TQ: Đòi trả lương bằng cách… nhảy lầu

Vào lúc tưởng chừng không có lối thoát, Zhang leo lên nóc nhà 30 tầng để nhảy xuống Không ngờ đó lại là cách giúp anh chấm dứt được 3 năm chạy vạy. Từ đó, anh giúp đỡ rất nhiều người sa vào cảnh giống mình.

Đằng sau nhiều cuộc biểu tình đòi nợ lương của công nhân là một quân sư biết áp dụng đủ chiêu để khiến chủ thuê lao động buộc phải trả tiền. Zhang Hejin, 32 tuổi, ở tỉnh Hồ Bắc, là một người như vậy. Từ năm 2008, Zhang dành phần lớn thời gian của mình để giúp công nhân đòi lương bị nợ mà anh không đòi hỏi một đồng tiền thù lao nào.

Dù suốt 5 năm qua đã thành công nhiều lần nhưng Zhang nói rằng anh không cảm thấy thoả mãn hay tự hào, mà ngày càng cảm thấy mệt mỏi.

TQ: Đòi trả lương bằng cách… nhảy lầu - 1

Hàng chục đứa trẻ đang biểu tình đòi chủ đầu tư một dự án du lịch ở tỉnh Vân Nam trả lương quá hạn cho bố mẹ chúng

“Công việc ngày càng trở nên khó khăn hơn. Các chiến lược cũ không còn hiệu quả nữa. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy bó tay”, Zhang cho biết. Hiện anh đang giúp 30 công nhân làm ở TP. Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hồ Bắc, đòi lương.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Zhang bỏ học khi 14 tuổi và đến Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, để làm thuê từ năm 1995.

Năm 2004, anh tập hợp 15 người lao động ở quê mình lên làm cho một nhà thầu họ Mã. 2 năm sau, khi dự án đã hoàn thành, Mã biến mất, cuỗm theo 340.000 tệ (khoảng 1,1 tỷ đồng) tiền lương nợ, trong đó 30.000 tệ là tiền của nhóm Zhang.

“Những ngày sau đó, tôi cố tìm mọi cách để đòi lại khoản tiền, nhưng bị nhiều văn phòng tống cổ ra ngoài”, Zhang nhớ lại. Công ty xây dựng nói rằng đã trả lương cho Ma. Cơ quan quản lý lao động khuyên anh nên kiện, nhưng toà án đòi phí 1.000 tệ mới thụ lý. Zhang tìm đến báo địa phương, nhưng họ từ chối vì có quá nhiều trường hợp tương tự như thế.

Cuối năm 2007, Zhang nghe tin một công nhân anh thuê đã về tận quê để đòi bố mẹ anh trả lương. Bố của anh ta bị liệt sau nhiều lần đột quỵ, còn vợ anh ta bỏ đi cùng con gái.

“Cuộc sống lúc đó thật vô vọng. Tôi không còn cách nào khác là phải kết thúc đời mình”, Zhang kể lại.

Sáng hôm sau, thời tiết cực kỳ lạnh giá, Zhang đứng trên nóc toà nhà 30 tầng trong thành phố. Trong túi anh là tờ giấy nợ, một bài báo về chiến dịch đòi lương nợ ở Vũ Hán, và một tờ giấy trăng trối.

Thế rồi, cảnh sát và một phóng viên có mặt tại hiện trường, cùng với một số quan chức của cơ quan quản lý lao động. Sau 3 giờ thương lượng, công ty xây dựng đồng ý bù khoản lương đã biến mất.

“Mọi thứ tôi đấu tranh trong suốt 2 năm đã được giải quyết trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Và tôi nhận ra rằng việc doạ nhảy lầu cũng là cách nhanh để đòi lương nợ. Đó là cách không tốn kém mà lại hiệu quả”, Zhang kể.

Từ đó trở đi, anh bắt đầu nghĩ cách giúp những người khác đòi tiền lương. Dần dần, anh được nhiều công nhân biết đến và nhờ giúp đỡ.

Giúp người, không giúp được mình

"Yếu tố đầu tiên để thành công là phải thu hút được sự chú ý rộng rãi. Báo chí là công cụ số một”, Zhang nói.

Qua kinh nghiệm có được, Zhang khuyên nhiều người doạ tự tử để đòi các công ty phải trả lương. Và cách này nhiều lần đã thành công.

Tuy nhiên, năm 2009, kế sách này đã không tạo được hiệu quả như mong muốn, trong khi cơn gió quá mạnh đe doạ tính mạng của những người đứng trên nóc nhà. Zhang biết rằng đã đến lúc phải thay đổi chiến thuật.

TQ: Đòi trả lương bằng cách… nhảy lầu - 2

Một công nhân đang ngồi trên tháp công trình xây dựng ở tỉnh Hà Nam để đòi chủ lao động trả lương

“Nếu có thể nhờ đến luật pháp thì chúng tôi đã không phải dùng những cách cực đoan đến thế”, Zhang tâm sự.

Anh ước tính trong vài năm qua anh đã giúp ít nhất 1.000 người đòi được hơn 7 triệu tệ tiền lương bị nợ. Zhang phải sử dụng nhiều kế sách khác, như khuyên công nhân ngồi lỳ trong phòng làm việc của ông chủ, hoặc cứ nhằng nhẵng bám theo họ cho đến khi đòi được tiền mới thôi.

Dù thế, Zhang cho biết anh lại không giúp được chính gia đình mình. Anh không hề đòi xu nào, thậm chí cả tiền đi lại, sau khi giúp những công nhân vốn không khá giả gì. Thu nhập khiêm tốn từ nghề phụ bán hàng và thỉnh thoảng là công nhân xây dựng không giúp anh có nhiều để chu cấp cho gia đình.

Vì thế, năm 2009, vợ Zhang li dị anh, mang theo cô con gái năm nay 7 tuổi. Bố mẹ và anh em của anh đều khuyên anh thôi công việc “vác tù và hàng tổng”, nhưng không anh không từ bỏ, ngay cả khi anh nhận được những cuộc gọi doạ cắt chân tay nếu không thôi nhúng mũi.

Những ngày này, điện thoại của Zhang bận rộn hơn bình thường. Số vụ nợ lương ngày càng nhiều dù ngày tết truyền thống đã cận kề. Công nhân từ quê ra thành phố cần tiền để về quê sum họp với gia đình sau cả năm dành dụm.

"Đôi khi, tôi thực sự muốn tắt điện thoại. Trình độ của tôi rất thấp và tôi không có quyền lực. Họ mong đợi quá nhiều từ tôi”. Zhang cho biết anh muốn từ bỏ và tìm một công việc ổn định, nhưng mỗi lần nhận được điện thoại từ công nhân nào đó, anh lại không nỡ lòng làm ngơ.

TQ: Đòi trả lương bằng cách… nhảy lầu - 3

Zhang Hejin đã giúp được hàng nghìn người lao động đòi lại lương nợ quá dai

“Thật khó nói không. Tôi hiểu nỗi tuyệt vọng và khổ sở mà họ trải qua”, Zhang nói về lý do khiến anh vẫn còn phải tiếp tục giúp đỡ người khác.

Vì không thể giúp tất cả những người tìm đến mình, Zhang đăng những câu chuyện của mình lên mạng xã hội Sina Weibo, kèm theo thông tin liên lạc, nhằm thu hút được sự chú ý của báo chí và chính quyền.

Từ năm 2011, việc cố tình nợ lương của công nhân bị coi là tội hình sự, với chế tài lên tới 7 năm tù giam. Toà án tối cao Trung Quốc gần đây cho biết khoảng 120 người đã bị khép vào tội này.

“Chính sách nghe thì rất tốt, nhưng việc áp dụng và thực hiện thì không hiệu quả vì số lượng người vi phạm nhiều hơn mấy lần số người bị kết tội”, Zhang nhận xét.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (theo Global Times) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN