TQ: Những bức tranh ám ảnh của con trai tử tù

Cộng đồng mạng Trung Quốc đang lan truyền những bức tranh đầy cảm động của con trai người tử tù vừa bị thi hành án.

Ngày 25/9, Trung Quốc đã cho thi hành án tử hình đối với một người bán hàng rong vì đã sát hại 2 nhân viên quản lý đô thị (thành quản) ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, chấm dứt chiến dịch 4 năm trời vận động của những nhà hoạt động và các luật sư kêu gọi ân xá cho người tử tù trong vụ án gây tranh cãi trong dư luận Trung Quốc này.

Trước đó, Tòa án Trung cấp Thẩm Dương cho biết án tử hình đối với “tội phạm giết người” Xia Junfeng sẽ được thi hành sau khi Tòa án Tối cao Trung Quốc xem xét lại bản án. Sau khi thông tin này được công bố, người vợ của Xia đã bày tỏ nỗi đau đớn cùng cực, làm dấy lên niềm cảm thông và tranh luận trên các diễn đàn Trung Quốc về mức án này.

TQ: Những bức tranh ám ảnh của con trai tử tù - 1

Xia Junfeng cùng vợ và con trai

Hôm thứ Tư, cô Zhang Jing, vợ của Xia đăng một bức hình trên trang Weibo cho biết cô đang trên đường đến để nhìn mặt chồng mình lần cuối. Cô cho biết chồng cô yêu cầu được chụp một bức ảnh gia đình cuối cùng với vợ và con trai, tuy nhiên yêu cầu này đã bị bác bỏ. Cô thổn thức: “Tôi không thể hiểu nổi tại sao họ có thể lạnh lùng đến vậy.”

Cộng đồng mạng Trung Quốc cũng đang lan truyền những bức tranh đầy cảm động do cậu con trai của ông Xia vẽ, thể hiện ước mơ về một gia đình hạnh phúc và niềm hy vọng mong manh về ngày trở về của người cha.

Trong một bức tranh, cậu bé này vẽ ra hình ảnh cả gia đình quây quần sum họp hạnh phúc dưới ánh trăng. Trong một bức vẽ khác, hình ảnh người cha của cậu được khắc họa đầy hiền từ, nhân hậu và bao dung đang dắt đứa con nhỏ dạo chơi trên đường. Thế nhưng những giấc mơ ấy của cậu bé này mãi mãi sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.

TQ: Những bức tranh ám ảnh của con trai tử tù - 2

Giấc mơ về gia đình đoàn tụ hạnh phúc

Xia là một người bán hàng bánh mỳ kẹp thịt ở thành phố Thẩm Dương. Hồi tháng 5/2009, ông này bị lực lượng thành quản bắt giữ và đem về trụ sở để thẩm vấn vì tội bán hàng rong không phép. Trong phòng thẩm vấn của thành quản, ông này đã đâm 2 nhân viên thành quản đến chết rồi bỏ chạy khỏi hiện trường.

Luật sư của Xia cho biết ông này hành động như vậy là để tự vệ bởi 2 nhân viên thành quản này đã đánh đập ông trong khi thẩm vấn, còn các quan chức thành quản lại phủ nhận cáo buộc này. Phía cảnh sát cho hay lúc vụ việc xảy ra không có nhân chứng nào khác ở trong phòng thẩm vấn.

TQ: Những bức tranh ám ảnh của con trai tử tù - 3

Bố và con vui đùa trên đồng cỏ

Tuy nhiên đông đảo dư luận Trung Quốc lại bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Xia và tỏ ra nghi ngờ về độ tin cậy trong lời khai của các nhân viên thành quản vốn quá nổi tiếng với hành vi ngang ngược và bạo lực với những người bán hàng rong.

Nhiều người còn bày tỏ sự thông cảm với vợ và con trai 11 tuổi của Xi, những người đang phải sống trong cảnh khốn khó và chỉ biết dựa vào những đồng thu nhập ít ỏi của bố mẹ ông Xia.

TQ: Những bức tranh ám ảnh của con trai tử tù - 4

Cả nhà dắt tay nhau đi dưới ánh trăng

Ông Chen Youxi, luật sư của ông Xia đã đưa lên blog của mình lá thư dài mà ông gửi tới Tòa án Tối cao Trung Quốc yêu cầu xem xét lại bản án. Mặc dù yêu cầu này không được chấp nhận nhưng ông vẫn giữ quan điểm kiên quyết phản đối bản án tử hình này vì các phiên tòa xét xử trước đó đã không đưa ra được những bằng chứng quan trọng.

TQ: Những bức tranh ám ảnh của con trai tử tù - 5

Giờ chỉ còn lại mẹ và con

Cộng đồng mạng Trung Quốc ngay lập tức so sánh vụ việc này với vụ án Cốc Khai Lai, vợ của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Mặc dù bị xét xử vì tội ra lệnh sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood nhưng bà Cốc chỉ bị tuyên án “tử hình treo”, đồng nghĩa với án chung thân ở Trung Quốc.

Một người dân viết trên mạng Weibo: “Cốc Khai Lai cũng giết người, tại sao bà ta không bị tử hình? Tại sao Xia Junfeng lại phải chết?”

Trong những năm gần đây, sự bất bình trong dư luận Trung Quốc đối với lực lượng thành quản ngày càng tăng cao vì cách hành xử bạo lực của họ đối với những người bán hàng rong, người nhập cư và các thành phần “thấp cổ bé họng” khác trong xã hội, trong đó báo chí Trung Quốc không ít lần đưa tin về những vụ thành quản đánh đập dã man, thậm chí là hành hung đến chết người dân không có sức tự vệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo SCMP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN