TQ sẽ kiểm soát khu vực phòng không như thế nào?
"Ban đầu Trung Quốc sẽ tố cáo Nhật Bản vi phạm nhưng 'kiềm chế không bắn hạ', sau đó sẽ lu loa lên rằng Trung Quốc không thể nhẫn nhịn được mãi."
Mới đây, Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập khu vực nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, và yêu cầu tất cả các loại máy bay khi bay vào khu vực này đều phải tuân thủ yêu cầu và chỉ dẫn khai báo, nhận diện của nhà chức trách Trung Quốc, nếu không sẽ bị Trung Quốc áp dụng các biện pháp quân sự ngăn chặn.
Ngay lập tức, tuyên bố này của Trung Quốc đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của các quốc gia và vùng lãnh thổ láng giềng khi khu vực nhận diện phòng không của Trung Quốc bao trùm một khu vực rộng lớn trên biển Hoa Đông và chồng lấn với khu vực nhận diện phòng không của cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Nhật Bản coi động thái này của Trung Quốc là nhằm mục đích thay đổi hiện trạng trên biển Hoa Đông và phục vụ cho mưu đồ tranh chấp nhóm đảo Senkaku hiện đang do Nhật Bản kiểm soát. Nhật Bản đã coi khu vực nhận diện phòng không này của Trung Quốc là vô hiệu và nguy hiểm và kiên quyết không thừa nhận sự tồn tại của nó.
Khu vực nhận diện phòng không của Trung Quốc (màu đỏ) và Nhật Bản (màu xanh)
Trong ngày hôm qua, hai hãng hàng không lớn nhất của Nhật Bản là ANA Holdings và Japan Airlines cũng đã tuyên bố là sẽ không báo cáo kế hoạch bay của họ cho nhà chức trách Trung Quốc khi bay qua khu vực nhận diện phòng không này. Hai hãng hàng không này cho biết họ đưa ra quyết định trên theo yêu cầu của chính phủ Nhật Bản.
Khi được các phóng viên hỏi là Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào nếu các máy bay dân sự không tuân thủ các quy định do nước này đặt ra khi bay trong khu vực này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang đã từ chối bình luận.
Tuy nhiên trong một buổi họp báo ngày hôm qua, ông Qin cho biết: “Điều đó đã được nói rõ trong tuyên bố về các quy định khu vực nhận diện phòng không. Trung Quốc sẽ có những phản ứng phù hợp với tình hình.”
Điều quan trọng là các phản ứng “phù hợp với tình hình” đó là gì, và liệu có nguy cơ xảy ra xung đột từ những phản ứng này hay không?
Các chuyên gia phân tích cho rằng việc Trung Quốc thiết lập khu vực nhận diện phòng không sẽ không ngay lập tức gây ra tình trạng đối đầu với các máy bay nước ngoài. Tuy nhiên, nó có nguy cơ dẫn đến những xung đột nguy hiểm tùy thuộc vào cách Trung Quốc thực thi các quy định trong khu vực phòng không này, và cách thức mà họ can thiệp vào các chuyến bay của Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước khác.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, quá trình thực thi quy định trong khu vực phòng không của Trung Quốc sẽ khởi đầu chậm chạp, nhưng đó sẽ là một quá trình tăng dần mức độ cứng rắn. Tuy nhiên họ lại lo ngại rằng trong quá trình này, Bắc Kinh có thể phạm phải những sai lầm trong việc sử dụng vũ lực và gây ra những đụng độ bất ngờ trong khu vực.
Trung Quốc sẽ tăng dần mức độ cứng rắn trong khu vực nhận diện phòng không
Ông Bonnie Glaser, một chuyên gia châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho rằng trước mắt động thái này thể hiện mong muốn của Trung Quốc gây ảnh hưởng trong khu vực, vì “Trung Quốc không được lợi gì khi gây căng thẳng với quá nhiều nước láng giềng cùng một lúc”.
