TQ loay hoay cứu thị trường chứng khoán khỏi miệng vực

Chính phủ Trung Quốc đang làm tất cả để cứu thị trường chứng khoán khỏi nguy cơ sụp đổ.

Mới đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã buộc phải bơm 8,2 tỉ USD vào thị trường tiền tệ trong nước, lần bơm tiền thứ tư liên tiếp kể từ ngày 25.6 tới nay, nhằm cứu vãn thị trường chứng khoán khỏi viễn cảnh sụp đổ.

Theo Tân Hoa Xã, trong ngày 9.7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ phải bơm tiếp 5,6 tỉ USD nữa nhằm tăng tính thanh khoản và giảm bớt chi phí tài chính trong nền kinh tế, trong bối cảnh thị trường chứng khoán nước này bên miệng vực sụp đổ suốt 3 tuần qua, và sàn chứng khoán Thượng Hải đã mất 1/3 giá trị kể từ hồi giữa tháng Sáu.

TQ loay hoay cứu thị trường chứng khoán khỏi miệng vực - 1
Sắc đỏ tràn ngập trên thị trường chứng khoán Trung Quốc

Các chuyên gia phân tích thị trường Trung Quốc đã cảnh báo về “tâm trạng hoảng loạn” trong giới đầu tư, và sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới hơn là cuộc khủng hoảng Hy Lạp hiện nay.

Vì sao thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc?

Từ hồi đầu năm, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có những tín hiệu cảnh báo điển hình của một mô hình bong bóng. Hầu như tất cả mọi người, từ các bà nội trợ, tài xế taxi cho tới sinh viên đại học đều đổ tiền đầu tư vào chứng khoán để kiếm lời trong làn sóng “chao gu” (cổ phiếu “xào” – ám chỉ việc “lướt sóng” cổ phiếu).

Làn sóng đầu tư vào cổ phiếu này xuất hiện trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, khiến nhiều chuyên gia phân tích phải “vò đầu bứt tai” tìm lời giải đáp. Thế nhưng giờ đây, những "nhà đầu tư" này đang phải nếm trái đắng của làn sóng “xào” cổ phiếu đó.

Ông Patrick Chovanec, Tổng giám đốc quỹ Quản lý Tài sản Silvercrest nhận định: “Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã rời xa giá trị thực tế của nền kinh tế nước này, và rõ ràng là đã bị định giá cao quá mức”.

TQ loay hoay cứu thị trường chứng khoán khỏi miệng vực - 2
Thị trường chứng khoán Trung Quốc từng chứng kiến làn sóng đầu tư ồ ạt của người dân

Trong khi nhiều chuyên gia phân tích tin rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trải qua giai đoạn “tự sửa chữa” cần thiết thì chính phủ Trung Quốc lại làm tất cả mọi thứ để giá cổ phiếu không tuột dốc.

Không chỉ liên tục bơm tiền vào thị trường, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc còn giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, buộc các nhà môi giới phải cam kết mua hàng triệu cổ phiếu, và các sàn chứng khoán thông báo ngừng niêm yết các cổ phiếu mới.

Dong Tao, chuyên gia kinh tế tại Credit Suisse cho rằng Bắc Kinh lo sợ sự xáo trộn của thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua, khi những người thua lỗ vì chứng khoán sẽ ít có khả năng tiêu tiền ở các trung tâm mua sắm.

“Điều đó sẽ gây ra những rủi ro cho nền kinh tế và hệ thống tài chính, và đó chính là lý do vì sao Bắc Kinh lo lắng”, ông Dong nói.

Tác động tiêu cực tới chính phủ Trung Quốc

Trong khi đó, các nhà đầu tư có vẻ như không mấy tin tưởng vào những nỗ lực giữ vững thị trường chứng khoán của chính phủ. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã lao dốc không phanh, có những lúc giảm tới 7% vào phiên đóng cửa.

Trong trường hợp thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ, nạn nhân đầu tiên và chịu thiệt hại nặng nề nhất chính là các nhà đầu tư nước này. Và hình ảnh của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

TQ loay hoay cứu thị trường chứng khoán khỏi miệng vực - 3
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Từ lâu, Chủ tịch Tập Cận Bình đã xây dựng hình ảnh của mình như một “lãnh đạo hùng mạnh”, sau khi hạ bệ hàng loạt những “con hổ lớn” trong chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn của mình. Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán lao dốc, ông Tập sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Chuyên gia Chovanec phân tích: “Chính phủ Trung Quốc đang làm mọi việc có thể để cứu thị trường chứng khoán, nhưng khi người dân thấy thị trường vẫn tiếp tục đi xuống, họ sẽ nhận ra rằng chính phủ không kiểm soát được nền kinh tế nhiều như họ nghĩ”.

Ngoài ra, những biện pháp mạnh mà Bắc Kinh đang áp dụng để ngăn thị trường chứng khoán sụp đổ có thể hủy hoại lòng tin của các nhà đầu tư vào những cam kết cải cách thị trường của chính phủ Trung Quốc.

Ông Dong nhận định: “Chính phủ muốn đảo ngược xu thế của thị trường, nhưng đó là chính sách không theo quy luật của thị trường. Đây là một bước tụt hậu lớn trong thị trường Trung Quốc”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN