TQ: Nở rộ nghề… xóa bài viết tố cáo quan chức

Trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất trong nhiều năm qua, nhiều chính trị gia nước này đang hốt hoảng tìm cách xóa các bài viết tiêu cực về họ lan truyền trên internet.

“Bất kỳ bài viết nhạy cảm hay to tát đến mức nào, chúng tôi đều có thể làm cho chúng biến mất”, quản lý của Yage Times, công ty quan hệ công chúng (PR) “đen” lớn nhất ở Trung Quốc, cho biết.

Trong vài tháng gần đây, vài chục quan chức Trung Quốc bị điều tra vì tội tham nhũng, vì thế các Đảng viên thuộc mọi cấp đang cực kỳ lo lắng, con của hai cán bộ nước này cho biết.

Những viên quan này đặc biệt sợ internet, nơi nhiều câu chuyện về quan chức tham nhũng được lan truyền nhanh chóng, tạo nên áp lực cho ĐCS phải tiến hành điều tra.

TQ: Nở rộ nghề… xóa bài viết tố cáo quan chức - 1

Giao diện của một công ty quảng cáo dịch vụ xóa mọi bài viết tiêu cực trên blog, trang web hay báo chính phủ. (Nguồn: Telegraph)

42% số vụ tham nhũng của năm nay bị điều tra là do manh mối do người dân cung cấp, thường là trên mạng, Zhang Shaolong, cán bộ của cơ quan kỷ luật của ĐCS cho biết.

Từ đó, thị trường “PR đen” nở rộ.

Chỉ cần tra cứu rất nhanh cũng đã tìm thấy ít nhất 30 công ty cung cấp dịch vụ cho quan chức, doanh nhân làm ăn không minh bạch hay người nổi tiếng bị vướng bê bối có thể tẩy sạch hoen ố trên mạng.

“Gần đây chúng tôi giúp giám đốc cảnh sát ở Yết Dương, tỉnh Quảng Đông, xóa nhiều bài viết trên mạng, nhưng tôi không thể nêu tên ông ấy”, đại diện của một công ty PR đen đang quảng cáo dịch vụ trên thị trường trực tuyến Taobao cho biết.

“Chúng tôi có thể xóa tên anh khỏi các trang blog, diễn đàn, trang tin tức, trang tiểu blog Weibo. Nếu muốn xóa một bài viết khỏi giao diện của Nhân dân Nhật báo hay Tân Hoa Xã thì chi phí là 13.000 tệ (gần 45 triệu đồng)”, người này cho biết.

“Chi phí này hơi cao vì đó là các trang web của chính phủ. Đối với Nhân dân Nhật báo thì anh phải cho chúng tôi biết anh muốn tên anh được xóa khỏi trang nào và chúng tôi phải hỏi biên tập viên của trang đó xem liệu việc xóa bài viết đó có mạo hiểm quá không”, anh ta cho biết.

Trả lời câu hỏi công ty có nhiều khách hàng hay không, người này cho biết: “Chúng tôi có 313 khách hàng trong 30 ngày qua”.

Tại công ty PR đen khác lấy tên là Origin of Brightness, một người đàn ông họ Liu tự xưng là quản lý nói rằng “các công ty, cá nhân và chính phủ sử dụng cách này để quản lý khủng hoảng. Đây là ý tưởng tốt để những bài viết về vấn đề tiêu cực bị ẩn đi”. Liu cho biết doanh nghiệp của anh ta làm ăn khá tốt.

Trong khi đó, tại Yage Times, một nhóm nhân viên được giao nhiệm vụ tìm kiếm trên mạng các bài viết về vấn đề tiêu cực, sau đó gọi điện đến những người bị nhắc đến trong bài viết xem liệu họ có muốn sử dụng dịch vụ xóa bài viết hay không.

Thông thường, việc xóa bài viết đòi hỏi sự đồng ý người biên tập của một trang web hoặc quan chức chính phủ ra văn bản yêu cầu kiểm duyệt.

Một số công ty thậm chí còn tạo ra con dấu giả của chính phủ để gửi giấy yêu cầu kiểm duyệt.

“Các công ty tận dụng nhiều mối quan hệ để xóa được bài viết. Tờ báo hay trang web càng lớn thì giá càng cao, nhưng khách hàng vẫn có thể mặc cả”, một biên tập viên giấu tên của  Sohu - cổng thông tin của chính phủ Trung Quốc - cho biết.

Theo người này, “các biên tập viên chỉ nhận được một phần nhỏ, vì phần lớn phải nộp cho quản lý cấp cao hơn. Tôi biết những người đang làm việc này, và bản thân tôi cũng được mời làm, nhưng tôi thấy quá mạo hiểm nên từ chối. Ở Trung Quốc hiện nay thì việc gì cũng có thể kiếm thu nhập đen”.

Một biên tập viên của hãng thông tấn Tân Hoa Xã nói rằng chị có nghe về tình trạng này, nhưng việc đó “trái đạo đức” và “rất khó về mặt kỹ thuật”  khi muốn xóa các bài viết trên Tân Hoa Xã.

Tháng 7 năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc điều tra và tìm cách đóng cửa công ty Yage Times. Theo tạp chí kinh doanh nổi tiếng Caixin, lợi nhuận của Yage Times năm 2011 là 50 triệu yuan (khoảng 170 tỷ đồng).

60% lợi nhuận của công ty này là từ “quan chức chính phủ” ở những thành phố nhỏ, “trong đó có nhiều quan chức cảnh sát và lãnh đạo cấp huyện”. Mùa gặt hái mạnh nhất là thời gian trước kỳ họp quốc hội vào tháng 3, khi các quan chức hay bị cộng đồng mạng tố cáo.

Tuy nhiên, một quản lý của Yage Times cho biết công ty này chưa bao giờ bị đóng cửa thực sự.

“Chúng tôi chỉ tạm ngừng hoạt động vài ngày. Làm sao mà cảnh sát có thể bắt chúng tôi được. Thực tế là một chút thông tin đã bị đối thủ muốn hủy hoại chúng tôi tiết lộ cho Caixin”, anh ta nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (theo Telegraph) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN