TP.HCM thiệt hại khoảng 273.000 tỉ đồng do đại dịch COVID-19
Ước tính thiệt hại kinh tế năm 2020 và 2021 do đại dịch COVID-19 gây ra cho TP.HCM khoảng 273.000 tỉ đồng, tương đương 11,9 tỉ USD.
Chiều 9-12, kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM khoá X đã bế mạc sau 2,5 ngày làm việc.
Phát biểu bế mạc kì họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đã tiếp thu những chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên với 6 vấn đề trọng tâm định hướng hoạt động của HĐND TP trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 4. Ảnh: HÀ HIỆP
Theo bà Lệ, HĐND TP đã dành nhiều thời gian thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đã thống nhất rất cao thông qua các nghị quyết.
“Các đại biểu HĐND TP đều thể hiện tinh thần thẳng thắn, khách quan, trách nhiệm, đóng góp, hiến kế cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, công cuộc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, hoàn thiện các chính sách cho quá trình vận hành, thực thi nhiệm vụ phát triển TP” – bà Lệ nhìn nhận và cho biết kỳ họp thứ 4 HĐND TP đã biểu quyết thông qua 25 nghị quyết.
Trong đó có những nghị quyết hết sức quan trọng, định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân TP năm 2022 và nhiều năm tới.
Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM, năm 2021, đại dịch COVID-19 lần thứ 4 đã tác động nặng nề đến nhiều mặt của TP nói riêng và đất nước nói chung. Đó là kinh tế tăng trưởng âm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu hụt lao động; đó là ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân.
"Cụ thể ước tính thiệt hại kinh tế năm 2020 và 2021 của TP do đại dịch COVID-19 khoảng 273.000 tỉ đồng, tương đương 11,9 tỉ USD" - bà Lệ nói.
Bà cũng tiếp lời: Dù phải căng mình chống chọi với đại dịch, nhưng qua đó, TP cũng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện khó khăn nhất chưa từng có. Đồng thời, đã vận hành an toàn và thông suốt những lợi thế mang tính cạnh tranh cao, làm tiền đề cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025.
Bà Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận trong bối cảnh những tháng cuối năm 2021 và nhìn đến năm 2022, tình hình dịch bệnh với biến chủng Delta vẫn tiếp tục gây nhiều vấn đề rất đáng quan ngại. Đồng thời, hiện nay còn có biến thể mới Omicron đang lây lan rất nhanh.
Qua đó, Chủ tịch HĐND TP.HCM đã đề nghị UBND TP.HCM phải tập trung triển khai tích cực các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của TP trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.
Trong đó, tiếp tục rà soát để kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống của nhân dân, nhất là những người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch COVID-19; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời, chủ động có phương án mở cửa trường học cho các bậc học phù hợp với lộ trình tiêm vaccine theo quy định. Trước mắt cần thí điểm dạy học tập trung trong điều kiện bình thường mới đối với lớp 9, 12 theo kế hoạch đề ra….
Trước đó, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 8-12, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết dù từ đầu tháng 12-2021, số ca nhiễm COVID-19, số ca chuyển nặng và số ca tử vong có tăng nhưng cơ bản phù hợp với tình hình khi TP mở rộng nhiều hoạt động, sự di chuyển dân cư giữa các địa phương.
Theo ông Mãi, thực tế TP.HCM vẫn kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, biến chủng mới xuất hiện đe dọa thành quả chống dịch, TP đang theo dõi sát, đánh giá tình hình, kịp thời phát hiện bất thường để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập. Hiện dịch bệnh chưa kết thúc, vẫn còn diễn biến phức tạp.
Do vậy, ông đề nghị không nên không được lơ là, chủ quan, đề cao trách nhiệm, bám sát tình hình, vừa chống dịch, vừa phục hồi nền kinh tế.
Tính đến ngày 7-12, theo số liệu công bố của Bộ Y Tế, TP.HCM có 480.103 ca nhiễm và 18.555 ca tử vong. Hiện đang còn điều trị tại các bệnh viện tầng 2, 3 là 13.492 bệnh nhân. số ca F0 đang cách ly điều trị tại các khu cách ly tập trung TP Thủ Đức và các quận - huyện là 5.295 người, điều trị tại nhà là hơn 66.564 người.
Tổng số bệnh nhân xuất viện đến nay là 285.968 người. Tỉ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 7,9 triệu mũi 1 và 6,8 triệu mũi 2.
Hiện TP đang hoàn tất tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đưa ra nhiều cam kết để thúc đẩy kinh tế - xã hội, khẳng định quyết tâm đưa thành...
Nguồn: [Link nguồn]