TQ phớt lờ hạn chót vụ kiện “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông

Chính phủ Trung Quốc đã bỏ qua hạn chót để đệ trình lên Tòa án Trọng tài Liên Hợp Quốc các lập luận pháp lý của họ liên quan đến vụ kiện "Đường lưỡi bò" do Philippines "khởi xướng". Như vậy, nước này đã hết cơ hội biện hộ về "đường lưỡi bò” phi pháp mà họ đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.

Hôm qua (15.12) là hạn để Trung Quốc đệ trình lên Tòa án Trọng tài Liên Hợp Quốc, có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, các lập luận pháp lý phản bác đơn kiện của Philippines về vụ kiện "đường lưỡi bò".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tần Cương tuyên bố, Tòa án Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. "Trung Quốc sẽ không tham gia vào vụ kiện do Philippines khởi xướng. Trung Quốc chỉ giải quyết các tranh chấp thông qua việc đàm phán trực tiếp với các nước liên quan trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế", ông Tần Cương khẳng định.

Phía Trung Quốc cũng nhấn mạnh việc không thay đổi lập trường và sẽ đáp trả mọi hành động mà họ cho là khiêu khích.

TQ phớt lờ hạn chót vụ kiện “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông - 1

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Tần Cương

Trên thực tế, ngay từ khi Manila nộp đơn kiện về "đường lưỡi bò" phi pháp trên Biển Đông, Bắc Kinh khăng khăng không tham gia vào vụ  việc và không thừa nhận vai trò của Tòa án Trọng tài.

Tuy nhiên, tuần trước, vào ngày 7.12, Bắc Kinh công bố tài liệu về lập trường của nước này, trong đó lập luận, vấn đề tranh chấp lãnh thổ không nên được giải quyết theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Giới phân tích nhận định, đây là cách Trung Quốc gián tiếp tham gia vụ kiện trong khi về mặt chính thức không thừa nhận vai trò của Tòa án Trọng tài. Việc công bố tài liệu cho phép Trung Quốc duy trì các quan điểm pháp lý của họ mà không bị ràng buộc bởi quyết định của Tòa án.

TQ phớt lờ hạn chót vụ kiện “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông - 2

"Đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc.

Có nhiều nguyên nhân khiến Trung Quốc sợ giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng pháp luật quốc tế mà quan trọng nhất là các yêu sách của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý vững chắc. Tòa án Trọng tài khi áp dụng luật pháp quốc tế sẽ không thừa nhận các lập luận của họ.

Chính vì thế, Trung Quốc cương quyết tránh giải quyết các tranh chấp bằng pháp luật quốc tế và khăng khăng theo đuổi phương cách giải quyết song phương với các bên liên quan trực tiếp để qua đó, họ có thể tận dụng ưu thế chính trị, kinh tế... mà giành lợi thế trên bàn đàm phán.

Mặt khác, Trung Quốc cũng lo ngại sẽ tạo ra một "tiền lệ" nếu tham gia vụ kiện với Philippines bởi  Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với nhiều quốc gia trên biển cũng như trên đất liền. 

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Philippines hôm qua cũng ra tuyên bố hoan nghênh một báo cáo của chính phủ Mỹ, trong đó, đặt ra nhiều nghi vấn về tính hợp pháp của các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Báo cáo của Mỹ nhấn mạnh, các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với luật biển Liên Hợp Quốc và thậm chí, không nhất quán.

Báo cáo khẳng định, ngay cả những tấm bản đồ mà Trung Quốc xuất bản cũng “thiếu sự chính xác, rõ ràng và nhất quán để có thể truyền tải bản chất và phạm vi của tuyên bố chủ quyền trên biển”.

Trung Quốc đã ngang ngược, đơn phương tuyên bố có quyền, quyền chủ quyền... trên phần lớn Biển Đông, bác bỏ tuyên bố chủ quyền của các bên khác như Philippines, Brunei, Malaysia... Khi sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng, nước này hành động ngày càng cứng rắn, đơn phương tuyên bố quản lý hành chính nhiều khu vực, trong đó có các ngư trường... bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN