TQ phản đối, Philippines vẫn "kiện" lên LHQ
Đại diện Philippines nói rằng quyết định nhờ trọng tài Liên Hợp Quốc phân xử tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông là “phương sách cuối cùng”, nhưng vẫn mở cửa cho đối thoại.
Trung Quốc đã chính thức bác bỏ đề nghị đưa vấn đề ra tòa án trọng tài LHQ hôm 19/2. Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, một nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng Manila đang phạm sai lầm với việc đưa tranh chấp ra LHQ vì “chúng tôi không sợ UNCLOS (Công ước quốc tế về Luật biển). Manila đánh giá chúng tôi quá thấp”.
Hôm qua, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói trong một cuộc họp báo: “Đúng như chúng tôi lo ngại, con tàu đã rời sân ga. Trung Quốc có thể ở trên tàu hoặc không. Nhưng như tôi nói từ trước về tòa án trọng tài bắt buộc, thế giới sẽ xem xét dù Trung Quốc có ở đó hay không”.
Tuy nhiên, ông Rosario nói vẫn mở rộng cửa cho giải pháp thay thế. “Vâng, tôi nghĩ chúng tôi vẫn chấp nhận đối thoại song phương”, ông Del Rosario nói.
Ngoại trưởng tiết lộ rằng một trong những “lý do cấp bách” mà nước này đưa vấn đề ra LHQ là Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng biển tranh chấp. “Dựa trên báo cáo tình báo mới nhất của chúng tôi, hiện nay có 5 tàu Trung Quốc, gồm 4 tàu hải giám và một tàu cá” đang ở Bajo de Masinloc hay còn gọi là bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham.
Ông Del Rosario nhấn mạnh các tham vấn song phương về đảo tranh chấp đã diễn ra suốt 19 năm. Từ khi căng thẳng trên bãi cạn này leo thang cách đây 1 năm, “chúng tôi đã có 45 phiên tham vấn với Trung Quốc, nhưng vẫn không có kết quả. Đối với chúng tôi, tòa án trọng tài theo UNCLOS là phương sách cuối cùng để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp”.
Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh tòa án trọng tài được thành lập hôm 24/4, với thẩm phán người Sri Lanka được chỉ định làm trưởng ban trọng tài, còn đại diện Pháp, Đức, Hà lan và Ba Lan là thành viên. “Họ đang tổ chức và đưa ra quy tắc để tiến hành. Ông Del Rosario cho biết phiên tòa trọng tài sẽ kéo dài từ 2 – 4 năm.
Philippines, Nhật Bản và Việt Nam đã đối thoại với nhau về vấn đề tuyên bố chồng lấn với Trung Quốc, ông Del Rosario xác nhận. “Tôi nghĩ cả hai nước – Nhật Bản và Việt Nam – rất quan ngại về tình hình an ninh biển. Vì thế chúng tôi hợp tác với nhau trong đối thoại về vấn đề an ninh biển có thể đạt tới mức nào, tự do hàng hải và thương mại thông suốt có thể bảo đảm như thế nào. Đó là những cuộc thảo luận mà chúng tôi thực hiện trên nền tảng thông thường”.
Trả lời câu hỏi về cách nhìn nhận đối với tầng lớp lãnh đạo mới ở Trung Quốc, ông Del Rosario nói: “Quan điểm của chúng tôi là tìm kiếm con đường bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc… và trong tiến trình này chúng tôi đang nỗ lực tìm ra giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh hải”.