Theo chuyên gia an ninh Denny Roy tại Trung tâm Đông-Tây của Mỹ, ban đầu Trung Quốc sẽ thực thi các quy định trong khu vực phòng không này bằng “võ mồm” là chính. Ông nói: “Trung Quốc sẽ bắt đầu bằng việc cáo buộc các vi phạm của Nhật Bản, đồng thời tuyên bố rằng phía Trung Quốc đã rất kiềm chế không thực thi quyền bắn hạ, rồi sau đó lu loa lên rằng Trung Quốc sẽ không thể nhẫn nhịn được mãi.”
Chuyên gia Greg Waldron thuộc tạp chí hàng không FlightGlobal ở Singapore cho rằng trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về khả năng tiếp nhiên liệu trên không cũng như năng lực cảnh báo sớm và kiểm soát của không quân, khiến cho việc phát hiện máy bay nước ngoài và duy trì hoạt động tuần tra của máy bay Trung Quốc gặp nhiều thử thách.
Mặc dù vậy, Bắc Kinh vẫn không tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ nhượng bộ, cũng như những gì họ vẫn đang tiếp tục làm trong việc hung hăng tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các nước láng giềng.
Một trong những lý do khiến Trung Quốc kiên quyết áp đặt vùng nhận diện phòng không là vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên nhóm đảo Senkaku với Nhật Bản. Quan hệ giữa hai nước vốn đã rất căng thẳng vì tranh chấp này nay lại càng trở nên nóng bỏng hơn khi khu vực nhận diện phòng không của Trung Quốc bao trọn luôn cả nhóm đảo Senkaku này.
Trước đây, tàu cảnh sát biển của Trung Quốc và Nhật Bản vẫn thường xuyên chạm mặt nhau trong vùng biển Senkaku, và máy bay do thám của cả 2 bên vẫn định kỳ bay lượn trên khu vực này. Tuy nhiên hồi tháng trước Trung Quốc đã vô cùng giận dữ khi Nhật Bản tuyên bố sẽ bắn hạ máy bay do thám không người lái của Trung Quốc bay qua nhóm đảo này, trong khi Trung Quốc cho rằng đó sẽ là “hành động chiến tranh”.
Máy bay trinh sát của Nhật bay trên nhóm đảo Senkaku
Theo chuyên gia phân tích châu Á Dennis Blasko thuộc Tổ chức Các vấn đề An ninh Trung Quốc của CNA, việc Trung Quốc thiết lập khu vực nhận diện phòng không là một đòn trả đũa đối với khu vực phòng không do Nhật Bản áp dụng trên biển Hoa Đông.
Khu vực nhận diện phòng không này do Mỹ thiết lập từ những năm 1960 và sau đó chuyển giao lại cho Nhật Bản bao trùm không phận trên vùng biển xung quanh Nhật Bản, và chồng lấn hơn một nửa với khu vực phòng không mới của Trung Quốc. Hồi tháng 5, Nhật Bản đã mở rộng khu vực nhận diện phòng không của mình về phía tây thêm 22,5 km.
Động thái thiết lập khu vực nhận diện phòng không của Trung Quốc nhận được nhiều sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc trong nước. Một cuộc khảo sát mới đây của tờ Hoàn Cầu cho thấy khoảng 85% người dân Trung Quốc ủng hộ quyết định thành lập khu vực phòng không này.
Theo kết quả khảo sát, 84,1% người dân Trung Quốc cho rằng khu vực này sẽ “bảo vệ an ninh không phận Trung Quốc”, và hơn 50% cho rằng khu vực này sẽ tạo ra “lợi thế tranh chấp” đối với Nhật Bản. Rõ ràng về mặt chiến lược, khu vực nhận diện phòng không gây tranh cãi này sẽ là một vũ khí của Bắc Kinh để ép Nhật Bản phải thừa nhận tranh chấp trên nhóm đảo này, từ đó làm bàn đạp để Trung Quốc có thể mặc cả để cùng quản lý hoặc đơn phương kiểm soát toàn bộ khu vực tranh chấp.