TQ sẽ nếm quả đắng như chủ nghĩa quân phiệt?

Các chuyên gia cho rằng cách hành xử của Trung Quốc hiện nay trên Biển Đông không khác gì cách đế quốc Nhật Bản đối xử với họ trước Thế Chiến II.

Tuần qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tích cực vận động dư luận nước này ủng hộ kế hoạch cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể đưa quân ra người ngoài để thực thi quyền phòng vệ tập thể bảo vệ đồng minh.

Động thái này đã vấp phải sự phản ứng của Trung Quốc khi Bắc Kinh cho rằng Tokyo đang tìm cách làm sống lại chủ nghĩa quân phiệt từng thống trị Nhật Bản hồi trước Thế Chiến II, biến Nhật Bản thành một quốc gia chuyên đi xâm lược khắp châu Á.

Tuy nhiên, nhiều học giả và chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng những hành động bành trướng hung hăng và liều lĩnh gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang có những thay đổi lớn về chiến lược, và họ có thể đi theo vết xe đổ của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.

TQ sẽ nếm quả đắng như chủ nghĩa quân phiệt? - 1

Đế quốc Nhật Bản đưa quân xâm lược Mãn Châu của Trung Quốc

Điển hình cho sự ngang ngược, hung hăng của Trung Quốc là hành động kéo giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 100 tàu hộ tống vào vùng biển Việt Nam, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Hành động khiêu khích kiểu “lớn bắt nạt bé” của Trung Quốc đã hứng chịu những lời chỉ trích, lên án mạnh mẽ, quyết liệt của Mỹ, Nhật Bản, Philippines và nhiều nước khác trên thế giới. Các quốc gia ASEAN cũng xích lại gần nhau hơn trước thái độ bắt nạt hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tuy nhiên, xét về mặt lịch sử, Trung Quốc lẽ ra phải là quốc gia hiểu rõ hơn ai hết cái giá của hành động bắt nạt nước khác. Trong hàng chục năm trời trước Thế Chiến II, Trung Quốc đã bị quân đội Nhật Bản xâm lược lãnh thổ, cướp bóc tài nguyên và kinh tế khiến người dân nước này phải hứng chịu những hậu quả nặng nề.

Những hành động ngang ngược đó của Nhật Bản hồi đầu thế kỷ 20 đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân Trung Quốc và dấy lên phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Cộng đồng quốc tế và người dân Trung Quốc phản ứng dữ dội nhất sau khi Nhật Bản đưa ra tuyên bố về “21 Yêu sách” vào tháng 1/1915.

Trong bản yêu sách này, lấy danh nghĩa là một phần của phe Đồng minh trong Thế Chiến I, đế quốc Nhật Bản đòi Trung Quốc phải thừa nhận sự kiểm soát thực tế của mình đối với những khu vực lãnh thổ rộng lớn cũng như nhiều tuyến đường sắt có giá trị chiến lược.

TQ sẽ nếm quả đắng như chủ nghĩa quân phiệt? - 2

Dân Trung Quốc quỳ mọp bên đường khi lính Nhật tiến vào

Mặc dù chính quyền Trung Quốc lúc đó tìm cách nhượng bộ để tránh chiến tranh, người dân nước này đã phản ứng một cách quyết liệt bằng nhiều cuộc biểu tình, đình công và tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.

Sử gia Odd Arne Westad viết về thời kỳ này: “Bản 21 Yêu sách là giọt nước tràn ly trong quan hệ Trung-Nhật. Nhiều người Trung Quốc coi đây là biểu tượng cho hành động xâm lược của Nhật Bản và trở thành mối đe dọa chính đối với nền độc lập của Trung Quốc.”

Điều đau đớn hơn đối với nhiều người dân Trung Quốc chính là việc ký kết Hiệp ước Versailles thừa nhận sự kiểm soát của Nhật Bản đối với bán đảo Sơn Đông vào năm 1919. Hiệp ước này không chỉ làm bùng nổ phong trào biểu tình và tẩy chay rộng lớn mà còn khai sinh phong trào Mùng Bốn Tháng Năm tập hợp nhiều sinh viên, trí thức và công chức để thức tỉnh ý thức dân tộc.

Một sinh viên trong phong trào này đã từng nói một câu nổi tiếng: “Lãnh thổ có thể bị chinh phục, nhưng không phải là thứ để trao đi.” Nỗi lo sợ Nhật Bản đã trở thành động lực chính trong phong trào chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc, ngay cả khi quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước liên tục phát triển.

Theo các chuyên gia, hành vi của Nhật Bản thời trước Thế Chiến II và cách hành xử của Trung Quốc hiện nay trên Biển Đông có nhiều điểm giống nhau về mặt lịch sử.

Tuyên bố về “đường lưỡi bò” trên Biển Đông đầy phi lý không dựa trên bất cứ cơ sở pháp luật quốc tế nào của Trung Quốc chẳng khác gì "21 Yêu sách" của Nhật Bản. Việc Trung Quốc khăng khăng đòi đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp biển đảo nhằm lợi dụng ưu thế “lớn bắt nạt bé” rất giống với nỗ lực tìm cách cô lập Trung Quốc về ngoại giao của đế quốc Nhật Bản.

TQ sẽ nếm quả đắng như chủ nghĩa quân phiệt? - 3

Cách hành xử Trung Quốc hiện nay không khác gì đế quốc Nhật Bản trước đây

Giống như các chiến lược gia Nhật Bản thời tiền chiến muốn thực thi chính sách bá chủ theo kiểu “học thuyết Monroe” ở châu Á, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc hiện nay cũng đang tìm cách lật đổ vị thế thống trị của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Ngoài ra, những giọng điệu hung hăng, hiếu chiến của báo chí Trung Quốc hiện nay về vấn đề tranh chấp lãnh thổ là một phiên bản khác của những tuyên bố mà đế quốc Nhật Bản đưa ra về việc Trung Quốc không chịu thừa nhận quyền kiểm soát của Nhật Bản.

Đầu thế kỷ 20, đế quốc Nhật Bản rêu rao rằng mình là một quốc gia “hiện đại” được trang bị công nghệ, vũ khí tân tiến của phương Tây để thống trị châu Á. Còn trong thế kỷ 21, Trung Quốc lại khoa trương rằng mình là quốc gia lớn nhất trong khu vực, giống như tuyên bố của bộ trưởng ngoại giao nước này trong một hội nghị ASEAN năm 2010: “Trung Quốc là một nước lớn, và các quốc gia khác chỉ là nước nhỏ, đó là một thực tế.”

Cách hành xử hiện nay của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ gây ra hậu quả giống như Nhật Bản đã từng gây ra đối với họ, đó chính là sự bùng phát của chủ nghĩa dân tộc tại những quốc gia mà Trung Quốc đang tìm cách bắt nạt, và điều đó có thể làm tăng nguy cơ gây ra những tính toán sai lầm và thái độ thù địch giữa các quốc gia, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực.

Đế quốc Nhật Bản đã phải trả giá cho chủ nghĩa quân phiệt của mình bằng thất bại đắng cay. Trung Quốc có thể sẽ phải nếm quả đắng này nếu họ tiếp tục thực hiện chính sách ngang ngược và đe dọa trên Biển Đông, “một mình đi một hướng” bất chấp dư luận quốc tế.

Tiến sĩ Jeff Moore, chuyên gia phân tích thuộc tổ chức tư vấn Muir Analytics cho rằng dường như Trung Quốc đang bị lóa mắt bởi giấc mơ “trỗi dậy” của mình, bởi lòng tự hào của một nước lớn cho rằng mình đã là một cường quốc cũng như bởi những thành tựu kinh tế mà họ đạt được.

Tuy nhiên, như tiến sĩ Moore nhận định, chính ảo tưởng này đang đẩy Trung Quốc vào con đường tự cô lập mình về mặt quân sự và chính trị, bởi thế giới ngày nay không có chỗ cho những hành động ngang ngược, vô lối, bất chấp pháp luật và thông lệ quốc tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo BloombergView) ([Tên nguồn])
TQ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN