TQ tử hình quan tham nhận hối lộ 21,5 triệu USD
Cục phó Cục đường sắt Hohhot ở Nội Mông đã bị kết án tử hình treo vì nhận số tiền, vàng hối lộ chất đầy 2 ngôi nhà.
Ngày 2/1, tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc cho biết Tòa án Trung cấp Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc đã tuyên án tử hình hoãn thi hành án 2 năm đối với ông Ma Junfei, cựu Cục phó Cục đường sắt Hohhot thuộc Khu tự trị Nội Mông vì đã nhận hối lộ gần 21,5 triệu USD.
Theo cáo trạng của tòa án, ông Ma đã nhận số tiền hối lộ khổng lồ này từ nhiều người khác nhau sau khi ông này lên nhậm chức cục phó phụ trách vận tải của Cục đường sắt Hohhot từ hồi tháng 8/2009.
Ông Ma Junfei, cựu Cục phó Cục đường sắt Hohhot
Theo đó, ông Wang Hongmei, giám đốc Tập đoàn Năng lượng Yihe ở Nội Mông đã hối lộ cho ông Ma tổng cộng 14 lần với số tiền lên tới 8,8 triệu tệ. Ngoài ra còn có ít nhất 40 công ty năng lượng và khai mỏ ở Nội Mông đã đưa hàng chục ngàn tới nhiều triệu tệ cho ông này.
Một nguồn tin thân cận với ông Ma cho biết ông này đã chất vàng và tiền chật kín hai ngôi nhà ở vùng Hohhot và Bắc Kinh.
Đường sắt đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc vận chuyển than và các loại hàng hóa khác từ Nội Mông tới các tỉnh khác trong toàn quốc. Nội Mông là khu vực khai thác than chủ yếu của cả Trung Quốc.
Theo giáo sư Wang Mengshu tại Đại học Jiaotong Bắc Kinh, cục đường sắt là đơn vị quyết định việc phân bổ chỉ tiêu vận tải bằng tàu hỏa, tạo cơ hội tham nhũng rất lớn cho các quan chức đường sắt.
Theo tờ Thời báo Kinh doanh Trung Quốc, các số liệu năm 2012 cho thấy cục đường sắt Hohhot quản lý tới 7.600 toa tàu chở hàng mỗi ngày, ít hơn so với nhu cầu thực tế khoảng 10.000 toa.
Sự chênh lệch giữa cung và cầu rất lớn trong vận tải đường sắt này là cơ hội để các quan chức đường sắt hạch sách, nhũng nhiễu và đòi tiền hối lộ của các doanh nghiệp khai thác than. Với mức lợi nhuận khổng lồ từ ngành khai thác than đem lại, chủ doanh nghiệp thường sẵn sàng chi tiền hối lộ cho các quan chức đường sắt để công việc làm ăn được thuận lợi hơn.
Ông Ma là một trong nhiều quan chức cấp cao của ngành đường sắt dính vào một loạt các vụ bê bối tham nhũng ở Trung Quốc, sau khi cựu Bộ trưởng Đường sắt Liu Zhijun bị kết án tử hình treo với cáo buộc tham nhũng và lạm quyền vào tháng 7/2013.