nên đổ thêm dầu vào lửa bằng những phát biểu cho rằng chỉ vài tài xế phản ứng và yêu cầu người dân phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. “Phản ứng của người dân trong thời gian vừa qua là có cơ sở. Chúng ta phải sớm giải quyết những bức xúc này. Vì vậy tôi cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần lên tiếng và Quốc hội phải giám sát việc này” - TS Phạm Sanh nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, để xác định được mức thu phí hiện nay ở trạm Cai Lậy cao hay thấp cần mời Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để có kết luận độc lập. Mục đích là tránh việc giảm phí bằng cách tăng thời gian thu phí, vì đây là phương pháp “đánh bùn sang ao”.

Theo ông Thanh, chủ trương làm BOT nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, chủ trương này bị một số bộ phận lợi dụng làm méo mó chính sách. Tuyến đường nào cũng “đè” ra làm BOT khiến người dân không có quyền lựa chọn.

Trạm thu phí Cai Lậy được đặt trên quốc lộ 1 để thu phí hoàn vốn cho dự án tuyến tránh dài 12 km qua thị xã Cai Lậy và cải tạo mặt đường quốc lộ 1 dài 26 km. Do vậy, trạm thu phí nằm trên khu vực dự án chứ không phải nằm bên ngoài.

Ông NGUYỄN NGỌC ĐÔNG, Thứ trưởng Bộ GTVT

Hiện Bộ GTVT đang tìm phương án giảm phí tại trạm này. Trường hợp giảm phí thì phải có phương án kéo dài thời gian thu phí cho nhà đầu tư.

Ông NGUYỄN VĂN HUYỆN, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Gặp tài xế được phong “hotboy tiền lẻ” khi qua trạm thu phí Cai Lậy

Nam tài xế này đang được cộng đồng mạng “săn lùng” vì những hành động, lời nói hài hước và vẻ ngoài điển trai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VIẾT LONG - ĐÔNG HÀ - MIỀN TÂY (Pháp luật TP.HCM)
Tài xế dùng tiền lẻ trả phí trạm Cai Lậy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN