TP.HCM thông báo khẩn: Các hiệu thuốc ghi lại thông tin người có triệu chứng COVID-19
Thành phố cũng yêu cầu Sở GTVT phối hợp với Công an TP.HCM và Sở Y tế thống nhất việc giám sát đường bộ đối với các tuyến xe từ Đà Nẵng và các địa phương có dịch vào TP.HCM.
TP.HCM mở rộng giám sát đường bộ với các chuyến xe đến từ vùng dịch.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm vừa ký ban hành Công văn khẩn số 2852/UBND-VX gửi Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.
Tại Công văn này, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác; tiếp tục quán triệt thực hiện kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly- Khoanh vùng - Dập dịch (đặc biệt chú trọng khâu phát hiện); chỉ đạo theo phương châm phù hợp trong tình hình mới là “phòng dịch sớm - phát hiện kịp thời - cách ly triệt để”. Qua đó, phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch”, phải tự giác bảo vệ chính bản thân và gia đình trước nguy cơ dịch bệnh.
UBND TP.HCM đề nghị Sở GTVT phối hợp Công an TP.HCM và Sở Y tế thống nhất việc giám sát đường bộ (xe du lịch, xe hợp đồng, các bến xe) đối với các tuyến xe từ Đà Nẵng và các địa phương có dịch vào TP.HCM.
Lãnh đạo UBND TP.HCM giao Sở Y tế - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện khẩn cấp và kịp thời việc tăng cường giám sát, lấy mẫu và xét nghiệm tất cả các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp hoặc viêm phổi trong cơ sở y tế, các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM được giao nhiệm vụ tổ chức giám sát trên diện rộng để phát hiện nguồn lây, đặc biệt khi ghi nhận chùm ca có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp trong khu dân cư. Yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc nhắc nhở người có triệu chứng viêm hô hấp cấp đến mua thuốc chủ động đến cơ sở y tế khai báo và kiểm tra sức khỏe, chủ động ghi nhận thông tin và báo cho phòng y tế hoặc trung tâm y tế địa phương để giám sát, theo dõi.
Các nhà thuốc được yêu cầu phải ghi lại thông tin của người đến mua thuốc mà có triệu chứng viêm hô hấp cấp.
Bên cạnh đó, lực lượng y tế cần triển khai các quy trình xử lý chuẩn và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong thời gian tiếp theo; đảm bảo năng lực truy vết, xét nghiệm nhanh để kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để khi phát sinh ca bệnh; sẵn sàng các cơ sở cách ly tập trung tại quận, huyện để tổ chức cách ly người tiếp xúc với ca bệnh, ca nghi ngờ.
Chỉ đạo, hướng dẫn tất cả cơ sở khám chữa bệnh củng cố, tăng cường hoạt động phân luồng, sàng lọc thông qua khai báo y tế để phát hiện người đến từ Đà Nẵng và các địa phương có phát sinh ca bệnh nhiễm COVID-19, đặc biệt là người có triệu chứng viêm hô hấp cấp để phát hiện, xử lý kịp thời theo hướng dẫn giám sát, cách ly điều trị và xét nghiệm của ngành y tế; không để xảy ra lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế; sẵn sàng các khu vực cách ly tạm thời, khu cách ly điều trị trong cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo năng lực tiếp nhận người nghi ngờ mắc bệnh.
Thành phố đề nghị Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh bị nhiễm COVID-19, đặc biệt là trường hợp bệnh nặng.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức tốt hoạt động cách ly tập trung và giám sát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước và chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao được nhập cảnh làm việc tại TP.HCM, theo đúng hướng dẫn mới của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.
Tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát và cách ly người nhập cảnh; tuyên truyền, vận động, tăng cường giám sát trong cộng đồng nhằm phát hiện kịp thời người nhập cảnh bằng đường bộ không khai báo, chưa được cách ly kiểm dịch theo quy định để thực hiện cách ly và giám sát, ngăn ngừa nguy cơ xâm nhập dịch bệnh qua biên giới đường bộ, đường thủy, lây lan trong cộng đồng.
UBND TP.HCM giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức về các biện pháp phòng chống dịch như vệ sinh khử khuẩn cá nhân, đeo khẩu trang nơi công cộng và hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, khuyến cáo người dân nếu không có việc gì cấp thiết thì không nên đến nơi có dịch, thông tin kịp thời về tình hình dịch trong giai đoạn mới. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin không đúng, sai sự thật về dịch COVID-19 gây hoang mang trong dư luận, nhất là đối với các cơ quan báo chí.
UBND Thành phố giao Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao chủ động phối hợp với Sở Y tế để kịp thời xin ý kiến về việc tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người để được hướng dẫn cụ thể về công tác phòng, chống dịch phù hợp với tình hình hiện nay.
Giao Sở Công thương tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến thị trường, đảm bảo đủ nguồn cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn TP.HCM; tuyên truyền để người dân biết, an tâm và không tích trữ hàng hóa không cần thiết.
Nguồn: [Link nguồn]
Kết quả xét nghiệm khẳng định người này âm tính với virus SARS-CoV-2.