Trà Leng - Để đớn đau không lặp lại
Nóc Ông Đề vốn là ngôi làng trù phú nhất xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng, hơn 10 ngày qua, người dân ở đây vẫn chưa thôi ám ảnh vụ sạt lở kinh hoàng.
Dọc theo đường DH6, nối từ xã Trà Dơn về xã Trà Leng, nóc Ông Đề nằm ngoài trung tâm xã khoảng 4 km, là ngôi làng bình yên với 2 dãy nhà đối diện nhau. Đầu nóc là nhà ông Nguyễn Thành Sơn (SN 1964) và cuối là nhà của Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng Lê Hoàng Việt (SN 1983). Đây là 2 ngôi nhà kiên cố nhất nóc Ông Đề, được chọn là điểm trú bão của người dân trước khi bão số 9 đổ bộ. Thế nhưng, chiều 28-10, thảm họa đã xảy ra.
Buổi chiều kinh hoàng
Sau 5 tiếng nổ kinh hoàng báo hiệu có lở núi, người dân Trà Leng đổ xô tìm nơi tránh trú. Vụ sạt lở đầu tiên trong chiều hôm ấy xảy ra tại nhà ông Vũ Bắc Thái, gần trung tâm xã Trà Leng. Bốn người trong gia đình ông Thái may mắn thoát ra ngoài, còn ông tử vong. Ngay sau đó, lũ quét cuốn trôi 17 ngôi nhà. May mắn là hơn 150 người đã được di dời trước đó.
Không ai hay biết sau đó khoảng 2 giờ, phía ngoài trung tâm xã, ở nóc Ông Đề, sạt lở núi đã chôn vùi 11 căn nhà, 22 người chết và mất tích.
Đến 17 giờ 30 phút, nghe tin sạt lở ở nóc Ông Đề, ông Hồ Quốc Khánh - Phó Ban Dân tộc HĐND huyện Nam Trà My, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng - cùng 4 thầy giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBT TH) Trà Leng cầm đèn pin lội bộ ra hiện trường. Trong đêm tối giữa núi rừng, họ nhận ra mọi thứ đã bình địa. Trên bìa núi sau lưng nhà ông Lê Hoàng Việt, bà Hồ Thị Bông (vợ ông Việt) cùng một phụ nữ tên Ngọc may mắn sống sót, thất thần nhìn dòng nước lũ hung tợn. Trên đường chạy thoát khi thấy núi lở, bà Bông được bà Ngọc kéo lên từ đống sình lầy. Thấy ông Khánh, bà Bông hốt hoảng: "Chết hết rồi!".
Ông Khánh và các thầy giáo rọi đèn pin tìm kiếm khắp nơi với hy vọng đâu đó có cánh tay đưa lên dưới đống bùn đất. Họ cứu được 2 cháu bé bị thương khá nặng và tìm thấy 5 thi thể.
Sáng hôm sau, ông Khánh nghe được tin một số người ở nóc Ông Đề kịp thoát thân đã chạy lên dãy núi Tak Pat phía sau nóc. Ông băng rừng hơn 1 giờ mới lên đến nơi thì thấy nhiều người. Họ đói lả, lạnh cóng. Ông Khánh lại chạy xuống núi nhờ người tiếp tế lương thực, mì tôm lên cho người dân ăn tạm rồi tìm đường đưa người bị thương xuống núi để đi cấp cứu. Đến sáng 29-10, lực lượng dân quân tự vệ của xã mới triển khai tìm kiếm cứu nạn và đến buổi chiều, bộ đội đã cắt rừng, băng qua sạt lở vào đến hiện trường. Từ đó đến nay, lực lượng chức năng tìm thêm được 1 thi thể trong ngày 29-10 và 2 thi thể ngày 30-10, 1 thi thể bé gái 9 tuổi ngày 4-11, vẫn còn 13 người mất tích.
Những người còn sống sót ở nóc Ông Đề và người dân xã Trà Leng dõi theo lực lượng tìm kiếm người mất tích
Nhân tai
"Nóc Ông Đề là ngôi làng trù phú nhất xã Trà Leng. Thế nhưng, thiên tai đã cướp đi tất cả" - thầy Bùi Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Trà Leng, nói.
Theo lời thầy Bùi Quang Ngọc, đa phần ở xã Trà Leng là người dân tộc M’Nông. Trước đây, họ chủ yếu trồng lúa lứt đỏ, nay chuyển sang trồng quế với thương hiệu quế Trà My và trồng keo. Cây keo được trồng ở bìa rừng. Do đặc tính hút nước mạnh nên keo mọc đến đâu thì đất bị xốp, mất nước đến đó, gây nguy cơ sạt lở. Thầy Bùi Quang Ngọc đề nghị về sau, các chính sách xóa đói giảm nghèo cho bà con ở Nam Trà My cần tìm kiếm giống cây thay thế cho cây keo để tăng khả năng giữ đất.
Không chỉ chuyện cây keo, ở Trà Leng, tình trạng khai thác vàng diễn ra tràn lan. Ngay trên núi phía sau nóc Ông Đề, lâu nay vẫn tồn tại bãi vàng. Các bãi vàng phá vỡ kết cấu của núi, tác động đến dòng chảy của các con suối. Thảm họa luôn treo trên đầu người dân.
Nhiều người dân địa phương ở xã Trà Leng cho rằng từ mấy chục năm sinh sống ở đây, họ chưa bao giờ chứng kiến thiên tai dội xuống liên tục như năm nay. Trà Leng vốn là một xã có kinh tế phát triển hơn so với các xã khác trên địa bàn huyện Nam Trà My. Các khu dân cư lại có thế "lưng tựa núi, kế cạnh suối" rất thích hợp với điều kiện sinh sống, tập quán và sinh kế cho bà con.
Hơn 20 năm sinh sống ở Trà Leng, cô Nguyễn Thị Kim Ký, giáo viên Trường PTDTBT TH Trà Leng, nhìn nhận thảm họa lần này "quá khủng khiếp". "Nhiều năm trước, khi đường sá chưa thông thoáng như bây giờ, tôi và nhiều thầy cô khác phải băng rừng đến các thôn dạy học. Nhiều lúc băng rừng ban đêm, trời mưa tầm tã nhưng không ai sợ sệt gì cả. Bây giờ đi đâu cũng thấy sạt, lở núi khắp nơi. Thậm chí đêm xuống, tôi không dám đi vệ sinh vì sợ lở núi, lũ quét" - cô Nguyễn Thị Kim Ký ngao ngán.
Gia đình bà Đỗ Thị Danh từ huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đến sinh sống ở thôn 2, xã Trà Leng được 11 năm. Ngần ấy năm, bà Danh chưa khi nào thấy Trà Leng có lũ quét hay lở núi kinh khủng như năm nay. Sau ảnh hưởng bão số 10, lũ quét lại xảy ra ở khu vực tiệm tạp hóa của bà vào chiều 6-11 và cuốn trôi hơn 10 nóc nhà, tất cả tài sản của người dân không còn nữa.
Với người dân Trà Leng, ngoài ảnh hưởng từ các yếu tố thiên tai còn có "nhân tai", do chính con người gây ra. "Bây giờ có quá nhiều tác nhân con người, từ các cánh rừng trồng keo đến các bãi vàng gây xói mòn những con suối tự nhiên đến các thủy điện. Rừng mất, đất lở, bà con không còn biết chỗ nào dựng nhà để tránh được lũ quét" - ông Hồ Quốc Khánh bức xúc.
Nhiều nhà dân tại thôn 2, xã Trà Leng bị trôi xuống sông Ảnh: Lê Hằng Trà Leng tiếp tục tan hoang vì mưa lũ Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), cho biết mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 10 tiếp tục gây nên tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng trên địa bàn xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Theo báo cáo ban đầu, chiều tối 6-11, nước lớn đổ về dòng sông Leng đã làm 14 ngôi nhà của người dân ở nóc Tăk Đoàn (thôn 2, xã Trà Leng) cùng một điểm trường sạt lở nặng, nhiều ngôi nhà bị nước cuốn chỉ còn trơ phần móng. May mắn, chính quyền xã Trà Leng đã kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn trước khi sạt lở xảy ra nên không thiệt hại về người. Trong ngày 7-11, chính quyền huyện Nam Trà My đã cử lực lượng vào hiện trường để kiểm tra, thống kê thiệt hại cũng như lên phương án khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân. Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lớn trong 2 ngày qua đã khiến một số khu vực thấp trũng tại các huyện như Nông Sơn, Đại Lộc, TP Hội An bị ngập nặng. Trước đó, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã phải sơ tán 3.535 hộ/14.883 người tại khu vực có nguy cơ sạt lở núi, ngập lụt đến nơi an toàn. Tr.Thường |
Xây dựng lại nóc làng mới cho người dân Những ngày qua, các đoàn khảo sát của UBND huyện Nam Trà My do Chủ tịch huyện Trần Duy Dũng dẫn đầu cùng với các cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đi thực tế một số điểm ở xã Trà Leng để tìm nơi cho bà con thuộc nóc Ông Đề dựng nhà, sinh sống sau thảm họa. Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng, cho biết sau khảo sát đã chọn được 3 vị trí, trong đó có 2 vị trí nằm trong địa bàn xã, 1 vị trí nằm ở xã Trà Dơn, đều được đánh giá là bằng phẳng và ít nguy cơ sạt lở. Việc xây dựng lại nóc mới, ổn định cuộc sống cho người dân đang được chính quyền tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Trà My gấp rút triển khai. |
“Tất cả phải làm nhẹ nhàng, vì ở dưới lớp đất ấy là đồng bào mình không may nằm lại, Trung tá Diêu nhắc anh em...
Nguồn: [Link nguồn]