TQ “nóng mặt” với tuyên bố Biển Đông của G7
Hồng Lỗi tìm cách ngụy biện rằng hành động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc là để nước này “thực hiện các nghĩa vụ quốc tế".
Ngày 9.6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã tỏ ra “nóng mặt” và lớn tiếng chỉ trích những tuyên bố của các lãnh đạo G7 liên quan đến những căng thẳng hiện nay trên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Trong phiên bế mạc hội nghị diễn ra tại Đức hôm thứ Hai, lãnh đạo G7 gồm các nước Đức, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Pháp, Anh, Ý đã bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở hai vùng biển trên và kêu gọi các quốc gia liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế.
Bản tuyên bố của các lãnh đạo G7 nhấn mạnh: “Chúng tôi kịch liệt phản đối việc sử dụng vũ lực, đe dọa hay áp bức cũng như bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng, chẳng hạn như hoạt động xây đảo nhân tạo quy mô lớn”.
Mặc dù tuyên bố của G7 không đề cập đến bất cứ quốc gia cụ thể nào, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng các lãnh đạo G7 đang “chĩa mũi dùi” vào Trung Quốc, nước đang có những hoạt động cải tạo, bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp với quy mô lớn trên Biển Đông.
Đáp lại tuyên bố trên của lãnh đạo G7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã tỏ ra tức tối cáo buộc rằng G7 “đưa ra những bình luận thiếu thực tế và công bằng” và cho rằng các nhà lãnh đạo nhóm này đã thể hiện sự “vô trách nhiệm” trong tuyên bố trên.
Trong khi các tàu hút cát của Trung Quốc vẫn đang miệt mài bồi lấp hơn 800 hecta đảo nhân tạo ở Biển Đông, Hồng Lỗi vẫn ngụy biện rằng Bắc Kinh “sẽ là nước đầu tiên phản đối bất cứ hành vi nào đe dọa tự do hàng hải” trong khu vực.
Hồng Lỗi cũng không quên lặp lại điệp khúc rằng Trung Quốc “có chủ quyền” đối với nhóm đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát cũng như quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam.
Hồng Lỗi cho rằng hành động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc là để nước này “thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, chẳng hạn như tìm kiếm cứu nạn trên biển, và việc quân sự hóa các đảo này về bản chất chỉ là phòng thủ”.
Bất chấp những hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc trên Biển Đông, chẳng hạn như trường hợp xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia gần đây, Hồng Lỗi vẫn cho rằng Trung Quốc đã “thể hiện sự kiềm chế để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”, đồng thời lớn tiếng đe dọa rằng “Trung Quốc sẵn sàng đáp trả” bất cứ hành vi nào mà họ cho là “xâm phạm chủ quyền” (phi lý, phi pháp) của họ trên Biển Đông.
Trong khi đó, bình luận trên tờ Thời báo Bắc Kinh, chuyên gia phân tích quốc tế Giả Tú Đồng thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho rằng các thành viên G7 “không có quyền can thiệp vào tình hình trên Biển Đông vì họ không có liên quan trực tiếp”.
Ông này đưa ra ý kiến chủ quan của mình: “Việc đưa ra những tuyên bố như thế này sẽ không giúp tăng cường tiếng nói của G7 trên vũ đài chính trị toàn cầu, mà chỉ làm phai mờ hình ảnh và suy yếu ảnh hưởng của nhóm này”.