Trăm dâu đổ đầu... cảnh sát giao thông!
“Việc CSGT thường trực trên phố để bắt cướp là hoàn toàn hợp quy luật, nên không thể nói họ bắt cướp là chồng chéo, bị tạo áp lực lớn được”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
CSGT bắt cướp: Hoàn toàn hợp quy luật
Mới đây, Thượng tá Trần Thanh Trà, Phó Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TPHCM cho biết, CSGT ở thành phố này sẽ không chỉ xử lý vi phạm trong lĩnh vực của mình, mà còn thường trực trên phố để tham gia bắt cướp. Ông đón nhận thông tin này thế nào?
Tôi cho rằng, việc Công an TPHCM đưa ra phương thức hoạt động có thể coi là mới này là một việc làm kịp thời, trước thực trạng trộm cướp diễn ra rất táo tợn mà trong cuộc họp HĐND thành phố mới đây đã thừa nhận. Nó chứng tỏ công an thành phố đã ý thức được trách nhiệm của mình đầy đủ hơn với dân. Tôi rất ủng hộ cách làm này.
“Công an thành phố đã ý thức được trách nhiệm của mình đầy đủ hơn với dân”. Phải chăng trước đây, CSGT thành phố này nhìn thấy cướp thì “lờ” đi nên giờ mới phải quy định cụ thể như thế?
Tôi nghĩ không nên hiểu cực đoan như thế. Bởi trên thực tế, đã có những tấm gương CSGT tham gia bắt cướp, được bằng khen rồi đó thôi. Việc quy định này chỉ nhằm hợp thức hóa một việc làm đã có. Nếu trước đây, nhiều khi người ta làm xuất phát từ trách nhiệm công dân hơn là trách nhiệm của một người cảnh sát thì giờ buộc lòng 100% CSGT phải tham gia, phải thực hiện mệnh lệnh.
Nhưng thưa ông, có ý kiến cho rằng làm như thế là chồng chéo, gây áp lực lớn hơn cho CSGT?
Xét về nguyên tắc tổ chức thì cảnh sát nói chung đều có một nhiệm vụ là phòng chống tội phạm, đảm bảo bình yên cho người dân, an toàn cho xã hội. Trong đó, người ta cũng phân chia ra các chuyên ngành như hộ khẩu, môi trường, tội phạm ma túy... vì mỗi loại hình tội phạm có những đặc trưng. Việc phân chia ấy cũng tùy từng mức độ ở mỗi nước. Còn ở ta, tôi có cảm giác trong thời gian dài chúng ta tách bạch quá! Thế nên, người ta cứ mặc nhiên cho rằng, CSGT thì chỉ điều tiết, xử phạt vi phạm giao thông, cảnh sát môi trường chỉ lo xử lý ô nhiễm môi trường... Người ta phân vân do lối suy nghĩ cũ cũng là dễ hiểu.
Như vậy có nghĩa là, bây giờ CSGT bắt cướp là lẽ đương nhiên?
Đúng thế. Nó hoàn toàn hợp quy luật. Bởi xét cho cùng, bên cạnh trách nhiệm của một người cảnh sát thì anh còn phải thực hiện trách nhiệm công dân được Hiến pháp quy định nữa chứ! Cần nhớ rằng, trước khi làm cảnh sát, anh phải là một công dân, do đó dứt khoát anh phải chống lại tội phạm. Còn nói gây áp lực, chồng chéo cho cảnh sát thì không phải trong trường hợp này đâu mà nó nhan nhản ngoài kia cơ.
Nguy hiểm nhất là cảnh sát hóa nhà nước
Ông có thể nói rõ hơn?
Tôi chưa thấy ở đâu mà cảnh sát đi dẹp chợ cóc, dẹp nhà xây trái phép... Trong khi đáng ra những cái đó phải là việc của dân phòng, của quản lý thị trường, của thanh tra xây dựng chứ! Bây giờ cái gì cũng đổ lên đầu cảnh sát. Nguy hiểm nhất là cảnh sát hóa nhà nước như thế! Cảnh sát chỉ làm nhiệm vụ chủ yếu là phòng chống tội phạm thôi.
Nguyên nhân của việc “cái gì cũng đổ lên đầu cảnh sát” ấy là gì, thưa ông?
Là do mô hình tổ chức cảnh sát của ta theo nguyên tắc song trùng, tức là dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương (trực tiếp của chủ tịch và bí thư), còn theo ngành dọc thì chịu sự lãnh đạo của Bộ Công an. Mô hình này sớm muộn phải sửa, bây giờ chưa sửa nhưng tất yếu là phải sửa vì nó bất cập quá rồi!
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học,
Bộ Công an
Không nên nhìn đâu cũng thấy tiêu cực
Có ý kiến lo ngại rằng, việc CSGT được giao nhiệm vụ bắt cướp sẽ dẫn đến lạm quyền. Ông nghĩ sao?
Cái đó cũng có thể, vì thực thi là do con người mà. Do đó cần phải có cơ chế giám sát chứ.
Vậy liệu có khi nào ông CSGT cũng “đi đêm” với những tên cướp giật như khi bắt lỗi vi phạm giao thông mà báo chí, dư luận đã nói nhiều không?
Việc CSGT “làm luật”, nhận phong bì đã trở nên khá phổ biến, gây nhức nhối trong xã hội rồi. Đương nhiên, khả năng “làm luật” với những vụ truy bắt cướp giật cũng không thể loại trừ. Tuy nhiên, số đó chắc chắn sẽ rất hiếm vì người ta làm sao có thể “làm luật” giữa thanh thiên bạch nhật, ở ngay trên phố được. Do đó, không nên bi quan quá mà nhìn cái gì cũng ra tiêu cực.
Cần huy động sức mạnh của dân
Ông có tin vào cách làm của TPHCM sẽ khiến cho nạn cướp giật giảm?
Tôi tin vào quy định này, nhưng vấn đề ở chỗ cách làm mà thôi, nghĩa là những CSGT thừa hành nhiệm vụ như thế nào.
Theo ông thì cần làm gì để công tác này thực sự hiệu quả?
Trước hết, phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những người thi hành nhiệm vụ, vì nhu cầu tự nhiên và lành mạnh của con người là được tôn trọng. Bên cạnh quy chế hoạt động của cảnh sát thì cần huy động sức mạnh của dân, có sự tham gia giám sát của dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cảnh sát. Khi dân vừa giám sát vừa hỗ trợ thì chắc chắn sẽ thành công.
Tình trạng cướp giật ở TPHCM lộng hành và trắng trợn. Như ông cũng chỉ ra, trong thời gian dài chúng ta tách bạch lĩnh vực phụ trách của lực lượng cảnh sát quá. Vậy liệu có khi nào người ta điều cả cảnh sát môi trường, cảnh sát kinh tế xuống đường bắt cướp?
Tôi cho rằng sẽ không có kiểu huy động lộn xộn như thế đâu. Bởi trên thực tế, tôi có cảm giác chúng ta chưa phát huy được hết năng lực của cảnh sát, ngay cả CSGT. Thêm vào đó, công việc của CSGT lại có đặc thù là thường xuyên ở ngoài đường. Do đó, việc phát hiện, bắt giữ những vụ cướp giật sẽ hiệu quả hơn là cảnh sát môi trường, cảnh sát kinh tế.
Theo ông thì có nên nhân rộng mô hình này?
Tôi nghĩ đó là một phương cách hay và cần nhân rộng ở những địa bàn mà tội phạm cướp giật “nóng” khác. Đồng thời, làm như thế sẽ phát huy được tối đa năng lực của đội ngũ cảnh sát. Cảnh sát giỏi một việc nhưng phải làm được nhiều việc.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
“Ở mỗi địa phương, an ninh đảm bảo trước hết là do cấp ủy và chính quyền làm tròn trách nhiệm với người dân. Đương nhiên, thực hiện tốt hay không là do công an nhưng không thể cứ đổ vấy cho công an của ta kém được! Chừng nào cấp ủy và chính quyền không làm tròn trách nhiệm thì chừng đó an ninh trật tự còn nhiều vấn đề lộn xộn”. Thiếu tướng Lê Văn Cương |