TP.HCM tạm ngưng 4 bệnh viện dã chiến
Nhân sự ngành y tế TP.HCM sẽ được đảm bảo cho các cơ sở thu dung, điều trị trong dịp tết Nguyên đán 2022 để ứng phó kịp thời với dịch COVID-19.
Chiều 17-1, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Lên kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 dịp tết
Tại buổi họp báo, trả lời về kế hoạch phòng chống dịch của ngành y tế trong dịp tết Nguyên đán 2022, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết sở đã có văn bản gửi đơn vị trực thuộc để chuẩn bị.
Theo bà Mai, hiện nay số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện (BV) dã chiến chiếm 10%-30% công suất sử dụng giường. “Để lực lượng y tế có thời gian hồi phục sức khỏe, Sở Y tế có quyết định tạm ngưng bốn BV dã chiến” - bà Mai nói.
Tuy nhiên, bà Mai cũng cho biết trong trường hợp đối phó với biến chủng mới Omicron, trong vòng 24 giờ, Sở Y tế sẽ kích hoạt ngay lập tức các BV dã chiến đã tạm ngưng.
Riêng đối với việc chuyển bệnh, bà Mai cho biết đã phân công những BV đang còn hoạt động tiếp tục nhận bệnh. Đồng thời thực hiện các giải pháp để việc hoạt động của các BV dã chiến thu dung trên địa bàn luôn đảm bảo. “BV dã chiến số 12 cũng được phân công cử lực lượng đến khu vực ngoài sân bay, tiếp nhận khách nước ngoài để điều trị những ca nhiễm biến chủng Omicron” - bà Mai nói.
Trong dịp tết Nguyên đán, bà Mai cũng khẳng định việc trực gác cũng như nhân sự ngành y tế TP.HCM sẽ được đảm bảo cho các cơ sở thu dung điều trị nhằm đáp ứng kịp thời khi có sự cố liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19.
Trả lời thêm về việc kiểm soát biến chủng Omicron, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết TP.HCM đã có kế hoạch ứng phó với biến chủng Omicron từ năm 2021 và đang thực hiện giám sát chặt chẽ từ cửa khẩu nhập cảnh đến cộng đồng.
Bởi theo ông Tâm, các ca mắc biến chủng Omicron hiện đều là nhập cảnh, được cách ly chặt chẽ, chưa lây lan trong cộng đồng.
Song song đó, TP.HCM cũng tiến hành tầm soát ca mắc biến chủng Omicron ở những nơi có nhiều người nhập cảnh hoặc số ca nhiễm COVID-19 tăng bất thường. “Quy trình này đã khá chặt chẽ và trong dịp tết Nguyên đán sắp tới, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện quy trình trên” - ông Tâm nói.
Nhân viên y tế tại một bệnh viện dã chiến ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Vì sao quận Bình Thạnh chuyển “vàng” thành “xanh”?
Tại buổi họp báo, bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết quận Bình Thạnh là địa bàn cửa ngõ, có đặc thù người dân nhập cư đông, nguy cơ lây lan cao. Trong tuần trước, quận được xếp ở cấp độ 2 về dịch (vùng vàng - nguy cơ trung bình) nhưng tuần này đã giảm xuống cấp độ 1 (vùng xanh - nguy cơ thấp).
Theo bà Nga, một trong những giải pháp chuyển màu được quận áp dụng mạnh mẽ là tuyên truyền đến người dân, cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 mới của quận Bình Thạnh là 215 ca nhưng tuần này giảm còn 174 ca. “Kinh nghiệm rút ra là sau khi triển khai các bộ tiêu chí, tuyên truyền, quận thành lập đội kiểm tra liên ngành, nhắc nhở, hướng dẫn cơ sở kinh doanh đảm bảo đúng tiêu chí phục hồi sản xuất, kinh doanh; người dân đảm bảo thực hiện biện pháp 5K” - bà Nga nói.
Một giải pháp khác, bà Nga cho biết quận Bình Thạnh đặc biệt quan tâm công tác tiêm chủng vaccine phòng dịch COVID-19 với hơn 99% mũi 1 và mũi 2. “Địa phương đang triển khai chiến dịch tiêm nhắc, lấy mẫu nhóm người có nguy cơ cao để kịp thời can thiệp trong trường hợp trở nặng” - bà Nga nói.
Hiện nay, quận Bình Thạnh đã vận động được 40 tình nguyện viên, 20 trạm y tế lưu động cùng các y bác sĩ tham gia phòng chống dịch. Quận cũng mời gọi được 213 nhà thuốc tham gia cấp phát thuốc, hỗ trợ quận chăm sóc F0 trên địa bàn.
17/22 quận, huyện hoàn tất chi trả gói hỗ trợ đợt 3
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết về tình hình chi trả gói hỗ trợ đợt 3 đến nay đã có 17/22 quận, huyện và TP Thủ Đức hoàn thành chi trả tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Ông Lâm cũng khẳng định nhiều quận, huyện chưa đạt 100%, thậm chí có địa phương còn phải cập nhật danh sách. Ví dụ như quận 7 mới đạt 97%, quận 11 đạt 92,3%, quận 12 đạt 88,1%. Một số phường, xã cũng đã phát thư mời để rà soát người cách ly, điều trị (F0 khỏi bệnh) trở về để chi trả tiền hỗ trợ.
Còn quận Bình Tân, huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh hôm 13-1 có văn bản đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tài chính cấp kinh phí bổ sung để chi trả dứt điểm cho người dân gặp khó khăn trước tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Riêng quận 11 hiện đang cập nhật hồ sơ để chi trả đợt 3 cho người dân gặp khó khăn. “Không phải đang cập nhật hồ sơ mà là cập nhật những người chưa nhận được hỗ trợ do dịch bệnh, do cách ly” - ông Lâm nói.
Đề xuất trẻ mầm non đến lớp 6 học trực tiếp từ 14-2 Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có tờ trình UBND TP đề xuất cho trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 đi học lại sau tết Nguyên đán trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Theo đó, ngày 7-2, các cơ sở giáo dục thực hiện công tác chuẩn bị đón trẻ đi học lại. Từ ngày 10 đến 13-2, tổ chức họp phụ huynh, triển khai các vấn đề cần lưu ý; tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên. Từ ngày 14-2, tổ chức đưa trẻ đến trường. |
Chậm chi tiền hỗ trợ tại BV dã chiến số 6 Tại buổi họp báo, bà Mai đã trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến phản ánh của các bác sĩ, điều dưỡng tình nguyện tham gia chống dịch tại BV dã chiến số 6 chưa nhận đủ tiền hỗ trợ dù đã liên hệ lãnh đạo BV nhiều lần. Theo bà Mai, trong thời gian dịch bùng phát, BV dã chiến số 6 tiếp nhận sự hỗ trợ của nhiều lực lượng, trong đó có cả tình nguyện viên ở khu vực phía Bắc. Đối với nhóm tình nguyện này, có hai khoản chế độ chính sách hỗ trợ: Chi một lần theo Nghị quyết 12 của HĐND TP.HCM và chi phụ cấp chống dịch theo nghị quyết của Chính phủ. Đến thời điểm này có 32 bác sĩ, điều dưỡng tình nguyện tại BV này đã được nhận phụ cấp chống dịch của tháng 9 nhưng chưa được nhận phụ cấp của tháng 10 và tháng 11-2021. “Lý do là hồ sơ hợp đồng có trục trặc, kho bạc không đồng ý nên chưa chi trả được” - bà Mai nói. Tuy nhiên, một tin vui là trong chiều 17-1, toàn bộ hồ sơ của 32 tình nguyện viên đã hoàn tất. Do vậy, hôm nay (18-1), 32 bác sĩ, điều dưỡng này có thể sẽ được nhận phụ cấp chống dịch. Riêng tháng 12, BV dã chiến số 6 đang hoàn tất thủ tục, hồ sơ để chi trả cho các tình nguyện viên chung đợt với các y bác sĩ công tác tại BV này. Liên quan đến một số sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia chống dịch trên địa bàn quận 8 từ tháng 5-2021 đến nay chưa nhận được chi phí hỗ trợ dù đã nhiều lần liên hệ, bà Mai cho biết việc này trong ngày 17-1, Sở Y tế đã trao đổi với Trung tâm Y tế quận 8. Trung tâm Y tế quận 8 cho biết ngày 11-1 vừa qua, trung tâm đã hoàn tất thủ tục tại kho bạc với việc chi trả cho nhóm sinh viên y khoa này. Trong thời gian sớm nhất, kho bạc sẽ giải quyết và các sinh viên y khoa sẽ nhận được hỗ trợ. |
Yêu cầu chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp Ngày 17-1, Bộ Y tế đã có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp. Theo Bộ Y tế, nhằm thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống dịch, việc triển khai tiêm vaccine phòng dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc tỉnh, TP tiến hành kiểm tra, xác minh hoặc điều tra để làm rõ nội dung thông tin báo nêu. Nếu có vi phạm yêu cầu xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hoặc chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan công an để xem xét, xử lý. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng chống dịch COVID-19. |
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 16/1, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ca tử vong trên địa bàn TPHCM giảm xuống mức một con số....