TQ: "Muốn vào Biển Đông đánh cá phải xin phép"

Trung Quốc vừa ra quy định ngang ngược bắt tàu nước ngoài vào Biển Đông đánh cá phải xin phép chính quyền nước này.

Ngày 8/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng xác nhận thông tin về quy định mới của Trung Quốc buộc các tàu thuyền đánh cá nước ngoài khi hoạt động trên vùng biển tranh chấp phải đăng ký và được sự cho phép của chính phủ Trung Quốc.

Chính sách ngang ngược này của Trung Quốc được đưa ra sau khi nước này ngang nhiên thiết lập khu vực nhận diện phòng không trên vùng biển Hoa Đông chồng lấn với nhiều nước láng giềng bất chấp sự phản đối của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Động thái mới nhất này của Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, không có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực.

TQ: "Muốn vào Biển Đông đánh cá phải xin phép" - 1

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc hoạt động trên biển

Mệnh lệnh hành chính này được chính quyền tỉnh Hải Nam ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1 với mục đích tăng cường luận điệu của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với các quốc gia láng giềng.

Theo quy định mới ban hành này, tất cả tàu thuyền đánh cá không phải của Trung Quốc khi hoạt động ở Biển Đông đều phải “xin phép” và được nhà chức trách Trung Quốc “phê chuẩn”.

Theo đó, bất cứ tàu thuyền nước ngoài nào “vi phạm” các quy định về đánh bắt cá do Trung Quốc ban hành sẽ bị xua đuổi ra khỏi khu vực ngư trường, tịch thu toàn bộ cá đánh bắt được và sẽ đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 82.600 USD. Trong một số trường hợp, tàu thuyền vi phạm có thể sẽ bị tịch thu và thủy thủ trên tàu sẽ bị truy tố theo luật của Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra một quy định pháp lý rõ ràng và ngang ngược đến vậy trên những ngư trường đánh cá chồng lấn với các quốc gia láng giềng trên Biển Đông.

Động thái này được các chuyên gia đánh giá là một nỗ lực của Trung Quốc trong việc khẳng định vai trò cường quốc khu vực của Trung Quốc, nhưng nó cũng ẩn chứa nguy cơ làm nổ ra xung đột với các nước láng giềng, biến Biển Đông thành một điểm nóng tiềm ẩn trên thế giới.

Chuyên gia chính trị Joseph Cheng thuộc Đại học Hong Kong nhận định: “Những hành động khẳng định chủ quyền như thế này sẽ tiếp diễn. Chủ tịch Tập Cận Bình tin rằng ông ấy không thể bị coi như một nhân vật mềm yếu.”

Hôm qua, Đài Loan cũng đã lên tiếng bác bỏ quy định ngang ngược này của Trung Quốc và kêu gọi các bên giảm bớt căng thẳng trên Biển Đông. Bộ Nội vụ Đài Loan khẳng định tàu cá của họ vẫn đang hoạt động bình thường mà không cần khai báo với nhà chức trách Trung Quốc và vẫn chưa bị cản trở hoạt động.

Trong khi đó, Philippines cho biết họ vẫn đang tham vấn các đại sứ quán ở Hà Nội và Bắc Kinh về quy định mới này của phía Trung Quốc. Quan điểm của nước này là phản đối các hành động bành trướng và yêu sách lãnh thổ ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Philippines khẳng định Philippines sẵn sàng bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý tính từ bờ biển nước này. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố: “Mọi quốc gia đều được quyền tự do thi hành luật đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ thi hành các quy định của Philippines trong EEZ và bảo vệ các nguồn lợi của mình.”

Cách đây một năm, Philippines đã đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc ra trước Tòa án Công lý Quốc tế của Liên Hợp Quốc, tuy nhiên Trung Quốc vẫn một mực không tham gia vào phiên tòa này và viện cớ rằng đơn kiện của Philippines thiếu căn cứ pháp lý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo AP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN