TQ: Dân khốn khổ vì không khí ô nhiễm
Nhiều cha mẹ ở Bắc Kinh cấm con cái ra ngoài, trường học hủy bỏ hoạt động ngoài trời để tránh cho trẻ hít không khí bẩn. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng để phụ huynh chọn trường cho con là hệ thống lọc không khí.
Từ năm ngoái, cậu bé 3 tuổi Hiểu Thiên bị ho mãn tính và rất hay ngạt mũi. Bệnh tình của cậu trở nên trầm trọng hơn từ mùa đông qua khi sương mù ở miền Bắc Trung Quốc phủ dày đặc. Giờ đây, ngày nào cậu cũng phải vệ sinh mũi bằng nước muối.
Mẹ của bé, chị Zhang Zixuan, cho biết chị không cho phép con ra ngoài. Bản thân chị mỗi khi ra ngoài cũng luôn đeo khẩu trang. Sự khác biệt về môi trường giữa nước Anh, nơi chị từng theo học, và Trung Quốc giống như “thiên đàng và địa ngục”, Zhang Zixuan nhận xét.
Nồng độ các chất ô nhiễm gây chết người đã tăng lên 40 lần so với giới hạn được chỉ định ở Bắc Kinh cũng như ở các thành phố khác. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh có những thói quen đặc trưng của “thời ô nhiễm” đối với con cái họ.
Họ thường nhốt con cái ở nhà, thậm chí không dám cho chúng tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa. Nhiều trường học hủy bỏ các hoạt động ngoài trời cũng như những chuyến đi thực địa. Giờ đây, một trong những tiêu chuẩn quan trọng để phụ huynh chọn trường cho con mình là hệ thống lọc không khí của trường đó. Chính vì thế, một số trường quốc tế đã xây các mái vòm khổng lồ cho khu vực thể thao nhằm đảm bảo không khí trong lành cho học sinh.
Ngô Hiểu Thiên, 4 tuổi, gặp nhiều vấn đề trong vấn đề hô hấp vì liên quan tới ô nhiễm môi trường nên luôn luôn phải mang khẩu trang.
“Tôi hy vọng trong tương lai có thể di cư ra nước ngoài, nếu không chúng tôi ngạt thở tới chết mất”, Zhang giãi bày trong khi cậu con trai ốm yếu phải chơi quanh quẩn trong nhà, bên cạnh máy lọc không khí mới mua.
Nữ luật sư này không phải là người duy nhất tìm kiếm con đường xuất ngoại. Nhiều gia đình trung bình hoặc thượng lưu ở Trung Quốc bắt đầu rời khỏi đất nước. Xu hướng này có thể dẫn tới nguy cơ “chảy máu chất xám” khi các nhân sự tài năng và kinh nghiệm ra đi. Mặt khác, người nước ngoài cũng e ngại và đòi lương rất cao khi làm việc ở Trung Quốc vì lý do môi trường ô nhiễm.
Khốn khổ vì môi trường bẩn
Chưa có con số thống kê chính thức về số muốn chuyển đi vì ô nhiễm, nhưng chuyển đi khỏi thủ đô đang là đề tài nóng trên các diễn đàn dành cho bậc làm cha mẹ. Vào kỳ nghỉ, người Trung Quốc cũng luôn quan tâm tới các điểm đến có môi trường trong sạch như Tây Tạng, Hải Nam và Phúc Kiến.
“Tôi đã làm việc tại đây 6 năm và chưa bao giờ thấy tình trạng báo động như bây giờ. Thậm chí tôi cũng chưa bao giờ lo âu tới mức như thế. Thật là một điều tồi tệ”, TS. Richard Saint Cyr, một người vừa lên chức bố và là bác sỹ tại bệnh viện Beijing United Family nói. “Nhiều bà mẹ đang quá chán ngán với việc nuôi và giữ con ở trong nhà”.
Trong quá trình phát triển đất nước, nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã làm xói mòn lòng tin của người dân khi không làm được gì mấy trong việc hạn chế hàng loạt mối đe dọa đối với sức khỏe và sự an toàn cho trẻ em. Năm 2008, người dân cả nước này đã vô cùng giận dữ khi có hơn 5.000 trẻ em thiệt mạng vì các trường học bị sập trong một cơn động đất. Cùng với đó là vụ hàng trăm ngàn người bị ốm, 6 trẻ sơ sinh tử vong vì bê bối liên quan tới sữa bột nhiễm độc. Quan chức đã cố gắng ngăn chặn những người giận dữ, đôi khi phải dùng tới vũ lực.
Ngô Hiểu Thiên phải vệ sinh xoang mũi mỗi tối bằng máy bơm nước muối trong phòng của bé ở Bắc Kinh.
