TQ nhái tàu sân bay hạt nhân Mỹ để dọa láng giềng?
TQ liên tiếp đóng tàu sân bay không phải để đọ sức với Mỹ mà là để hù dọa các nước láng giềng.
Trên các trang mạng Trung Quốc trong thời gian gần đây rò rỉ một số hình ảnh về một mô hình tàu sân bay được trưng bày tại một sự kiện chính thức của Trung Quốc. Chiếc tàu sân bay mô hình này được sơn số hiệu 18 và có vẻ ngoài trông rất giống tàu sân bay hạt nhân của Mỹ.
Theo đó, chiếc tàu sân bay mô hình này có 4 thiết bị phóng máy bay và 3 thang máy cùng nhiều bằng chứng khác chứng tỏ đây là một tàu sân bay hạt nhân tương tự như tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của hải quân Mỹ.
Môt hình tàu sân bay được trưng bày tại triển lãm của Trung Quốc
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh có số hiệu là 16, và vào năm 2013, một số bức ảnh được báo chí Trung Quốc công bố cho thấy nước này đang chế tạo một tàu sân bay thứ hai, và chiếc tàu này mang số hiệu 17.
Tất cả những dấu hiệu này chứng tỏ Trung Quốc sẽ chế tạo tàu sân bay thứ ba (và là chiếc thứ hai hoàn toàn được sản xuất trong nước), và chiếc tàu sân bay này sẽ được trang bị lò phản ứng hạn nhân có thiết kế gần giống tàu USS Enterprise của Mỹ.
USS Enterprise là tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của Mỹ và là nguyên mẫu để hải quân nước này phát triển tàu sân bay lớp Nimitz. USS Enterprise là một loạt tàu vô cùng đắt, và Mỹ mới chỉ chế tạo một chiếc trong lớp này, mặc dù kế hoạch của họ là đóng mới 6 chiếc.
Tàu USS Enterprise dài hơn tàu sân bay lớp Nimitz một chút, nhưng nó lại nhẹ hơn (92.000 tấn so với 100.000 tấn của tàu Nimitz). Con tàu này được biên chế vào hải quân Mỹ vào năm 1961, và nó sắp được cho nghỉ hưu sau gần 40 năm phục vụ.
Tàu sân bay USS Enterprise của hải quân Mỹ
Kể từ khi chế tạo chiếc tàu sân bay đầu tiên vào năm 1923 đến nay, hải quân Mỹ hầu như không thực hiện một cải tiến lớn nào trong thiết kế tàu sân bay, mặc dù hiện nay Mỹ sở hữu đội tàu sân bay hùng hậu nhất thế giới để có thể nhanh chóng triển khai quân đi tới mọi khu vực trên toàn cầu.
Điều quan trọng khiến Mỹ thiếu động lực trong việc cải tiến tàu sân bay là vì hải quân nước này chưa có đối thủ xứng tầm trên biển kể từ năm 1945 trở lại nay. Trước đây, Liên Xô đã từng chế tạo các loại vũ khí chống tàu sân bay mới và lên kế hoạch sử dụng, tuy nhiên cuộc chiến giữa hai siêu cường đã không bao giờ xảy ra.
Theo các chuyên gia phân tích của trang Strategy Page tại Mỹ, việc Trung Quốc liên tiếp chế tạo nhiều tàu sân bay không phải là để đọ sức trên biển với Mỹ, mà chủ yếu là dùng tàu sân bay như một công cụ để hăm dọa các quốc gia láng giềng.
Những bức ảnh được chụp tại một xưởng đóng tàu của Trung Quốc vào năm 2013 cho thấy chiếc tàu sân bay số hiệu 17 đang được chế tạo của nước này sử dụng một máy phóng thay vì đường băng kiểu ski-jump để máy bay cất cánh.
Hình ảnh được cho là của chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc
Ngoài ra, những bức ảnh này cũng cho thấy chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc có kích thước lớn hơn tàu sân bay Liêu Ninh, vốn là một tàu sân bay cũ của Liên Xô được Trung Quốc mua về để cải hoán lại.
Tàu Liêu Ninh có chiều dài 305 mét, trọng lượng 65.000 tấn được Trung Quốc bắt đầu cho vào hoạt động từ năm 2012 sau 4 tháng thử nghiệm trên biển. Trung Quốc đã cho máy bay J15 thử nghiệm cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh trong tình trạng không mang theo vũ khí.
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ bố trí tới 24 chiến đấu cơ và 26 trực thăng trên tàu sân bay Liêu Ninh và sử dụng con tàu này vào mục đích huấn luyện phi công và nghiên cứu khoa học, đồng thời sẵn sàng trở thành một tàu sân bay chiến đấu khi cần thiết.