TQ: Sinh viên đi bộ 400 km về quê ăn tết

Tàu xe quá đắt đỏ và đông đúc, một số sinh viên Trung Quốc chấp nhận đi bộ hàng trăm cây số để về quê ăn tết với gia đình.

Cuộc “đại di cư thường niên lớn nhất thế giới” kéo dài khoảng 40 ngày ở Trung Quốc đã bắt đầu từ ngày 16/1 với khoảng 1,2 tỉ người dân nước này bắt đầu lên đường về quê ăn tết trong dịp nghỉ mừng năm mới âm lịch.

Cuộc “đại di cư” này thường bắt đầu khoảng 2 tuần trước tết Nguyên đán, và nhà chức trách Trung Quốc ước tính mỗi người dân nước này trung bình sẽ phải thực hiện 3 hành trình hoặc bằng xe khách, tàu hỏa, tàu thủy hoặc bằng máy bay để về quê ăn tết, khiến tổng số lượt người đi lại trong tết năm nay lên tới 3,6 tỉ, tăng khoảng 200 triệu lượt người so với năm ngoái.

Trong dịp cao điểm đi lại thường niên này, tất cả các bến tàu, bến xe, nhà ga trên lãnh thổ Trung Quốc sẽ luôn chật kín người tìm mọi cách để mua được cho mình tấm vé quý giá để về quê sum họp cùng gia đình.

TQ: Sinh viên đi bộ 400 km về quê ăn tết - 1

Hành khách chen chúc mua vé tại một nhà ga xe lửa

Mặc dù vậy, rất nhiều người, đặc biệt là công nhân lao động nghèo và sinh viên vẫn không thể mua được tấm vé tàu xe mong muốn. Đó là lý do khiến một số người quyết định sẽ đi bộ một quãng đường rất dài để về quê ăn tết.

4 sinh viên trường đại học Hồ Nam ở thành phố Trường Sa đang thực hiện hành trình đi bộ 400 km để về nhà đón tết ở Sâm Châu. Nhóm sinh viên này khởi hành từ sáng ngày 13/1 và dự kiến chuyến đi của họ sẽ mất khoảng 10 ngày. Năm 2012, hai sinh viên đại học ở Tô Châu cũng đã đi bộ ròng rã 800 km để về quê Diêm Thành đón tết.

Còn đối với những người không đủ sức khỏe để đi bộ hay đi xe máy về quê, họ buộc phải chấp nhận “cực hình” tàu xe tết để về nhà. Với địa hình rộng lớn của đất nước Trung Quốc, người dân sẽ phải trải qua một chặng đường rất dài trên những chuyến xe, chuyến tàu chật ních hành khách để về quê.

Những người đi trên các chuyến tàu xe chật chội, nóng bức và ngột ngạt này thường phải mua một loại bảo hiểm tết đặc biệt để đề phòng trường hợp trở thành nạn nhân của những tên móc túi, trộm cắp nhan nhản trên các chuyến tàu xe tết.

Hiện trên các trang mạng mua bán của Trung Quốc như Taobao đang giới thiệu nhan nhản các loại sản phẩm đặc biệt hỗ trợ người dân vượt qua hành trình chông gai về quê ăn tết như những chiếc đai giữ đầu để có thể ngủ ngon trên ghế, hoặc những chiếc gối trùm đầu quá khổ được quảng cáo có thể ngăn tiếng động, che ánh sáng và ngăn mùi trên tàu xe.

TQ: Sinh viên đi bộ 400 km về quê ăn tết - 2

Một chiếc gối hỗ trợ đi tàu xe được quảng cáo trên trang Taobao

Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc cho biết họ sẽ nỗ lực hết mình tăng tối đa công suất vận chuyển hành khách bằng cách bổ sung thêm hơn 600 chuyến tàu trong dịp cao điểm trước và sau tết.

Trong khi đó, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho hay các chuyến bay nội địa sẽ tăng từ 50.000 chuyến mỗi tuần hiện nay lên hơn 62.000 chuyến mỗi tuần, còn các chuyến bay quốc tế sẽ tăng khoảng 20%. Cơ quan này thông báo các hãng hàng không Trung Quốc sẽ cung cấp ít nhất 1,1 triệu ghế mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Mặc dù vậy, toàn bộ hệ thống vận tải hành khách khắp Trung Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu quá tải, và người dân bắt đầu trở nên mệt mỏi với những vụ tắc đường kéo dài nhiều ngày trời, những chuyến bay bị chậm, trong khi đám đông tụ tập chờ mua vé tại các ga tàu gần như nổi loạn vì hết vé.

TQ: Sinh viên đi bộ 400 km về quê ăn tết - 3

Một chuyến tàu về quê chật kín khách ở Trung Quốc

Theo nhà chức trách Trung Quốc, để giảm tải cho các điểm bán vé tại ga tàu, họ đã triển khai hệ thống bán vé tàu qua mạng. Thế nhưng những kẻ đầu cơ đã sử dụng vô số máy ảo để đặt mua vé tàu, gây ra tình trạng khan hiếm vé và đẩy giá lên rất cao.

Trước tình hình trên, cảnh sát đường sắt Trung Quốc đã phải lập ra một đội đặc nhiệm chuyên giám sát các hoạt động mua bán vé tàu tết nhằm xác minh các giao dịch bất thường và cung cấp thông tin cho lực lượng tại hiện trường để kịp thời can thiệp.

Hôm thứ Tư, cảnh sát đã bắt giữ một người phụ nữ họ Liên khi bà này đang tìm cách mua 81 vé tàu tại một điểm bán vé ở Hạ Môn. Bà này thú nhận đã sử dụng nhiều số chứng minh thư giả để đặt mua tổng cộng 186 vé tàu, sau đó rao bán lại cho những người chậm chân bằng giá cắt cổ để kiếm lời.

Tết Nguyên đán là dịp lễ cổ truyền quan trọng nhất ở Trung Quốc và thường là dịp duy nhất trong cả năm để số lượng khổng lồ lao động nghèo mưu sinh ở thành phố được về quê sum họp cùng với gia đình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo ChinaNews) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN