TP.HCM: Sẽ xây công trình ngầm ở bến Bạch Đằng?

Sự kiện: Tin TP Hồ Chí Minh

Khu vực quận 1, TP HCM đã có quá nhiều trung tâm thương mại nổi đang gây quá tải hạ tầng khu trung tâm. Giờ “đẻ” thêm hàng loạt trung tâm thương mại ngầm dưới lòng đất liệu có ổn?

UBND TP HCM vừa giao UBND quận 1 chủ trì phối hợp với các sở - ngành liên quan nghiên cứu đề nghị lập báo cáo đầu tư dự án khu công viên cảng Bạch Đằng, trong đó có trung tâm thương mại (TTTM) ngầm bên dưới công viên, của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát. Việc đào hầm dưới bến Bạch Đằng nhanh chóng nhận được sự quan tâm không nhỏ của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, đô thị và kiến trúc.

Phù hợp quy hoạch, nếu...

Động thái trên được đưa ra sau khi UBND TP kêu gọi các đơn vị tham gia đầu tư dự án trên theo hình thức xã hội hóa, đoạn từ công viên phía trước Bảo tàng Tôn Đức Thắng đến trước đường Hàm Nghi.

Bà Trương Quang Thục Trinh, Phó trưởng Phòng Quản lý quy hoạch khu trung tâm Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, cho biết khu vực công viên Bạch Đằng tương lai sẽ được đầu tư thành khu công viên, phố đi bộ và tuyến metro nhẹ. Theo quy hoạch 930 ha khu trung tâm TP, khu vực này kéo dài từ đường Hàm Nghi đến khu Ba Son thuộc khu bờ Tây sông Sài Gòn với diện tích khoảng 24,6 ha, trong đó diện tích mặt nước khoảng 15 ha.

Việc lưu thông xe cơ giới qua đoạn này sẽ được ngầm hóa hoàn toàn với 2 tầng hầm và 4 làn xe. Phần diện tích đường Tôn Đức Thắng bên trên và Công viên Bạch Đằng hiện tại sẽ được sử dụng cho người đi bộ, cây xanh và công viên công cộng.

TP.HCM: Sẽ xây công trình ngầm ở bến Bạch Đằng? - 1

Câu hỏi có nên đào hầm dưới bến Bạch Đằng được không ít người quan tâm Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo bà Trinh, định hướng không gian ngầm ở khu trung tâm bao gồm một phần Công viên 23-9 khu vực Bến Thành kéo dài theo các đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi và Tôn Đức Thắng. Riêng đường Nguyễn Huệ làm phố đi bộ sẽ không ngầm hóa nữa. Ngoài ra, đoạn đường Tôn Đức Thắng sẽ có một khu TTTM dịch vụ dự kiến nằm dưới Công trường Mê Linh. Đoạn đường Lê Lợi cũng dự kiến xây một TTTM ngầm đi cùng tuyến metro số 1 và ga Bến Thành.

Bà Trinh nhận định: “Việc xây thêm một TTTM ngầm dưới công viên cảng Bạch Đằng như đề xuất của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát sẽ không làm thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch hiện có. Vì 2 tuyến ngầm này thuộc 2 khu quy hoạch khác nhau với các chỉ tiêu đã được tính toán kỹ lưỡng, nằm trong định hướng và khu vực cho phép”.

Tuy nhiên, bà Trinh cũng cho biết đến thời điểm này, đó mới chỉ là ý tưởng. UBND quận 1 làm đầu mối thực hiện, chưa có phương án và đề xuất với Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. Sau khi có đề xuất từ quận 1, sở mới tiến hành thẩm định. Trước đây đã từng có doanh nghiệp đề xuất ý tưởng cho đoạn công viên này.

Phải tính toán kỹ

Đánh giá về đề xuất của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận việc xây dựng TTTM ngầm dưới công viên cảng Bạch Đằng cần tính toán sao cho bảo đảm được 100% không gian sinh hoạt công cộng bên trên, đúng như mục tiêu quy hoạch ban đầu. “Việc xây dựng này khó tránh ảnh hưởng đến không gian bên trên công viên như bến bãi ra vào cho xe, chuyển hàng ra vô, tiếng ồn và hơi nóng từ hệ thống máy điện và thoát hơi cho điều hòa” - kiến trúc sư Sơn nêu.

Theo kiến trúc sư Sơn, TP cần xem xét lại chủ trương tạo tuyến đường ngầm và chuỗi công trình ngầm kéo dài song song với bờ sông vì rất tốn kém cho ngân sách do gần sông nhưng không thật sự cần thiết phải có tuyến xuyên trung tâm khác cốt sát bờ sông. Trong khi đó, điều này còn tạo bức tường thành ngầm chạy suốt bờ Tây, chắn dòng chảy ngầm, ảnh hưởng việc thoát nước và làm tăng ngập cục bộ khu trung tâm.

Đồng tình, GS-TSKH Lê Huy Bá cho rằng việc xây dựng TTTM ngầm dưới công viên cảng Bạch Đằng tuyệt đối không được ảnh hưởng không gian bên trên công viên. Theo ông Bá, việc xây dựng TTTM ngầm đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện.

Tuy nhiên, công trình này đòi hỏi kỹ thuật cao, nhất là đối với một nước có khí hậu nhiệt đới, khí hậu ẩm như Việt Nam. Đó là chưa kể TTTM này nằm sát sông Sài Gòn nên phải tính toán đến yếu tố thấm nước từ lòng sông.

Nước thấm tồn đọng lâu ngày sẽ làm lầy sụt xung quanh, ảnh hưởng đến công trình. “Nước mưa thấm xuống, cộng với nước sông thấm vào mà xử lý không kỹ là rất nguy hiểm. Chưa kể, khu trung tâm TP có nền yếu” - ông Bá cảnh báo.

Ông Bá cũng lưu ý vấn đề chống ngập cho khu phố ngầm, cần tính toán kỹ bài toán này vì hiện nay, công tác chống ngập trên mặt đất còn gặp khó khăn thì việc chống ngập ở các công trình ngầm càng phức tạp hơn nhiều.

Đề cập thông tin đoạn Lê Lợi và Công trường Mê Linh cũng sẽ xây TTTM ngầm, ông Bá nói không cần thiết xây dựng thêm một cái nữa dưới công viên cảng Bạch Đằng vì như vậy mật độ quá dày đặc. Theo ông, nên chăng kéo giãn các khu TTTM ra các khu vệ tinh, tránh tập trung một chỗ để kích thích phát triển, giảm áp lực, giải quyết được bài toán sụt lún ở vùng trung tâm.

Ở góc độ lưu thông khu trung tâm, PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trường ĐH Bách khoa TP HCM, lưu ý: “Nếu xây dựng TTTM ngầm phải giải quyết được bài toán giao thông. Vì bình thường khu vực này đã rất đông người, giờ mà thêm TTTM ngầm nữa sẽ rất đông nên phải tính toán tới phương án phân luồng giao thông để tránh ùn tắc”.

Xây ki-ốt ẩm thực trong công viên

Theo đề xuất của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, công ty sẽ tự bỏ kinh phí nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết và đầu tư dự án khu công viên cảng Bạch Đằng trên diện tích 17,08 ha, trong đó hơn 7 ha mặt đất công viên và diện tích mặt nước khoảng 10 ha. Dự án bao gồm các chức năng như: công viên, TTTM ngầm, bãi đậu xe ngầm, hệ thống giao thông kết nối với bến tàu, bến du lịch khu vực sông Sài Gòn… Sau khi đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, công ty xin được chấp thuận đầu tư kinh doanh một phần TTTM, bãi đậu xe ngầm. Ngoài ra, công ty cũng đề xuất được phép khai thác một số ki-ốt kinh doanh ẩm thực trong công viên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHAN ANH - BẠCH ĐẰNG (Người lao động)
Tin TP Hồ Chí Minh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN