TQ sắp đưa giàn khoan Hải Dương 982 ra Biển Đông
Giàn khoan Hải Dương 982 sắp hoàn thành sẽ mở đầu cho làn sóng khai thác dầu của Trung Quốc ở Biển Đông, gây thay đổi hiện trạng và căng thẳng trong khu vực.
Ngày 2/8, tổ chức chuyên cung cấp thông tin về hàng hải của Mỹ IHS Maritime cho hay trong nửa đầu năm nay, các công ty con của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã đặt hàng đóng mới nhiều giàn khoan và tàu thăm dò nhiều đến mức kỷ lục và con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Ngoài ra, Trung Quốc đã đặt hàng đóng một giàn khoan nước sâu 30.000 tấn hồi năm ngoái được thiết kế để hoạt động trên Biển Đông, và hai giàn khoan tương tự cũng đang trong giai đoạn lập kế hoạch, trong đó có giàn khoan Hải Dương 982.
Mô hình giàn khoan Hải Dương 982 mà Trung Quốc đang chế tạo
Những giàn khoan này có kích thước không thua kém gì giàn khoan Hải Dương 981, thủ phạm đã gây ra căng thẳng trên Biển Đông suốt 2 tháng trời sau khi Trung Quốc ngang nhiên kéo nào vào vùng biển của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế.
Tình hình chỉ lắng dịu sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan này ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và kéo về đảo Hải Nam vào giữa tháng Bảy, tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc Trung Quốc chịu từ bỏ tham vọng “độc chiếm Biển Đông” của mình.
Động lực để Trung Quốc tăng cường chế tạo “hạm đội giàn khoan” này là cơn khát năng lượng khổng lồ của nước này, và nhiệm vụ tìm kiếm nguồn dầu mỏ cho tương lai được đặt lên vai CNOOC, tập đoàn khai thác dầu mỏ trên biển lớn nhất của Trung Quốc.
Theo ISH Maritime, hạm đội giàn khoan này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc khai thác dầu mỏ đồng thời tuyên bố chủ quyền phi lý trên hầu như toàn bộ diện tích Biển Đông.
ISH Maritime cho rằng Biển Đông sẽ là mục tiêu mà hạm đội giàn khoan này nhăm nhe nhắm tới, bởi vùng biển này hứa hẹn trữ lượng dầu mỏ khổng lồ có thể lên tới 11 tỉ thùng dầu và 58 ngàn tỉ mét khối khí đốt.
Với hạm đội giàn khoan khổng lồ, Trung Quốc sẽ có thể tiến sâu hơn xuống Biển Đông và qua mặt các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines để ngang nhiên khai thác dầu trên vùng biển chiến lược này, bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế.
Còn trong thời điểm hiện nay, giàn khoan mới Hải Dương 982 của COSL dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016, và công ty đóng tàu Đại Liên không hề giấu dếm thông tin rằng giàn khoan này được thiết kế và chế tạo chỉ để hoạt động trên Biển Đông.
Theo ông Philip Andrew, chuyên gia an ninh năng lượng tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Singapore, việc mở rộng hạm đội giàn khoan này là một phần trong chính sách quốc gia của Trung Quốc, và những giàn khoan dầu này sẽ được Trung Quốc sử dụng như một “tuyên bố chính trị” bên cạnh hoạt động khai thác đơn thuần.
Chiến lược đầy nguy hiểm này của Trung Quốc bắt đầu được áp dụng khi họ kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, kèm theo đó là hàng chục tàu hộ tống, tàu cá, tàu hải cảnh và thậm chí là cả tàu chiến của hải quân.
Giàn khoan Hải Dương 981 từng hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Đồng hành với CNOOC trong quá trình vươn ra hút dầu trên Biển Đông là công ty Dịch vụ Giếng dầu Trung Quốc (COSL), đơn vị sở hữu và vận hành nhiều giàn khoan và tàu khai thác dầu.
Sản lượng khai thác dầu mỏ và khí đốt của CNOOC không thay đổi nhiều trong suốt 4 năm qua, và vào năm 2009, tập đoàn này tuyên bố sẽ đầu tư 30 tỉ USD cho các dự án khai thác biển sâu trong 20 năm tới.
Theo IHS Maritime, trong nửa đầu năm nay, các công ty dầu khí Trung Quốc đã đặt hàng đóng tổng cộng 126.300 tấn tàu và giàn khoan, trong đó có giàn khoan nước cạn, nước sâu, tàu nghiên cứu địa chấn biển sâu và tàu hậu cần.
Trong khi đó, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng có những bước đi song hành khi tái sắp xếp lại tổ chức vào hồi năm ngoái để hợp nhất lực lượng hành pháp của cảnh sát biển, kiểm ngư và hải giám thành một đầu mối duy nhất.
Hiện hải cảnh Trung Quốc đang sở hữu hơn 100 tàu hiện đại và đang đặt hàng đóng mới 40 tàu tiếp theo, trong đó có 15 tàu sẽ được bàn giao trong năm nay. Theo Tân Hoa Xã, mục tiêu của việc tái cấu trúc lực lượng này là để “bảo vệ quyền và lợi ích trên biển” của Trung Quốc.