TQ toan tính gì khi xây đảo nhân tạo ở Biển Đông?
Đảo nhân tạo của TQ trên Biển Đông sẽ đe dọa nghiêm trọng tới lợi ích và an ninh của Mỹ.
Thời gian vừa qua, trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang vô cùng căng thẳng, Bộ Ngoại giao Philippines đã nhiều lần lên tiếng tố cáo các hoạt động bồi đắp nhằm thay đổi hiện trạng của Trung Quốc trên Biển Đông, và nghiêm trọng nhất là hoạt động tập kết đất đá, vật liệu nhằm xây dựng đảo nhân tạo trên vùng biển tranh chấp.
Ngày 18/6, trong một bài phân tích đăng trên tờ Tiếng nói nước Nga, chuyên gia quốc phòng Vassily Kashin thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ cho rằng số tiền mà Trung Quốc bỏ ra để xây dựng một đảo nhân tạo trên Biển Đông là vô cùng lớn, đủ để chế tạo một tàu sân bay hạt nhân hoàn toàn mới.
Hình ảnh chụp hoạt động bồi đắp nhằm xây đảo nhân tạo của Trung Quốc
Ông Kashin đang đề cập đến kế hoạch của Trung Quốc xây dựng trái phép một đảo nhân tạo và một đường băng cùng cầu cảng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện đang do Trung Quốc kiểm soát trái phép.
Theo bản kế hoạch do tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng tiết lộ, Trung Quốc dự định sẽ chi tới 5 tỉ USD để phục vụ cho dự án xây dựng đảo nhân tạo này nhằm làm bàn đạp phục vụ cho mưu đồ bành trướng trên Biển Đông của Bắc Kinh.
Theo ông Kashin, một hòn đảo nhân tạo với diện tích khá lớn có thể cho phép quân đội Trung Quốc triển khai trên Biển Đông một căn cứ quân sự đầy đủ giá trị về mặt chiến lược với hệ thống sân bay và các cơ sở hạ tầng khác, trong đó cầu cảng mà họ định xây dựng có thể tiếp nhận tàu có trọng lượng đến 5.000 tấn.
Với chi phí dự kiến lên tới 5 tỉ USD, liệu Trung Quốc có đủ quyết tâm và nguồn lực để thực hiện bước đi đầy tham vọng này?
Theo chuyên gia Kashin, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ quyết thực hiện bằng được dự án trái phép này bởi vì hòn đảo nhân tạo này sẽ là một vị trí đầy hứa hẹn về mặt chiến lược và quân sự trên biển.
Theo đó, diện tích lớn của đảo nhân tạo sẽ cho phép quân đội Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự và có thể triển khai các đơn vị đồn trú để bảo vệ đảo và khống chế vùng trời, vùng biển rộng lớn xung quanh, chẳng hạn như hệ thống tên lửa phòng không Hồng Kỳ 9 hoặc thậm chí tên lửa phòng không thế hệ mới S-400.
Trung Quốc có thể bố trí tên lửa S-400 trên đảo nhân tạo để khống chế một vùng trời rộng lớn
Với tầm bắn tới 400 km khi được trang bị tên lửa 40N6, hệ thống phòng không S-400 nếu được triển khai trên hòn đảo nhân tạo này sẽ là một loại vũ khí vô cùng uy lực, bao quát một khu vực rất lớn trên Biển Đông, tạo ra ưu thế nổi bật về chiến lược cho Trung Quốc.
Ngoài ra, quân đội Trung Quốc cũng có thể bố trí trên hòn đảo này hệ thống tên lửa hành trình chống tàu YJ-62 và các hệ thống tên lửa uy lực hơn. Trung Quốc cũng có thể biến hòn đảo nhân tạo này thành một căn cứ cho đội máy bay trực thăng vận tải, các tàu đổ bộ và tàu đệm khí.
Nói cách khác, dự án đầy tham vọng này sẽ giúp Trung Quốc có được một “pháo đài” ngay giữa Biển Đông, giúp họ có được những ưu thế vượt trội về khả năng hậu cần, tiếp tế và phòng thủ trong trường hợp nổ ra xung đột vũ trang trên Biển Đông.
Ông Kashin cho rằng các nhà hoạch định chính sách chiến lược của Mỹ cần phải coi kế hoạch này là một mối đe dọa lớn đối với Mỹ, vì nó sẽ giúp Bắc Kinh có được lợi thế chiến lược trên biển mà các quốc gia láng giềng không thể có được trong vấn đề tranh chấp trên biển cũng như trong các cuộc xung đột tiềm tàng.
Trước đó, khi bị Philippines gửi kháng thư phản đối qua đường ngoại giao, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lớn tiếng bác bỏ và tuyên bố rằng họ “thích xây gì thì xây” trên quần đảo Trường Sa vì họ coi đây là “lãnh thổ” của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã cố tình phớt lờ một thực tế rằng quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam, và hành động của Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc sẽ bị phản đối quyết liệt (Ảnh minh họa)
Theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), các bên tuyên bố chủ quyền không được có những hành động nhằm thay đổi hiện trạng trên các khu vực tranh chấp khi chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Ngoài ra, Tuyên bố các bên về Ứng xử trên Biển Đông (DOC) cũng cấm các bên tranh chấp có những hành động xây dựng, bồi đắp trên các hòn đảo, bãi đá trên Biển Đông nhằm thay đổi hiện trạng.
Như vậy, việc Trung Quốc thực hiện một dự án quân sự tỉ đô để xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông đã vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại với tinh thần của DOC, và hành động của Bắc Kinh chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng hết sức tiêu cực từ phía cộng đồng quốc tế.
Philippines đã lên tiếng tố cáo các hành vi này của Trung Quốc, và Việt Nam cũng tuyên bố các hành động thay đổi hiện trạng này đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Về phần Mỹ, ông Kashin cho rằng Washington đang rất lo ngại về tiềm năng quân sự Trung Quốc ngày càng tăng trong khu vực. Chắc chắn Mỹ sẽ không chịu nhượng bộ và sẽ có những biện pháp can thiệp để không cho phép Trung Quốc làm suy yếu vị thế của Mỹ tại Đông Á.
Dù Trung Quốc có ấp ủ tham vọng và mưu đồ nào trong dự án xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông đi chăng nữa, họ cũng đang vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế, và hành động này có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng về ngoại giao đối với chính Bắc Kinh, ông Kashin kết luận.