TQ nhận chủ quyền Điếu Ngư: LHQ vào cuộc

Liên hợp quốc (LHQ) sẽ xem xét tính xác thực khoa học trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo tranh chấp trên Hoa Đông, cho dù Nhật Bản nói rằng tổ chức này không nên tham gia.

Những căng thẳng trên quần đảo không người ở nằm trong vùng biển giàu tài nguyên cá và có thể giàu trữ lượng dầu mỏ đã bùng nổ sau khi chính phủ Nhật Bản mua lại 3 trên 5 hòn đảo từ một chủ sở hữu tư nhân người Nhật, dẫn đến những cuộc biểu tình chống Nhật bạo lực trên khắp Trung Quốc.

Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền đối với quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Nhật gọi là Senkaku và Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài.

Trong thư gửi tới Ủy ban ranh giới thềm lục địa của LHQ, Trung Quốc nói rằng thêm lục địa trên biển Hoa Đông là phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ nước này, bao gồm cả quần đảo tranh chấp.

Theo công ước của LHQ, mỗi nước có thể mở rộng ra ngoài khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý nếu nước đó có thể chứng minh rằng phần đó là sự mở rộng tự nhiên của thềm lục địa. Ủy ban của LHQ có tư cách đánh giá tính khoa học của tuyên bố chủ quyền, nhưng giải quyết tranh chấp là vấn đề giữa các quốc gia.

Trung Quốc nói “vùng nếp gấp Đảo Điếu Ngư”, tức quần đảo Điếu Ngư, nằm giữa thềm lục địa của biển Hoa Đông và Máng Okinawa. “Máng Okinawa là điểm kết thúc tự nhiên của thềm lục địa trên biển Hoa Đông”.

Trong thư gửi lên cơ quan của LHQ, Trung Quốc cũng nói rằng họ vẫn đang đàm phán với các nước khác về vấn đề phân định ranh giới trên thềm lục địa.

Theo cơ quan của LHQ, việc xem xét tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc sẽ được đưa vào chương trình nghị sự tạm thời trong cuộc họp từ ngày 15/7 – 30/8/2013.

Trong một bức thư gửi lên Ủy ban, Nhật Bản cho rằng cơ quan này không nên cân nhắc yêu cầu của Trung Quốc.

“Điều không thể nghi ngờ là quần đảo Senkaku là một phần không thể tách rời khỏi lãnh thổ Nhật Bản xét theo những sự thật lịch sử rõ ràng và luật quốc tế. Quần đảo Senkaku nằm dưới dự quản lý hợp lệ của Nhật Bản”.

Nhật Bản quản lý quần đảo nói trên vào năm 1895. Đây là một trong những căn cứ của quân đội Mỹ trong thời kỳ hậu Thế chiến 2, từ năm 1945-72. Sau đó, quần đảo được chính quyền Mỹ trả lại cho Tokyo, mà sau đó bị Trung Quốc và Đài Loan phản đối.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN