TQ chế tạo “siêu tăng” ưu việt hơn cả T-14 Armata?
NCIG “nổ” rằng chiếc xe tăng VT-4 của họ có khả năng cơ động, kiểm soát hỏa lực và tự động hóa “ăn đứt” siêu tăng T-14 Armata của Nga.
Mới đây, tờ China Daily của Trung Quốc đưa tin Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Hoa (NCIG), nhà sản xuất và phát triển vũ khí bộ binh lớn nhất nước này, đang tích cực phát triển và quảng bá một mẫu xe tăng mới được cho là ưu việt hơn cả siêu tăng T-14 Armata của Nga.
Trong sự kiện quảng bá tiếp thị Norinco diễn ra hồi đầu tháng, tập đoàn này tuyên bố rằng mẫu tăng mới mang tên VT-4 do họ nghiên cứu, sản xuất sẽ có khả năng cơ động, tự động hóa và hệ thống điều khiển vũ khí vượt trội hơn cả chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất của Nga hiện nay là T-14 Armata.
NCIG cho hay các công nghệ mà họ áp dụng trên mẫu tăng VT-4 có độ tin cậy cao hơn rất nhiều so với tăng Armata. Tập đoàn này cho rằng “xe tăng T-14 Armata không được phát triển tốt, và minh chứng là việc một xe tăng T-14 đã bị chết máy trong lúc tổng duyệt cho lễ duyệt binh hôm 9.5 vừa qua”.
NCIG khoe rằng kể từ khi được phát triển đến nay, mẫu tăng VT-4 của họ chưa bao giờ gặp một sự cố tương tự. Ngoài ra, họ còn quảng bá rằng “tăng VT-4 được trang bị các hệ thống kiểm soát hỏa lực đẳng cấp thế giới mà người Nga vẫn đang cố để có thể bắt kịp”.
Một yếu tố nữa mà NCIG cho rằng sẽ giúp VT-4 vượt mặt được siêu tăng Armata là giá thành. Tập đoàn này viết: “Một vấn đề quan trọng nữa là giá cả - T-14 có mức giá còn cao hơn cả xe tăng M1A2 Abram của Mỹ. Vậy tại sao không mua xe tăng Trung Quốc được trang bị những công nghệ và thiết bị hiện đại nhưng có mức giá thấp hơn nhiều”.
Theo NCIG, mức giá “rẻ giật mình” mà họ đưa ra cho mẫu tăng VT-4 là nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của quân đội các nước đang phát triển, thị trường chính mà họ đang nhắm đến.
Cũng theo NCIG, trong khi Nga hiện nay chỉ xuất khẩu một mẫu tăng là T-90 thì Trung Quốc lại có rất nhiều lựa chọn cho các khách hàng tiềm năng, từ mẫu tăng cấp thấp như VT-2 cho đến hàng trung cấp như VT-1 và hàng cao cấp VT-4, đáp ứng gần như đầy đủ yêu cầu của khách hàng.
Ông Feng Yibai, người thiết kế mẫu tăng VT-4 khoe: “Xe tăng VT-4 được trang bị các công nghệ tác chiến xe tăng mới nhất trên thế giới và có thể sánh ngang với bất cứ mẫu tăng chiến đấu chủ lực thế hệ ba hiện đại nào, như M1A2 của Mỹ hay Leopard 2A6 của Đức.”
Theo China Daily, khẩu pháo nòng trơn 125mm được trang bị trên xe tăng VT-4 có thể bắn được nhiều loại đạn khác nhau, từ đạn động năng xuyên giáp KE cho tới đạn nổ chống tăng. Nó có thể bắn các tên lửa chống tăng có tầm bắn tối đa tới 5.000 mét.
Trong đoạn quảng cáo của NCIG, VT-4 còn được trang bị một hệ thống kiểm soát bắn tiên tiến, một hệ thống phòng thủ chủ động kiểu mới, cùng bộ truyền động hoàn toàn tự động. Trong tác chiến, hệ thống mạng tích hợp trên chiếc xe tăng này được kết nối với các xe tăng và xe bọc thép khác, giúp các đơn vị thiết giáp có thể chia sẻ thông tin trên chiến trường theo thời gian thực.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia phân tích vũ khí nhận định rằng đây chỉ là một chiêu trò quảng cáo của NCIG, và những phép so sánh mà họ đưa ra giữa VT-4 với siêu tăng Armata là “vô nghĩa và ngớ ngẩn”.
Theo đó, xe tăng VT-4 hiện vẫn chưa được đưa vào sản xuất hàng loạt và chưa trải qua những bài kiểm tra khắc nghiệt, nên chưa thể đánh giá được về tính ưu việt trong hệ thống kiểm soát vũ khí, cơ động và tự động hóa của nó so với siêu tăng Armata.
Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn phải dựa dẫm rất nhiều vào các công nghệ và hiểu biết của người Nga để chế tạo xe tăng. Trong khi siêu tăng Armata thể hiện bước đột phá rõ ràng về thiết kế so với các mẫu tăng truyền thống thì VT-4 của Trung Quốc trông chẳng khác gì một chiếc T-90 cải tiến, nên khó có thể tin được vào những lời quảng cáo của NCIG.
Theo Cơ quan Đăng ký Vũ khí Thông thường của Liên Hợp Quốc, từ năm 1992 đến 2013, Trung Quốc đã xuất khẩu được 461 xe tăng các loại, trong khi Nga đã bán hơn 1.297 xe tăng trong cùng thời kỳ. Hiện Mỹ là nước xuất khẩu xe tăng hàng đầu thế giới, với 5.511 chiếc xe tăng được bán ra thị trường quốc tế trong giai đoạn trên.