“Tôi không tin vào những biện pháp chống ô nhiễm của chính phủ”, ông Zhang Xiaochuan, quản lý của một tờ báo nhận xét.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy những lo ngại về thiệt hại lâu dài cho trẻ em và thai nhi vì môi trường ô nhiễm. Nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Y học New England nói rằng trẻ em tiếp xúc với môi trường ô nhiễm cao có thể bị thương tổn phổi vĩnh viễn.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học California (Mỹ) công bố tháng trước chỉ ra rằng phụ nữ mang thai tiếp xúc nhiều với môi trường ô nhiễm sẽ có nguy cơ sinh ra con bị trầm cảm, lo lắng cao. Một vài nghiên cứu khác tại Trung Quốc cũng cho kết quả tương tự: trẻ em từ lúc trong bụng mẹ đã tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí thải ra từ nhà máy đốt than thì khi sinh ra sẽ có đầu nhỏ hơn bình thường, tốc độ phát triển chậm hơn và nhận thức kém hơn.
Theo báo cáo của ngân hàng Deutsche tháng 2 vừa qua, xu hướng sử dụng than đá hiện nay cùng với khí thải ô tô sẽ khiến tình trạng ô nhiễm trầm trọng tới mức 70% vào năm 2025.
Số lượng lớn bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp trong mùa đông năm nay tăng vọt trước tình trạng ô nhiễm báo động. Theo hãng tin Tân Hoa Xã, chỉ riêng trong 1 tuần của tháng Giêng, bệnh viện nhi đồng ở Bắc Kinh đã tiếp nhận tới 9.000 bệnh nhân cấp cứu mỗi ngày, một nửa trong số đó mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp.
Mua máy lọc không khí để tự cứu mình
Lo lắng cho sức khỏe của con mình, nhiều bậc phụ huynh phải xếp hàng mua được máy lọc không khí dùng cho gia đình. Sản phẩm của hãng máy lọc không khí Thụy Sĩ IQAir có giá lên tới 3.000 USD, nhưng công ty cho biết doanh số bán hàng của hãng tăng gấp ba lần trong 3 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm ngoái.
Học sinh trường quốc tế Bắc Kinh phải chơi trong mái vòm có hệ thống lọc không khí để tránh ô nhiễm.
Khẩu trang giờ đây trở thành một phần không thể thiếu của trang phục đô thị. Chị Zhang mang ra một tá khẩu trang và chọn chiếc có hình con gấu cho cậu con trai Hiểu Thiên. Trường mẫu giáo của Hiểu Thiên gần đây kế hoạch đưa học sinh đi trại ngoài trời trong 1 tuần nhưng giờ đã phải hủy.
Tại ngôi trường phổ thông thuộc top 4 của Bắc Kinh, nơi nhiều nhà lãnh đạo và con cháu họ theo học, các tiết giáo dục thể chất đã bị hủy vì chỉ số ô nhiễm cao.
“Tôi chờ đợi và sẽ trân trọng như báu vật những ngày thời tiết đẹp với bầu trời xanh, không khí trong lành. Tôi sẽ thường xuyên ra ngoài và tập thể dục”, Dong Yifu, một học sinh cấp 3 sắp sang học tại ĐH Yale (Mỹ), cho biết.
Những ngôi trường cao cấp đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng để duy trì hoạt động ngoài trời cho học sinh. Trường cao đẳng Dulwich Bắc Kinh và Trường quốc tế Bắc Kinh vừa khánh thành 2 mái vòm lớn cho khu vực thể dục thể thao.
Nhà văn người Mỹ đang sống ở Trung Quốc Tara Duffy cho biết chị đã chọn một trường mẫu giáo có máy lọc không khí để gửi con mình ở đó. Ngôi trường này thường mời chuyên gia đến đánh giá tình trạng ô nhiễm. “Trong 6 tháng qua, có rất nhiều ngày “cờ đỏ”, nghĩa là các em học sinh phải ở trong trường không được ra ngoài trời”, bà Duffy cho biết.
Nhà văn này cũng hằng ngày kiểm tra chất lượng không khí để quyết định có nên đưa con gái ra ngoài chơi hay chỉ được ở trong nhà.
Cuối cùng, sau 9 năm tại đây, chị Duffy cũng quyết định rời Trung Quốc vì những vấn đề về môi trường và giao thông.
Đây cũng là vấn đề luôn được cân nhắc đối với người nước ngoài ở Bắc Kinh, thậm chí là với người có ý định tới Trung Quốc làm việc.
James McGregor, cố vấn cao cấp của công ty tư vấn APCO Worldwide tại văn phòng Bắc Kinh cho biết, một nhà ngoại giao Mỹ còn rất trẻ đã bỏ vị trí công việc ở Bắc Kinh vì lý do môi trường, cho dù nếu tiếp tục làm việc anh sẽ được cộng thêm 15% phụ cấp vì làm trong môi trường ô nhiễm.