TP.HCM sẽ cho các ngành, địa phương 'chỉ trích nhau' để cải cách hành chính
Chủ tịch TP.HCM nhìn nhận không phải phê bình các sở, các huyện nhưng có tình trạng giữa các sở, các huyện chưa hài lòng về nhau.
Ngày 12-8, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính sáu tháng đầu năm 2022 và phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính.
Sẽ để các sở, huyện 'chỉ trích nhau' nhằm chỉ ra hạn chế
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ngành phải nhìn thẳng vào thực tế, phải tự soi vào hoạt động cơ quan mình, thấy điểm hợp lý thì cầu thị, tiếp thu với tinh thần “sửa để tốt hơn”.
Toàn cảnh hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính. Ảnh: NGUYỆT NHI
Ông khẳng định công tác CCHC có vai trò rất quan trọng, quyết định hiệu lực hiệu quả bộ máy hành chính, đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội TP.
“Muốn bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn, được người dân đánh giá tốt hơn thì chúng ta phải CCHC” – ông Mãi nói và cho rằng việc này đã nói đi nói lại nhiều lần, dù “rất cũ” nhưng nhiều khi chúng ta vẫn xem ý kiến của người dân, doanh nghiệp, xem những việc tắc nghẽn chỗ này chỗ khác nằm ở đâu đó chứ không phải là nhiệm vụ cần tìm giải pháp.
Theo ông Phan Văn Mãi, năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022, hệ thống hành chính của TP có nhiều nỗ lực, đặc biệt trong bối cảnh gặp khó khăn do dịch. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, so với mong mỏi của người dân, doanh nghiệp và so với các địa phương trong cả nước thì cần phải làm nhiều hơn nữa.
“Chúng ta không lấy lý do TP lớn để chúng ta không nhìn thẳng vào các hạn chế” – ông Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI
Liên quan đến việc tụt 20 hạng về chỉ số CCHC, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận TP có nỗ lực nhưng các địa phương khác nỗ lực nhiều hơn.
Ông cho rằng, khối lượng công việc hành chính của TP là lớn nhưng chuyển động chậm, sự phối hợp đồng bộ khó khăn. Do đó cần cải thiện vấn đề này để khi một khối lớn đồng bộ, thông suốt thì tạo quán tính chuyển động lớn, muốn dừng cũng không dừng được.
“Nếu đã chuyển động theo hướng tích cực rồi thì TP sẽ phát triển rất tốt, có thể kéo trong một thời gian rất dài, đo đếm bằng nhiệm kỳ chứ không phải hàng năm” – ông nhìn nhận.
Về kết quả chỉ số PCI, ông nhìn nhận dù điểm số của TP có tăng 1,8 điểm nhưng các địa phương khác đang cải thiện PCI tốt hơn.
“Xét trong bối cảnh TP, đừng nghĩ PCI cao thì chúng ta thu hút đầu tư nhiều hơn, cũng đừng nghĩ thu hút đầu tư nhiều hơn có nghĩa PCI đang tốt. Một số nơi, nhà đầu tư chịu đấm ăn xôi để về với TP này, chứ không phải nhà đầu tư về đây nhiều tức là chúng ta làm tốt đâu” – ông Mãi phân tích.
Theo ông, nếu TP làm tốt hơn thì lượng đầu tư nhiều hơn và dòng vốn ngân sách, xã hội sẽ sinh lời nhiều hơn.
Về chỉ số SIPAS (chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính), ông Mãi đặt vấn đề: “Các giám đốc Sở có thực sự hài lòng với nhau chưa?.... Bao nhiêu huyện không hài lòng với Sở, bao nhiêu Sở không hài lòng với huyện”.
Ông tiếp lời: “Ở đây không phải phê bình Sở A, Sở B hay huyện C, huyện D mà điều đó cho ta thấy chúng ta với nhau còn chưa hài lòng”. Ông cho biết, thời gian tới TP sẽ tổ chức hội nghị để các ngành và địa phương “chỉ trích nhau” nhằm chỉ ra những tồn tại và tập trung giải quyết.
Có thủ tục TP.HCM làm mất 28 ngày
Tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, đề nghị TP sớm hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử.
Từ đó, mỗi ngày Thủ tướng theo dõi việc giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị trên cả nước.
Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ (bìa trái). Ảnh: NGUYỆT NHI
Theo ông Hoàng, sáu tháng đầu năm, TP đã tiếp nhận và giải quyết khoảng 5,3 triệu hồ sơ, nhưng hiện trên cổng dịch vụ công mà Thủ tướng theo dõi chỉ mới có 11.000 hồ sơ và tỉ lệ đúng hạn chỉ đạt 63%. Ông Hoàng cho rằng với tình trạng này thì lãnh đạo TP sẽ không theo dõi được và chỉ là “báo cáo giấy”.
Ông cũng cho rằng số liệu 99,8% hồ sơ đúng hạn của TP báo cáo là không đúng.
Cũng theo ông Hoàng, hiện TP có khoảng 800 dịch vụ công trực tuyến nhưng chỉ có khoảng 22 dịch vụ kết nối với cổng thông tin quốc gia, dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính không rút ngắn được thời gian.
Ông cũng thông tin, cơ bản tất cả địa phương đã xây dựng dịch vụ công trực tuyến liên thông trong việc thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai, thuế. Tuy nhiên, tại TP.HCM, thủ tục này phải mất 28 ngày nhưng các địa phương khi liên thông thì chỉ mất khoảng 30 phút đến một tiếng. Ông cho rằng TP.HCM đang làm “quá chậm so với các địa phương khác”.
TP.HCM sẽ hoàn thành Cổng dịch vụ công vào tháng 10
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM Lâm Đình Thắng cho biết tháng 10-2022, TP sẽ hoàn thành Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM Lâm Đình Thắng. Ảnh: NGUYỆT NHI
Cổng này sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn phần với các thủ tục hành chính đủ điều kiện. Cụ thể là cung cấp 403 dịch vụ công trực tuyến theo quyết định của UBND TP và 25 dịch vụ công thiết yếu theo đề án 06.
Với hệ thống thông tin một cửa điện tử, Sở sẽ thiết lập 1.454 thủ tục hành chính của các sở, ngành và các địa phương để người dân nộp hồ sơ trực tiếp và trực tuyến.
“Như vậy, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử từ tháng 10 sẽ trở thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất của toàn TP. Hệ thống này sẽ kết nối với cổng dịch công quốc gia và hệ thống xác thực định danh của công an” - ông Thắng nói
Nguồn: [Link nguồn]
Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM xếp loại xuất sắc. Tuy nhiên, năm 2021, Sở này xếp loại khá và đứng cuối bảng xếp hạng.