TP.HCM nêu lộ trình mở cửa từ sau 15-9
TP.HCM dự kiến sử dụng "thẻ xanh, thẻ vàng COVID" do Sở Y tế cấp và chia làm 3 giai đoạn mở cửa, phục hồi kinh tế, dự kiến đến 15-1-2022 sẽ mở lại tất cả hoạt động.
Chiều 10-9, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị tiếp thu ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, hoàn thiện dự thảo kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau ngày 15-9.
Dự kiến mở lại toàn bộ hoạt động sau 15-1-2022
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai đã trình bày kế hoạch phòng chống COVID-19 và phục hồi kinh tế của TP.HCM.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai đã trình bày kế hoạch phòng chống COVID-19 và phục hồi kinh tế của TP.HCM. Ảnh: TTBC
Theo đó, TP sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, triển khai thí điểm “thẻ xanh COVID”, “thẻ vàng COVID”, thí điểm ưu tiên mở cửa một số lĩnh vực theo lộ trình tại quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ.
Thẻ COVID là công cụ thống nhất và chủ yếu để kiểm soát các đối tượng trong quá trình phục hồi kinh tế sau ngày 15-9, cấp cho các cá nhân đủ các yêu cầu về y tế, dịch tễ. Thẻ gồm 2 loại: thẻ xanh COVID và thẻ vàng COVID. Trên thẻ có mã QR cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu của Sở Y tế.
Về quản lý F0 tại nhà, TP chuẩn bị 200.000 túi thuốc, 100% F0 tại nhà được theo dõi sức khỏe, cấp cứu kịp thời, giám sát chặt. TP cũng nâng cấp hệ thống y tế hiện tại, vận động F0 đã hồi phục tham gia chống dịch, tăng cường giường có oxy; củng cố hệ thống y tế địa phường; y tế lưu động, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường đào tạo.
Đối với công tác phòng, chống dịch, TP duy trì xét nghiệm, bóc tách F0, truy vết F0 không rõ nguồn gốc để ngăn chuỗi lây nhiễm mới, giám sát đối tượng nguy cơ cao 7 ngày/lần.
Trong thời gian tới, TP tiếp tục chiến dịch tiêm vaccine, đảm bảo tiêm 100% mũi 1 cho người trên 18 tuổi, nhắc mũi 2 cho toàn bộ người tiêm mũi 1, ưu tiên tuyến đầu, người có nguy cơ cao. Cùng với đó, nghiên cứu phương án tiêm vắc xin cho trẻ em, trẻ em có nguy cơ cao (bệnh nền, béo phì).
Về lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế, TP.HCM dự kiến thực hiện theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16-9 đến 31-10), cá nhân, lao động có “thẻ xanh COVID” có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).
Cá nhân, lao động có “thẻ vàng COVID”, có xét nghiệm âm tính với COVD-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể.
Riêng tổ chức có 100% lao động có “thẻ xanh COVID” được tham gia tất cả các lĩnh vực (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).
Tổ chức có 100% lao động có “thẻ xanh COVID” tại bộ phận có tiếp xúc người ngoài, có lao động có “thẻ xanh COVID” hoặc “thẻ vàng COVID” tại các bộ phận còn lại được tham gia một số hoạt động.
Trong giai đoạn 2 (dự kiến từ 31-10-2021 đến 15-1-2022), TP.HCM sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có “thẻ xanh COVID”, gồm: trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).
Đến giai đoạn 3 (dự kiến sau 15-1-2022), TP.HCM lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có “thẻ xanh COVID”.
Ngoài các lộ trình dự kiến, TP cũng có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Nới lỏng, mở cửa phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng chống dịch
Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đã có nhiều chia sẻ, góp ý liên quan đến kế hoạch của UBND TP về công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15-9.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTBC
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cho biết các phát biểu, chia sẻ của hiệp hội, doanh nghiệp đã giúp TP cập nhật rõ hơn tình hình, những khó khăn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đang gặp phải.
“Sức mạnh của doanh nghiệp cũng là sức mạnh của TP.HCM. Cho nên, khi doanh nghiệp khó khăn, tổn thương, chắc chắn TP cũng vậy” - ông Mãi nói.
Ông Mãi nhận định, mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, kịp thời vừa nhanh chóng khôi phục kinh tế là bài toán khó, đòi hỏi lãnh đạo, chính quyền TP phải tập trung nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp phù hợp. Trong quá trình đó, TP mong muốn có sự đồng hành, góp ý, khuyến nghị các giải pháp từ cộng đồng doanh nghiệp.
Để có thể sớm nới lỏng giãn cách, phục hồi kinh tế, ông Mãi cho biết TP.HCM sẽ tập trung quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch. “Có phòng chống dịch hiệu quả mới có thể phục hồi kinh tế. Việc nới lỏng, mở cửa phục hồi kinh tế phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng chống dịch. Việc phục hồi nền kinh tế chỉ có thể thực hiện sớm, mở rộng nhanh khi tình hình cải thiện tốt” - ông Mãi nói.
Liên quan đến vấn đề sẽ mở trở lại ngành nào trước, khu vực nào trước, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng, qua các ý kiến cho thấy có sự đan xen với nhau. “TP không tự đi một mình mà cần có sự phối hợp với các địa phương khác để giải quyết vấn đề một cách đồng bộ” - ông Mãi nói và cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến để có cơ sở đưa ra phương án đồng bộ nhất.
Từ đây đến 15-9, TP.HCM sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để có sự điều chỉnh trong các phương án, giải pháp theo tình hình thực tế.
Trước khi siết giãn cách xã hội nghiêm ngặt, TP.HCM ghi nhận 350 bệnh nhân COVID-19 tử vong vào ngày 22-8, nhưng đến nay số...
Nguồn: [Link nguồn]