TQ: Làn sóng dùng bạo lực đòi công lý

Vụ đánh bom ở sân bay Bắc Kinh gần đây cho thấy nguy cơ bất ổn xã hội đang ngày càng gia tăng ở Trung Quốc xuất phát từ các vụ khiếu kiện.

Vụ người đàn ông ngồi xe lăn Ký Trung Tinh kích nổ một quả bom ở sân bay quốc tế Bắc Kinh, sân bay đông đúc thứ hai trên thế giới càng thể hiện rõ nguy cơ bất ổn xã hội ngày càng gia tăng từ nỗi thất vọng của người dân về bất công xã hội.

Theo Tân Hoa Xã, Ký Trung Tinh đã kích nổ một quả bom tự tạo bên ngoài lối ra nhà ga sân bay vào ngày 20/7 để thu hút sự chú ý của dư luận tới những nỗi bất hạnh của mình.

Trước đó, Ký Trung Tinh đã từng bị công an thành phố Đông Hoản bắt giữ khi đang hành nghề xe ôm và bị đánh đập thậm tệ khiến ông này liệt và phải ngồi xe lăn suốt 8 năm trời. Sau đó, công an Đông Hoản đã đưa cho ông khoản bồi thường 100.000 nhân dân tệ với điều kiện là không được tiếp tục khiếu kiện.

TQ: Làn sóng dùng bạo lực đòi công lý - 1

Ký Trung Tinh xua tay ra hiệu mọi người tránh xa trước khi kích nổ bom

Tại sân bay Bắc Kinh, sau khi bị nhân viên an ninh ngăn không cho phát truyền đơn kêu gọi dư luận để ý đến đơn khiếu kiện của mình, ông Ký đã kích nổ quả bom “giống như pháo hoa” gây ra màn khói bao phủ nhà ga.

Sau vụ nổ này, Ký Trung Tinh là người duy nhất bị thương vì ông đã xua tay ra hiệu cho những người khác tránh xa trước khi kích nổ. Cánh tay trái của ông Ký đã bị cắt sau khi bị thương trong vụ nổ và ông được công an mang đi. Gia đình ông Ký không biết làm cách nào mà ông này chế được bom và cũng không rõ hiện ông đang ở đâu.

Quan chức sân bay cho biết các hoạt động của sân bay không bị ngừng trệ bởi vụ nổ này, tuy nhiên họ đã tăng cường kiểm tra an ninh và thực hiện các kế hoạch phòng chống cháy nổ ở cả 3 nhà ga sân bay Bắc Kinh.

Năm ngoái sân bay quốc tế Bắc Kinh đón tiếp khoảng 81,9 triệu hành khách, chỉ đứng sau sân bay nhộn nhịp nhất thế giới là Atlanta ở Mỹ.

Tỉ lệ tăng trưởng kinh tế bình quân 10,5% một năm trong 10 năm qua cùng với sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương là những yếu tố góp phần tạo nên mâu thuẫn xã hội ngày càng tăng ở Trung Quốc. Hậu quả là những người gặp phải oan khiên sẽ tìm tới những biện pháp ngày càng manh động hơn ở những khu đô thị lớn hơn để thu hút sự chú ý của dư luận.

Giáo sư Wu Qiang chuyên nghiên cứu về bất ổn xã hội tại Đại học Tsinghua ở Bắc Kinh cho rằng những hành động phản đối kiểu như của Lý Trung Tinh “là hành vi tới ngưỡng của những người dưới đáy xã hội không thể tìm ra công lý. Họ mang những vấn đề của mình tới các thành phố lớn như Bắc Kinh, tới những nơi tập trung đông người, tới những chỗ đảm bảo thu hút sự chú ý lớn hơn của dư luận.”

Hành động của Lý Trung Tinh không phải là cá biệt. Tân Hoa Xã cho biết hồi tháng 6, một người đàn ông bế tắc trong quá trình khiếu kiện đã tẩm xăng tự thiêu và gây ra vụ cháy xe bus khiến 47 người thiệt mạng ở thành phố Hạ Môn.

TQ: Làn sóng dùng bạo lực đòi công lý - 2

Một người đàn ông tự thiêu làm chiếc xe bus cháy rụi ở Hạ Môn

Gần đây, một thợ hàn ở vùng nông thôn tỉnh Thiểm Tây đã bị bắt vì đe dọa đánh bom trụ sở Công an Bắc Kinh sau khi con trai của một ca sỹ quân đội nổi tiếng của nước này được tuyên án không phạm tội trong một vụ hiếp dâm tập thể gây chấn động dư luận Trung Quốc.

Giáo sư Hu Xingdou thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Công nghệ Bắc Kinh cho hay: “Mâu thuẫn xã hội ở cấp cơ sở đã đạt tới mức độ cao chưa từng thấy vì các quan chức bao che lẫn nhau, trong khi hệ thống khiếu kiện lại có rất nhiều vấn đề.” Theo giáo sư Hu, Lý Trung Tinh chọ sân bay quốc tế Bắc Kinh để gây nổ vì ông ta muốn trả thù xã hội và được chú ý rộng rãi hơn.

Khiếu kiện là hình thức có từ thời phong kiến ở Trung Quốc, trong đó người dân có thể nộp đơn khiếu nại của mình lên các quan chức địa phương hoặc đưa thẳng trực tiếp tới thủ đô.

Năm 2010, nhà xã hội học Sun Liping ở Đại học Tsinghua viết một báo cáo cho biết con số những sự kiện tụ tập đông người như đình công, bạo loạn, biểu tình và các vụ gây rối trật tự xã hội khác đã tăng gấp đôi lên đến 180.000 vụ một năm từ năm 2006 đến 2010.

Năm 2008, một người đàn ông thất nghiệp đã đâm 5 cảnh sát đến chết và làm bị thương 4 cảnh sát khác tại một đồn công an ở Thượng Hải nhằm trả thù vì bị nghi là thủ phạm ăn cắp xe đạp.

Chính phủ Trung Quốc đang chi nhiều tiền hơn cho lực lượng công an với ngân sách dành cho an ninh nội địa trong năm nay đã tăng 8,7% lên mức 125 tỉ USD. Chi tiêu dành cho an ninh nội địa của Trung Quốc đã vượt chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc kể từ năm 2010.

Sau vụ nổ do Ký Trung Tinh gây ra, hàng ngàn cư dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ sự thông cảm đối với ông này trên các mạng xã hội, đồng thời lên tiếng về tình trạng bất công xã hội. Vụ việc này diễn ra chỉ vài ngày sau khi một người bán dưa hấu ở tỉnh Hà Nam thiệt mạng sau khi bị các nhân viên quản lý đô thị đánh đập dã man.

Giáo sư Wu Qiang nhận định: “Đây là cơ hội lớn cho chính phủ Trung Quốc không chỉ để xử lý các vụ việc riêng lẻ mà còn để xây dựng một giải pháp an ninh công cộng tổng thể cho nhân dân, những người đang ngày càng tỏ ra lo lắng hơn.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Bloomberg) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN