TQ: 7 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khóa mới là ai?
Tháng sau, số ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 sẽ từ 9 giảm xuống 7, trong đó đương nhiên có Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường - những người gần như chắc chắn kế nhiệm vị trí chủ tịch nước và thủ tướng, mạng Tin tức Liên hợp của Trung Quốc dẫn nguồn tin thân cận Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngoài Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình (Xi Jinping) và Phó thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang), năm nhân vật khác gần như chắc suất vào Thường vụ Bộ Chính trị gồm có Phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lý Nguyên Triều (Li Yuanchao), bà Lưu Diên Đông (Liu Yandong) - nữ ủy viên duy nhất của Bộ Chính trị khóa 17, phụ trách lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa và thể thao, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Uông Dương (Wang Yang) và Bí thư thành ủy Thượng Hải Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng).
Theo nhiều nhà phân tích, trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Lý Nguyên Triều và ông Vương Kỳ Sơn được biết đến nhiều với năng lực hành chính, đều thuộc phái “Đảng Thái tử”, nên việc lọt vào Thường vụ Bộ Chính trị không còn nghi ngờ gì nữa. Ông Lý Nguyên Triều chung tiếng nói, đồng quan điểm với ông Tập Cận Bình, đều đề cao tầm quan trọng của đạo đức, tác phong, sử dụng nhân tài…
Ông Uông Dương thuộc phái “Đoàn Thanh niên”, không tương hợp với ông Bạc Hy Lai, nên trước đây, cơ hội vào Thường vụ Bộ chính trị không cao. Nhưng rốt cuộc, ông Bạc mất chức, trong khi ông Uông gần đây tăng cường chống tham ô, tham nhũng ở tỉnh Quảng Đông (điển hình là xử lý vụ việc ở làng Ô Khảm), nâng cao danh tiếng của mình. Hiện nay, cục thế có lợi cho ông Uông.
Các chuyên gia về vấn đề Trung Quốc công tác tại cơ quan nghiên cứu Brookings (trụ sở tại Washington) cho rằng, “cánh cửa không đóng” để bà Lưu Diên Đông 67 tuổi vào Thường vụ Bộ Chính trị, mang một thông điệp mạnh mẽ từ phía trên. Cựu Phó thủ tướng Ngô Nghi, người được mệnh danh “Người đàn bà thép” của Trung Quốc, cũng không đi xa được như bà Lưu.
Giới phân tích cho rằng, việc bà Lưu vào Ban Thường vụ Bộ chính trị không có nghĩa là vị trí trên chính trường của phụ nữ Trung Quốc sẽ có thay đổi lớn. Gần đây, bà Lưu có những phát ngôn mang tính bảo thủ, không thúc đẩy cải cách, không đề cập các nhân tố nữ quyền. Ngoài ra, chính trường Trung Quốc thiếu nữ giới là một vấn đề lịch sử; không vì một, hai nữ quan chức cấp cao mà có thay đổi trong thời gian ngắn.
Theo nguồn tin thân cận Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự khác biệt giữa 7 ủy viên và 9 ủy viên là ở chỗ Bộ Chính trị có khả năng không còn chỗ cho hai ủy viên phụ trách chính pháp và tuyên truyền.
Ông Chu Vĩnh Khang (Zhu Yongkang) hiện là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp, nhưng do liên quan vụ Bạc Hy Lai, nên có thể bị thất sủng, dẫn đến vị trí ủy viên chính pháp sẽ bị cắt. Ông Chu dường như là thành viên duy nhất trong Thường vụ Bộ Chính trị lên tiếng bảo vệ Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, khi ông này vướng vào vụ bê bối chính trị lớn nhất Trung Quốc mấy chục năm qua. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình gần đây liên tục có những bài phát biểu trên Nhân dân nhật báo về con đường cải cách chính trị.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, sau khi ông Chu Vĩnh Khang và ông Lý Trường Xuân nghỉ hưu, phái “Hồ - Tập” sẽ giữ vai trò chủ đạo trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, phái “Giang” sau đại hội Đảng lần thứ 18 có thể rút khỏi vai trò lịch sử trong Đảng Cộng sản.