TQ: Dành cả đời cứu người tự tử
Suốt 10 năm qua, người đàn ông này dành tất cả thời gian cuối tuần và ngày lễ, bất kể trời nắng mưa, để cứu những người định nhảy cầu tự tử. Đến nay ông đã cứu được 200 người.
Những ai có cơ hội đi qua cây cầu bắc qua sông Dương Tử đoạn chảy qua TP. Nam Kinh rất dễ bắt gặp một người đàn ông trung niên bước qua bước lại trên cầu.
Sự việc một người họ hàng tự tử đã khiến ông Chen tình nguyện làm công việc cứu mạng những tâm hồn tuyệt vọng.
“Tôi băn khoăn rằng tại sao mọi người lại phải tự kết liễu đời mình? Nếu ai đó cầm tay họ vào thời điểm tuyệt vọng thì họ sẽ không muốn gieo mình nữa”, ông Chen, người đang làm việc tại một công ty hậu cần ở Nam Kinh, nói.
Ông Chen dành tất cả ngày nghỉ và cuối tuần để túc trực cứu người định nhảy cầu tự tử
Ông Chen, năm nay 46 tuổi, chấp nhận hy sinh nhiều thứ để làm nhiệm vụ canh người tự tử. Với mức lương 3.000 NDT (hơn 10 triệu đồng), nhưng đến nay ông Chen đã chi hơn 130.000 NDT (hơn 440 triệu đồng) để duy trì nơi ở tạm cho những người cứu được. Không chỉ thế, ông Chen và các tình nguyện viên còn tư vấn tâm lý miễn phí cho những người này.
Dù nhận được tài trợ để duy trì công việc nhân văn này, nhưng ông Chen vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính, không dám cho con học lớp đặc biệt vì học phí quá cao. Dẫu vậy, người đàn ông này nói rằng sẽ không từ bỏ công việc cứu giúp người tự tử trên cầu.
Ông Chen sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Giang Tô. Đang học trung học thì ông bỏ dở và đến Nam Kinh làm việc khi chưa đủ tuổi trưởng thành. Ông sống trong cảnh nghèo túng trong thời gian dài, thậm chí có lúc phải ngủ dưới chân cầu vượt.
Cuối cùng, những năm 1990, ông mở quầy hàng bán hoa quả và mọi thứ dần trở nên tốt đẹp hơn. Vào một ngày của năm 2000, đang lái xe chở hoa quả qua cầu thì Chen gặp một cô gái độ tuổi 20. Cô gái trong vẻ tuyệt vọng đột nhiên nhảy qua lan can cầu. Nhận ra rằng cô gái muốn tự, Chen nhanh chóng xuống xe và chạy đến níu cô gái lại.
“Phản ứng đó rất tự nhiên”, Chen chia sẻ.
Sự việc đó khiến Chen không thể nào quên. Vài năm sau, chính một người họ hàng của ông đã tự vẫn vì các con trai đổ cho nhau trách nhiệm trông nom bố.
“Cuộc sống quá mong manh. Nếu một trong các con trai của bác ấy thể hiện một chút hiếu thảo thì bác ấy đã không kết liễu đời mình như thế”, Chen tâm sự.
Sau việc này, Chen quyết định làm việc túc trực để phát hiện và cứu người tự tử. Đọc trên báo, Chen biết rằng cây cầu bắc qua sông Dương Tử ở Nam Kinh là địa điểm từng xảy ra 2.000 vụ tự sát.
Chen duy trì một nhật ký trực tuyến ghi lại các trường hợp đã gặp trên cầu. Lý do tự tử rất đa dạng, như thất tình, mất sạch tiền tiết kiệm hay làm ăn thất bát.
Day dứt vì cứu nhưng không thể giúp
Ông Chen nhớ lại trường hợp một công nhân nhập cư họ Shi định nhảy cầu tự tử vì ngập trong đống nợ nần vì chữa bệnh bạch cầu cho con. Dù được Chen cứu, nhưng ông bố này vẫn sống trong sợ hãi vì sợ chủ nợ đến đòi, nên Chen phải nghĩ cách tiếp tục giúp đỡ.
“Tôi cứu mạng họ. Nhưng tôi không có khả năng giải quyết vấn đề của họ. Sau đó họ vẫn phải sống trong cảnh khổ sở mà tôi không giúp gì được. Đối với một số người, sống cũng không tốt hơn chết”, Chen tâm sự.
Cây cầu này là nơi rất nhiều người chọn để kết liễu đời mình
Không chỉ cứu người lúc sắp nhảy cầu, Chen còn muốn “giúp họ lấy lại niềm tin trong cuộc sống và tiếp tục hy vọng. Chỉ khi đó họ mới có thể tiếp tục sống”.
Mỗi năm Chen chi 10.000 NDT (gần 34 triệu đồng) để thuê căn nhà gần cầu và coi đây là “trạm dừng chân cho những tâm hồn muốn nghỉ ngơi”. Những người được mời đến đây có thể ở bao lâu họ muốn.
“Tôi đưa họ về đây và bảo họ chia sẻ câu chuyện khiến họ tuyệt vọng. Việc này giống như kết bạn. Chỉ khi họ tin tưởng tôi thì mới chịu chia sẻ nỗi đau khổ”, Chen nói.
Người đàn ông này dành thời gian rảnh rỗi để đọc sách tâm lý để biết cách tư vấn. Đôi khi, ông đưa cả người được ông cứu lên cầu cứu người khác.
Chen nói rằng niềm vui lớn nhất của ông là nghe tin tốt lành về những người mình từng cứu.
Tháng 4 và tháng 10 là thời gian có nhiều người tự tử nhất. Nhiều lúc căn nhà mà ông thuê có 4 người ở cùng lúc.
“Tôi ngưỡng mộ công việc mà ông ấy đang theo đuổi, nhưng ông ấy không thể làm một mình. Mọi người cũng nên tham gia để giúp người tự tử”, tình nguyện viên Cheng Yunlin nói.
Chen hy vọng trong tương lai chính quyền địa phương và cư dân mạng sẽ chung tay giúp đỡ người tự tử.
Trung Quốc mỗi năm có hơn 250.000 người tự tử, chưa kể 2 triệu người cố gắng tự kết liễu đời mình nhưng không thành, số liệu của Trung tâm phòng chống bệnh tật quốc gia cho biết.