TPHCM ra văn bản khẩn ứng phó biến chủng Omicron tại các khu chế xuất, công nghiệp
Trước tình trạng các ca mắc COVID-19 có chiều hướng tăng với biến chủng Omicron chiếm ưu thế trong số ca nhiễm, Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM yêu cầu các công ty phát triển hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) và doanh nghiệp (DN) tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Ngày 26/2, Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA) đã có văn bản khẩn gửi các công ty phát triển hạ tầng KCX-KCN, DN hoạt động trong các KCX-KCN yêu cầu tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho người lao động trước tình hình các ca nhiễm có chiều hướng tăng trong cộng đồng.
Theo HEPZA, hiện nay, tình hình các ca nhiễm COVID-19 có chiều hướng tăng với biến chủng Omicron chiếm ưu thế trong số ca nhiễm trên địa bàn TPHCM. Để chủ động, kiểm soát hiệu quả và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, HEPZA đề nghị các công ty phát triển hạ tầng và các DN đang hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp tiếp tục tăng cường đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Cụ thể, các DN có kế hoạch và chủ động xét nghiệm sàng lọc, tầm soát để kịp thời phát hiện các ca nhiễm, tránh phát sinh ổ dịch tại nơi sản xuất. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính trong quá trình sản xuất, các DN báo cáo ngay về HEPZA và thực hiện quy trình xử lý F0 của Sở Y tế.
HEPZA yêu cầu các DN nhắc nhở các công nhân, lao động nếu tự xét nghiệm tại nhà có kết quả dương tính, phải thông báo cho DN và trạm y tế nơi cư trú để được quản lý theo quy định; không để xảy ra tình trạng người lao động mắc COVID-19 nhưng không khai báo, vẫn tiếp tục đi làm, gây ảnh hưởng tâm lý cho người lao động và nguy cơ lây lan trong doanh nghiệp.
Lãnh đạo TPHCM kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một số doanh nghiệp đang hoạt động trong khu chế xuất Tân Thuận
Các DN thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, nâng cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan với các nguy cơ dịch bệnh, thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tới từng phân xưởng, khu vực sản xuất và chủ động phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả trước nguy cơ gia tăng các ca nhiễm.
Bên cạnh đó, các DN tuyên truyền, nhắc nhở người lao động nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm “Thông điệp 5K” tại nơi làm việc và nơi cư trú. Ngoài ra, DN tiếp tục rà soát các trường hợp chưa tiêm liều bổ sung hoặc nhắc lại (mũi 3) để hướng dẫn người lao động liên hệ địa phương nơi cư trú tiêm đầy đủ vắc xin.
HEPZA lưu ý các DN và người lao động không lơ là, chủ quan. Khi đã tiêm đầy đủ vắc xin phòng COVID-19 hoặc ngay cả trường hợp mắc COVID-19 đã khỏi bệnh thì người lao động vẫn có thể tái nhiễm do biến chủng mới.
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM hôm 22/2, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết có đủ cơ sở khẳng định khả năng biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trên địa bàn thành phố.
PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM
Cụ thể, kết quả tầm soát ngẫu nhiên biến chủng Omicron bằng xét nghiệm PCR tại TPHCM từ ngày 10/2 đến ngày 17/2, có 70/92 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với biến chủng Omicron (chiếm 76%). Biến chủng Delta chỉ còn chưa đến 30%.
Ngành y tế tiếp tục lấy ngẫu nhiên 26 mẫu trong 70 mẫu nhiễm biến chủng Omicron để giải trình tự gen. Kết quả là 100% số mẫu là biến chủng Omicron.
“Đây là cơ sở khoa học cho thấy, biến chủng Omicron tại TPHCM đang tăng cao và chiếm ưu thế so với chủng Delta. Điều này cũng lý giải nguyên nhân số bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn trong vài ngày qua có chiều hướng tăng cao” - ông Tăng Chí Thượng khẳng định.
Bộ Y tế cho biết, trong 24h qua đã ghi nhận thêm 77.970 ca COVID-19 trong nước (có 64.285 ca trong cộng đồng). Ngoài ra, Sở Y tế Thái Nguyên đăng ký bổ sung 20.894 ca.
Nguồn: [Link nguồn]