TQ lo lắng khi quân đội Nhật được trao thêm quyền lực

Việc Nhật thay đổi chính sách để quân đội có thể tác chiến ở nước ngoài đã khiến TQ bất an.

Ngày 1/7, chính phủ Nhật Bản đã có một bước đi lịch sử trong chính sách của mình khi thay đổi cách diễn giải hiến pháp để dỡ bỏ lệnh cấm quân đội nước này đưa quân chiến đấu ở nước ngoài để bảo vệ đồng minh và các quốc gia có quan hệ hữu nghị.

Bước đột phá về chính sách này được coi là một thắng lợi lớn của Thủ tướng Shinzo Abe, tuy nhiên nó cũng khiến Trung Quốc không ngớt lo lắng, trong bối cảnh Bắc Kinh đang muốn sử dụng sức mạnh để độc chiếm các vùng biển trong khu vực làm ao nhà.

TQ lo lắng khi quân đội Nhật được trao thêm quyền lực - 1

Ông Abe trình bày các phương án điều quân đội bảo vệ đồng minh theo chính sách mới

Sau khi chính sách này được thông qua, quân đội Nhật Bản giờ đây có thể đưa quân để bảo vệ các nước bạn bè bị tấn công, đồng thời họ sẽ có nhiều quyền lực hơn để thực hiện nhiệm vụ trong các “vùng xám” tranh chấp chủ quyền.

Chính sách mới này của Nhật Bản đã khiến Trung Quốc giận dữ, bởi Bắc Kinh coi việc Nhật Bản đưa quân ra nước ngoài có thể ảnh hưởng đến quá trình bành trướng của họ trong khu vực.

Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh tổ chức ngày hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: “Trung Quốc phản đối việc Nhật Bản vẽ ra mối đe dọa từ Trung Quốc để phục vụ cho mục đích chính trị trong nước.”

Mặc dù là nước đang có những hành động hung hăng, ngang ngược gây bất ổn trên Biển Đông và biển Hoa Đông, song Trung Quốc lại “yêu cầu Nhật Bản tôn trọng các quan ngại an ninh chính đáng của các quốc gia láng giềng ở châu Á và giải quyết vấn đề liên quan một cách khôn ngoan”.

Bắc Kinh cho rằng chính Nhật Bản mới là nước đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực chứ không phải là Trung Quốc. Đây là giọng điệu “đổ lỗi” mà Trung Quốc thường áp dụng để ngụy biện cho cách hành xử đơn phương, nguy hiểm, đi ngược lại luật pháp quốc tế của mình trong các vấn đề tranh chấp với láng giềng.

Ông Richard Samuels, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ nhận định: “Sẽ là dễ dàng hơn nếu đối phương tô vẽ Nhật Bản như một con sói đội lốt cừu. Tuy nhiên một đất nước Nhật Bản hùng mạnh không đồng nghĩa với việc họ sẽ trở nên hung hăng.”

TQ lo lắng khi quân đội Nhật được trao thêm quyền lực - 2

Trung Quốc bất an trước viễn cảnh quân đội Nhật Bản có thêm quyền lực

Kể từ năm 1945 đến nay, quân đội Nhật Bản chưa tham gia bất cứ một trận chiến nào. Tuy nhiên các đời chính phủ trước đây đã tìm cách nới lỏng các ràng buộc của hiến pháp để phát triển một lực lượng quân sự có sức mạnh tương đương với quân đội Pháp.

Theo nghị quyết mới được nội các Nhật Bản thông qua, quân đội nước này giờ đây có thể sử dụng vũ lực ở cấp độ cần thiết trong trường hợp một quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Nhật bị tấn công với điều kiện cuộc chiến đó đe dọa đến sự sống còn của Nhật, đến quyền lợi và mạng sống của người Nhật mà không còn cách can thiệp nào khác.

Các cố vấn của ông Abe khẳng định Nhật Bản sẽ không có hành động quân sự bảo vệ một quốc gia bè bạn mà không có sự nhất trí của quốc gia đó.

Động thái này của ông Abe đã nhận được sự hoan nghênh của Mỹ, nước từ lâu đã hối thúc Tokyo đảm nhận vai trò tích cực hơn về an ninh trong khu vực. Những quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc cũng đã hoan nghênh động thái này của Nhật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN