TQ: Không cho phép chiến tranh ở Triều Tiên
Sau vụ xử tử Jang Song-taek, Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận bất kỳ sự bất ổn hay chiến tranh nào nổ ra ở Triều Tiên.
Mới đây, Trung Quốc đã phát đi một thông điệp cảnh báo nhằm vào chính sách lãnh đạo và tham vọng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên khi tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận xảy ra chiến tranh hay bất ổn trên bán đảo Triều Tiên.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố trên được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lưu Chấn Dân đưa ra khi ông này có có chuyến công du Triều Tiên bốn ngày từ hôm Thứ Hai để hội kiến với các quan chức ngoại giao cao cấp của Bình Nhưỡng như Bộ Trưởng Ngoại giao Pak Ui-chun và Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Ri Yong-ho.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân
Ông Lưu Chấn Dân là quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc đến thăm Triều Tiên kể từ sau cuộc thanh trừng người chú quyền lực Jang Song-taek của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hai tháng trước. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai quan điểm của mình về vấn đề Triều Tiên. Đồng thời cũng hiếm khi Trung Quốc tiết lộ nội dung chi tiết các chuyến công du tới Triều Tiên trước khi kết thúc.
Qua lời của Thứ trưởng Lưu Chấn Dân có thể thấy, Trung Quốc nhất quán với mục tiêu phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, duy trì hòa bình và ổn định đồng thời giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán. Trung Quốc sẽ không chấp nhận xảy ra chiến tranh hoặc bất ổn tại khu vực này.
Cũng theo công bố trên, Ông Lưu cũng hối thúc "tất cả các bên" cần nỗ lực "tạo điều kiện để sớm nối lại các vòng đàm phán sáu bên" nhằm mục đích chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Cuộc đàm phán sáu bên bao gồm hai nước trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga được khởi động từ cuối năm 2008. Tuy nhiên, vào tháng Hai vừa qua Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt lần thứ ba cũng là vụ thử lớn nhất từ trước đến nay khiến cho LHQ phải mạnh tay xiết chặt lệnh trừng phạt kinh tế và quân sự đối với nước này.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
Trong một động thái khác, một quan chức dấu tên của chính phủ Hàn Quốc cho hay ngay sau khi đến Triều Tiên ông Lưu sẽ trở lại Bắc Kinh sang thăm Seoul vào thứ Năm tới.
Trong thời gian ba ngày tại Hàn Quốc, dự kiến ông Lưu sẽ có các cuộc hội đàm với người đồng cấp Lee Kyung-soo và Trưởng đoàn đàm phán sáu bên của Hàn Quốc Cho Tea-yong và các quan chức cao cấp khác. Chuyến thăm này được kỳ vọng cũng sẽ chuyển tải thông điệp từ Bình Nhưỡng liên quan đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và mối quan hệ Liên Triều.
Cuộc viếng thăm Triều Tiên diễn ra sau các cuộc gặp gỡ của Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Chủ đề của các cuộc gặp này cũng xoay quanh Triều Tiên và chương trình hạt nhân của nước này.
Ông Kerry đã phát biểu trước các phóng viên tại Bắc Kinh rằng ông "khuyến khích Trung Quốc áp dụng mọi biện pháp" để hiện thực hóa mục tiêu phi hạt nhân CHDCND Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Khi được hỏi về cam kết cụ thể từ phía Trung Quốc buộc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân, ông Kerry cho biết "Trung Quốc đã khẳng định rõ rằng nếu Triều Tiên không tuân thủ và trở lại bàn đàm phán, thực sự nghiêm túc và chấm dứt các chương trình hạt nhân, nước này sẽ có những hành động tiếp theo nhằm đảm bảo chính sách của mình được thực thi".
Trung Quốc hiện đang yêu cầu Mỹ và các nước khác nối lại đàm phán 6 bên, nhưng phía Hàn Quốc và Mỹ kiên quyết yêu cầu Triều Triên phải chứng minh tính minh bạch trong việc phi hạt nhân bằng hành động.
Việc tử hình người chú đầy quyền lực Jang Song-taek của nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 13/12 đã dấy lên mối quan ngại về sự bất ổn tiềm tàng trong hai năm lãnh đạo của ông Kim. Sự kiện này cũng làm giảm các nỗ lực ngoại giao trong việc mở lại các cuộc đàm phán sáu bên.
"Cuộc lật đổ" Jang Song-taek đã đánh dấu bước ngoặt chính trị lớn nhất kể từ cuối năm 2011 sau khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un tiếp quản quyền lực của người cha quá cố Kim Jong-Il.
Trung Quốc, một đồng minh quan trọng và đối tác kinh tế sống còn của Triều Tiên, đã bị đẩy và tình thế hết sức nhạy cảm vì Jang được coi là người ủng hộ các cải cách theo kiểu Trung Quốc nhằm khôi phục nền kinh tế đã suy kiệt và đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các dự án kinh tế với Bắc Kinh.