TQ vào top 5 nước bán nhiều vũ khí nhất

Trung Quốc lần đầu tiên thế chân Vương quốc Anh trong danh sách 5 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong gia đoạn 2008-2012, trong khi Mỹ vẫn duy trì vị trí đứng đầu.

Kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI) tại Stockholm vừa công bố cho thấy Mỹ là nước bán nhiều vũ khí nhất thế giới, theo sau là Nga, Đức, Pháp và Trung Quốc.

Tổng sản lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu tăng 17% trong giai đoạn 2008-2012, nhưng riêng doanh số xuất khẩu vũ khí thông thường của Trung Quốc tăng vụt thêm 162%.

TQ vào top 5 nước bán nhiều vũ khí nhất - 1

Máy bay huấn luyện L-15 của Trung Quốc có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Trung Quốc trong giai đoạn tới

Trong những năm gần đây, Trung Quốc luôn cố gắng giảm phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu và bắt đầu xuất khẩu vũ khí tự chế tạo, như máy bay chiến đấu JF-17 cho Pakistan. Ngành công nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước đang nỗ lực thúc đẩy sản lượng xuất khẩu, như máy bay huấn luyện L-15 và nhiều loại tên lửa. Khá nhiều trong số đó thừa hưởng thiết kế của Nga.

“Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường bán vũ khí, như Algeria và Morocco ở Bắc Phi”, Paul Holtom, giám đốc chương trình nghiên cứu chuyển nhượng vũ khí của SIPRI, cho biết.

Lần đầu tiên kể từ năm 1950, Vương quốc Anh rơi khỏi top 5 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất. Dù doanh số xuất khẩu của các công ty có trụ sở tại Anh như BAE Systems Plc vẫn duy trì khi doanh số của các doanh nghiệp Pháp và Đức giảm, nhưng không đủ để giữ Anh ở vị trí thứ năm.

 Mỹ vẫn giữ vững vị trí đầu bảng trong top 5, với 30% thị phần, trong khi thị phần của Nga là 26%. Thị phần của Trung Quốc tăng từ 2% lên 5%. Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu vũ khí sang các nước châu Á, với Pakistan là khách hàng lớn nhất, chiếm tới 55% lượng mua.

“Xuất khẩu máy bay quân sự có thể sẽ giúp thay đổi ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không của Trung Quốc. Máy bay huấn luyện L-15 với khả năng và giá cả cạnh tranh cao vừa nhận được đơn đặt hàng đầu tiên, và có thể sẽ trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc trong thời gian tới”, Alex Chang, nhà phân tích của tập đoàn Citigroup, nhận xét.

Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở bán vũ khí. “Đối với một số công ty trong ngành xuất nhập khẩu vũ khí, các thỏa thuận mua bán không phải công cụ kiếm tiền chính, mà họ đang muốn có được các hợp đồng dự án hạ tầng béo bở”, Holtom nói.

Về nhập khẩu vũ khí trong giai đoạn này, Trung Quốc xuống vị trí thứ hai, sau Ấn Độ. Sau Trung Quốc là Pakistan, Hàn Quốc và Singapore.

Nhập khẩu vũ khí của các nước châu Âu trong giai đoạn 2008 – 2012 giảm 20% khi các chính phủ áp dụng chính sách giảm chi tiêu công. Nhập khẩu vũ khí của Hy Lạp giảm tới 61%, tụt xuống vị trí 15 từ vị trí thứ 4 trong danh sách những nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất của giai đoạn trước.

“Với cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu, sự rút lui khỏi Iraq và Afghanistan, chúng ta có thể trông đợi châu Âu sẽ nỗ lực tìm cách bán khối lượng vũ khí dư thừa đáng kể”, nhà nghiên cứu Mark Bromley công tác tại SIPRI, nhận xét.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (theo Bloomberg) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN