TPHCM trình Thủ tướng đề án 'siêu cảng' quốc tế hơn 5 tỷ USD

Sự kiện: Thời sự

Theo tờ trình đề án nghiên cứu, khi đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TPHCM sẽ đóng góp cho ngân sách từ 34.000 - 40.000 tỷ đồng/năm.

Ngày 23/8, UBND TPHCM đã có tờ trình gửi Thủ tướng về đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Nhiều lợi thế cạnh tranh

Theo UBND TPHCM, vị trí dự kiến xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong Vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, giữa các khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn của châu Á (Trung Quốc và Ấn Độ), thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.

Cảng thuộc vùng kinh tế động lực phía Nam nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế. Hiện nay, hàng hóa tại các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Nam Trung Quốc và Philippines chủ yếu được trung chuyển tại Singapore hay Malaysia. Trường hợp hàng hóa từ quốc gia trong khu vực nêu trên trung chuyển tại Cần Giờ, cự ly vận chuyển sẽ giảm khoảng 30-70% so với cự ly vận chuyển đến Singapore.

Ngoài ra, chi phí bốc xếp hàng container tại khu vực Cái Mép - Cần Giờ hiện nay giảm khoảng 54% đối với container xuất nhập khẩu và giảm khoảng 40% đối với container trung chuyển quốc tế so với Singapore.

Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Từ đó, đề án nghiên cứu cho rằng vị trí dự kiến xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế từ các quốc gia trong khu vực.

Ngoài ra, cũng theo đề án, vị trí cảng nằm liền kế tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải, được đánh giá là tốt nhất Việt Nam hiện nay, có độ sâu khoảng 14m đảm bảo tiếp nhận thành công tàu trọng tải đến 232.494 tấn (sức chở 24.199 Teu) giảm tải. Ngoài ra, khu vực này có chế độ thủy văn ổn định, khí hậu thuận lợi, ít khi chịu ảnh hưởng của bão, bảo đảm an toàn cho hoạt động khai thác cảng.

Ngoài các yêu cầu về vị trí địa lý chiến lược, điều kiện tự nhiên thuận lợi, đề án cũng cho biết, thời gian qua hãng tàu MSC (hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay) đang rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư tại cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam (Công ty CP Cảng Sài Gòn) nghiên cứu đầu tư cảng này.

“Khi có hãng tàu lớn như MSC tham gia sẽ bảo đảm hàng hóa cho cảng với nguồn hàng hiện có của hãng tàu, là thời cơ thuận lợi để hình thành và phát triển hiệu quả cảng. Bên cạnh đó, việc có nhà đầu tư là hãng tàu lớn nhất thế giới quan tâm hợp tác đầu tư chứng tỏ tính hấp dẫn của vị trí cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ”- nội dung tờ trình của UBND TPHCM nêu.

Không tác động nhiều đến môi trường

Về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đề án nghiên cứu cho thấy vị trí cảng được đề xuất xây dựng tại khu vực cù lao Phú Lợi, ở cửa sông Cái Mép thuộc huyện Cần Giờ. Đây là khu vực nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng trực tiếp đến vùng lõi của khu vực này. Ngoài ra, khu vực xây dựng cảng cũng không nằm trong các khu vực bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước của TPHCM.Vị trí dự kiến của cảng được đặt tại Cù lao Phú Lợi ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải (huyện Cần Giờ).

Vị trí dự kiến của cảng được đặt tại Cù lao Phú Lợi ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải (huyện Cần Giờ).

“Vị trí cảng nằm trong khu vực cửa sông Cái Mép, cách cảng Cái Mép - Thị Vải đang khai thác ở phía bờ đối diện khoảng 1 km. Hoạt động hàng hải tại khu vực này đã đưa vào hoạt động từ nhiều năm nay, khai thác ổn định, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường, do đó việc hình thành Cảng trung chuyển ở đây cũng không tác động, ảnh hưởng nhiều đến khu vực”- tờ trình nêu.

Trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, dự kiến phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 trước năm 2030, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác 2/7 bến chính; giai đoạn 2 (sau năm 2030 đến năm 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các bến chính còn lại. Theo đề án, dự án có tổng mức đầu tư hơn 5,45 tỷ USD.

Về công nghệ khai thác, thiết bị vận hành bốc xếp container sẽ sử dụng thiết bị chạy bằng năng lượng, nhiên liệu sạch, thân thiện và bảo vệ môi trường.

Về nguồn vốn đầu tư, việc thực hiện cảng, công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác cảng, Trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (nhà đầu tư).

Ngoài ra, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo UBND TPHCM, việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ định hướng và giao nhiệm vụ triển khai thực hiện. Do đó, UBND TP kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch cảng biển quốc gia, quy hoạch chung TPHCM và các đồ án quy hoạch khác có liên quan nhằm tổ chức thực hiện theo chủ trương nêu trên.

Sẽ đóng góp cho ngân sách từ 34.000 - 40.000 tỷ đồng/năm

Theo nội dung tờ trình, khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa khoảng từ 34.000-40.000 tỷ đồng/năm (giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh).

Đồng thời, cảng cũng sẽ tạo ra 6.000 - 8.000 việc làm cho nhân viên, lao động làm việc tại cảng và hàng chục nghìn lao động khác làm dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan...

Nguồn: [Link nguồn]

Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM cho ý kiến về Đề án Cảng Cần Giờ

Việc xây dựng Cảng Cần Giờ phải lưu ý các yếu tố lịch sử; đồng thời dự báo khả năng có thể xảy ra và chủ động có phương án hạn chế tối đa các tác động tiêu cực...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Huy - Ngô Tùng ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN