TQ ngụy biện về hành động xây đảo ở Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc trắng trợn tuyên bố nước này "có quyền xây đắp" trên các bãi đá trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, trước sức ép và sự phản đối quyết liệt của cộng đồng quốc tế trước hoạt động xây đảo nhân tạo trắng trợn, quy mô lớn của Trung Quốc trên Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tìm cách ngụy biện rằng Bắc Kinh “có quyền xây đắp” trên những hòn đảo và bãi đá ngầm thuộc khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Trong nhiều tháng qua, nhiều quốc gia láng giềng và dư luận quốc tế đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hoạt động bồi đắp, biến các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Cách đây vài tuần, tạp chí IHS Jane’s và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã công bố những hình ảnh, phân tích cho thấy quy mô của những dự án xây đảo này, trong đó có những bãi đá ngầm đã được Trung Quốc đào đắp thành đường băng đủ cho máy bay quân sự cất hạ cánh.

TQ ngụy biện về hành động xây đảo ở Biển Đông - 1
Một bãi đá ngầm nhỏ bé đã được Trung Quốc biến thành một hòn đảo nhân tạo khổng lồ trong vòng 2 năm qua

Mỹ đã công khai lên tiếng bày tỏ sự quan ngại trước các động thái mở rộng đầy hung hăng này của Trung Quốc trên Biển Đông, trong khi Philippines tố cáo các dự án xây đảo của Trung Quốc đã làm hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển, làm ảnh hưởng đến kế mưu sinh của hàng triệu ngư dân.

Hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng phản đối việc Trung Quốc xây dựng mở rộng trái phép công trình trên các bãi đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định hành động này của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiệm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động sai trái trên.

Ngụy biện của Trung Quốc

Trước những phản ứng quyết liệt trên của dư luận thế giới, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vẫn trắng trợn tuyên bố rằng việc xây đảo này là “cần thiết và không phải là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thay đổi chính sách trong khu vực”.

TQ ngụy biện về hành động xây đảo ở Biển Đông - 2
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị

Tuyên bố trên của ông Vương Nghị được đưa ra bên lề cuộc họp Chính hiệp Trung Quốc hôm 8/3, và ông Vương còn nói rằng hoạt động xây đảo của Trung Quốc “không nhắm vào ai và không ảnh hưởng đến ai”.

Theo lời ông Vương, Trung Quốc “không giống như các nước khác lén lút xây dựng trong nhà người khác”, và rằng Bắc Kinh “không chấp nhận những lời chỉ trích từ người khác” khi họ “xây dựng trên sân nhà mình”.

Lập luận ông Vương Nghị đưa ra là những hòn đảo, bãi đá mà Trung Quốc đang thực hiện các dự án xây đảo quy mô lớn đều nằm trong “đường chín đoạn”, do đó đều thuộc “chủ quyền Trung Quốc”, và Bắc Kinh thích “xây gì thì xây” trong đó.

Tuy nhiên, ông Vương Nghị đã cố tình phớt lờ một thực tế rằng cái gọi là “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đưa ra không hề có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế và cũng không hề được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Hôm 26/2, phát biểu trước Ủy ban Các lược lượng Vũ trang Thượng viện Mỹ về các mối đe dọa toàn cầu, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper tuyên bố “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông để tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% diện tích vùng biển này mà không theo bất cứ điều luật quốc tế nào là hành động “quá đáng”.

TQ ngụy biện về hành động xây đảo ở Biển Đông - 3
Hoạt động xây đảo quy mô lớn của Trung Quốc đã khiến dư luận thế giới lo ngại

Mặc dù đưa ra những lời tuyên bố trắng trợn và đầy tính ngụy biện như vậy, nhưng ông Vương Nghị vẫn nói rằng Bắc Kinh “sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Thế nhưng, theo ông Clapper, các hoạt động đào đắp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng. Ông Clapper nói: “Dù Trung Quốc đang tìm kiếm quan hệ ổn định với Mỹ, nhưng họ ngày càng sẵn sàng chấp nhận những căng thẳng song phương và khu vực vì lợi ích của mình, đặc biệt là trong các vấn đề chủ quyền trên biển”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN