TQ bộc lộ chiến lược thâm hiểm mới ở Shangri-La
Những lời lẽ đầy thù địch của viên tướng tuyên truyền Trung Quốc tại Shangri-La có thể là con dao hai lưỡi khiến Trung Quốc bị cô lập hơn trên trường quốc tế.
Trong thời điểm gần kết thúc diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 vừa được tổ chức tại Singapore, một chuyên gia tuyên truyền hàng đầu của quân đội Trung Quốc đã tận dụng cơ hội được phát biểu sau cùng để lên tiếng “cãi” lại những lời chỉ trích của Nhật Bản và Mỹ mà ông này cho là “đầy giọng điệu của chủ nghĩa bá quyền”.
Trong khi Mỹ cử Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cùng nhiều vị tướng cấp cao, còn Nhật Bản có đích thân Thủ tướng Shinzo Abe và ngoại trưởng tới tham dự diễn đàn, Trung Quốc không hề cho các lãnh đạo cao nhất của Bộ Quốc phòng tới dự.
Thay vào đó, họ lại rất khôn ngoan khi cử một đoàn đại biểu gồm toàn các học giả, quan chức giỏi tiếng Anh và dày dạn kinh nghiệm trong tuyên truyền quốc tế do trung tướng Vương Quán Trung, một quân cờ tuyên truyền chiến lược lão luyện của quân đội Trung Quốc dẫn đầu.
Vương Quán Trung đã có bài phát biểu "gây sốc" tại Shangri-La
Sự xuất hiện của tướng Vương, người từng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền của Tổng cục Chính trị quân đội Trung Quốc và hiện là “một trong những vũ khí tâm lý chiến xuất sắc nhất của quân đội” nước này (theo nhà phân tích quân sự Mark Stokes) đã làm lộ rõ một trong những đòn miếng chiến lược của Trung Quốc trong nỗ lực làm thay đổi hiện trạng chủ quyền trên biển, đó chính là chiến tranh chính trị.
"Vương Quán Trung là một trong những vũ khí tâm lý chiến xuất sắc nhất của quân đội Trung Quốc." Chuyên gia phân tích Mark Stokes |
Trong bài phát biểu trước diễn đàn, Vương Quán Trung đột nhiên ngừng đọc văn bản và quay sang “nói vo” với những lời lẽ vô cùng hung hăng, ngông cuồng để phản bác những lời chỉ trích của Mỹ và Nhật. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng những lời phát biểu này của ông Vương nhiều khả năng cũng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước chứ không phải “nói suông”.
Trong những tuyên bố của ông Vương có đoạn: “Bài phát biểu của Bộ trưởng Hagel đầy những lời lẽ đe dọa và áp bức.” Ngoài ra, ông Vương còn dùng những ngôn từ đao to búa lớn khác một cách dồn dập để “bắn hỏa lực mồm” vào Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel như “bài phát biểu đầy kích động và xúi giục”, “đầy khiêu khích” hay “thái độ không mang tính xây dựng”.
Không những thế, ông Vương còn đưa ra một lập luận khá buồn cười là Mỹ và Nhật Bản đã thông đồng để “song ca” với nhau lên án Trung Quốc, và rồi lại ngạo mạn đặt câu hỏi: “Ai mới là người chủ động khuấy động sự việc, khơi dậy tranh chấp và gây ra xung đột?”
Đối tượng mà tướng Vương nhắm đến trong những tuyên bố này là bài phát biểu của Thủ tướng Abe hôm 30/5 và Bộ trưởng Hagel hôm 31/5. Cả hai quốc gia này đã tái khẳng định một cách thẳng thắn lập trường của mình trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
Bài phát biểu của ông Abe không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng ông Hagel thi lại “điểm mặt chỉ tên” rằng cách hành xử hung hăng của Trung Quốc là nguồn cơn của căng thẳng, bất ổn và nguy cơ xung đột trong khu vực. Đây không phải là lập trường mới mẻ của Mỹ, tuy nhiên tuyên bố này của ông Hagel là sự thể hiện rõ ràng hơn quan điểm của Washington với Trung Quốc.
Bị cả hai cường quốc trên thế giới cùng lên án, đại diện của Trung Quốc là tướng Vương đã không dám trực diện đứng ra phản bác những lý lẽ chính mà ông Abe và Hagel đưa ra. Thay vào đó, viên tướng tuyên truyền này lại tỏ ra thích thú với việc phản bác một cách quyết liệt bằng “lý sự cùn” với những lập luận cũ rích đã bị cả thế giới bác bỏ.
Ông Richard D. Fisher, chuyên gia quân sự tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế nhận định: “Nhiệm vụ của tướng Vương lần này là hăm dọa lợi ích của Nhật và Mỹ bằng cách lu loa rằng Trung Quốc không hề có lỗi trong các căng thẳng quân sự ở biển Hoa Đông và Biển Đông.”
Những lời nói kiểu “lý sự cùn” của tướng Vương nhanh chóng được chia sẻ trên các diễn đàn quốc tế, và các chuyên gia đều có chung nhận định này với ông Fisher.
Chiến lược tuyên truyền
Theo báo cáo của Dự án 2049 do quân đội Mỹ tiến hành, suốt 6 năm qua, tướng Vương là chiến lược gia chiến tranh chính trị thuộc Cục Tuyên truyền của Tổng cục Chính trị, chịu trách nhiệm đối với “tác chiến chính trị” của quân đội Trung Quốc.
Tướng Vương Quán Trung (trái), quân cờ tuyên truyền hàng đầu của Trung Quốc
Báo cáo của Dự án 2049 nhấn mạnh rằng chiến tranh chính trị của quân đội Trung Quốc là một tập hợp những chiến lược và kỹ thuật nhằm tìm cách tác động đến cảm xúc, tình cảm và lý trí của các thực thể nước ngoài.
Báo cáo này nêu rõ: “Chiến tranh chính trị áp dụng các chiến thuật tâm lý chiến lược như những công cụ để dẫn dắt các diễn đàn quốc tế và gây ảnh hưởng tới chính sách của cả bạn và thù. Đối với quân đội Trung Quốc, những chiến lược và thủ đoạn này là vô cùng quan trọng để hủy hoại sĩ khí của đối phương.”
Tại Đối thoại Shangri-La, có vẻ như tướng Vương đã áp dụng chiến thuật “dùng lời lẽ đao to búa lớn để làm suy yếu ý chí chính trị của đối phương và buộc đối phương phải hành động có lợi cho mình.”
Theo ông Fisher, mục đích của tướng Vương không phải là để đấu lý, bởi Trung Quốc hoàn toàn đuối lý bởi những hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế của họ. Chiến lược đó cũng đã thể hiện qua việc Trung Quốc không dám ra “cãi lý” với Philippines tại tòa án quốc tế. Thay vào đó, họ đang “sử dụng giọng điệu rất thù địch để bắt nạt cả Tokyo và Washington.”
Chuyên gia này nói thêm: “Giọng điệu đó của Trung Quốc còn gây ra cả hiệu ứng sốc khi nó được sử dụng tại Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn nhằm thúc đẩy các giải pháp hòa bình của khu vực.”
Theo ông Fisher, mục tiêu tối thượng mà Trung Quốc muốn đạt được qua những lời lẽ “gây sốc” của tướng Vương là khiến các nước châu Á phải kết luận rằng “Trung Quốc đủ điên cuồng để giết người” và phải chịu lùi bước, qua đó quân đội Trung Quốc sẽ dễ dàng biến Biển Đông thành ao nhà.
Chuyên gia này nhận định: “Nếu Trung Quốc có thể hét vào mặt người khác để buộc họ phải từ bỏ lợi ích của mình, họ sẽ sẵn sàng làm vậy.”
Từ lâu, các chuyên gia phân tích đã chỉ ra một chiến thuật quen thuộc của Trung Quốc trong các tranh chấp biển đảo, đó là tạo ra “sự đã rồi trên thực địa”, chẳng hạn như đâm va tàu của nước khác, bắt giữ tàu cá, bắt cóc ngư dân, và làm như thể Biển Đông đang là vùng biển của Trung Quốc.
Với lập luận phi lý và ngang ngược này, Trung Quốc cho rằng các nước trong khu vực đang xâm phạm vùng biển của mình, và đây cũng chính là cơ sở cho lập luận mà tướng Vương tung ra để tấn công Mỹ và Nhật Bản.
Tuy nhiên, những hành động hung hăng và giọng điệu ngang ngược này của Trung Quốc rất có thể sẽ có tác dụng ngược và sẽ trở thành một đòn “gậy ông đập lưng ông”. Ông Fisher nói: “Trung Quốc đang đi một nước cờ vô cùng mạo hiểm. Khi họ tung ra những lời lẽ chỉ chứa đựng sự thù địch mà không hề mang một chút lý lẽ nào, họ sẽ tạo điều kiện cho Tokyo và Washington lôi kéo được các nước nhỏ hơn cùng chung tay thực hiện những hành động phù hợp với lẽ phải.”