TPHCM mưa lớn là ngập, mới 'xóa' ngập 5/18 tuyến đường
Trong hai năm 2021 và 2022, TPHCM đã giải quyết được 5/18 tuyến đường ngập do mưa. Hiện nay thành phố đang triển khai các dự án để giải quyết ngập cho 13 tuyến đường còn lại.
Mưa lớn là ngập
Cơn mưa lớn đầu mùa diễn ra mới đây tại TPHCM đã khiến khu vực đường Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân) ngập úng nặng, giao thông qua khu vực gặp nhiều khó khăn, người dân ở khu vực phải kê ván, dùng những bao cát để ngăn nước tràn từ đường vào hẻm. Trong khi đó, các tiểu thương kinh doanh tại chợ khu phố 2, đường Hồ Ngọc Lãm (phường An Lạc, Bình Tân) cũng rất chật vật vì tình trạng “sống chung với ngập” mỗi khi đến mùa mưa. “Đoạn đường này cứ mưa lớn là ngập. Sau khi mặt đường được nâng nền thì nước mưa lại dồn về phía các tuyến đường hẻm. Việc buôn bán cũng vì vậy mà gặp nhiều khó khăn”- chị Trần Thị Hằng (tiểu thương kinh doanh tại chợ khu phố 2) than thở.
“Các cơ quan chức năng không nên quá chú tâm vào thực hiện những giải pháp cục bộ và đơn ngành mà phải cùng hợp tác đưa ra một chiến lược quy hoạch không gian dành cho nước, kèm theo các phương án phối hợp để xử lý thoát nước và giải quyết vấn đề ngập úng”. KTS Ngô Việt Nam Sơn |
Tương tự, các tuyến đường xung quanh chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức) cũng thường xuyên ngập úng sau mưa lớn. Để khắc phục tình trạng này, năm 2020, dự án nâng cấp, xây dựng thoát nước đường Võ Văn Ngân được khởi công với tổng vốn hơn 248 tỷ đồng. Theo dự kiến ban đầu, dự án sẽ hoàn thành trong vòng 17 tháng với mục tiêu quyết tình trạng ngập úng khi mưa lớn. Tuy nhiên, quá trình thi công diễn ra ì ạch, nhiều lần bị Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) “réo” tên vì thi công ẩu, làm hư hỏng mặt đường và gây mất an toàn giao thông.
Người dân đắp bao cát ngăn nước trên đường Hồ Ngọc Lãm ảnh: H.H
Đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức (chủ đầu tư) cho biết dự án chống ngập đường Võ Văn Ngân góp phần giảm ngập cho khu vực chợ Thủ Đức. Hiện nay dự án đạt khoảng 52% khối lượng và phấn đấu trong năm nay sẽ hoàn thành. Ngoài ra, dự án xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa (phường Linh Đông) cũng sẽ hoàn thành trong năm nay, góp phần giải quyết vấn đề ngập úng do mưa trên đường Tô Ngọc Vân (đoạn giáp đường ray xe lửa).
Mới “xóa” ngập 5/18 tuyến đường
Trong báo cáo hai năm thực hiện Chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch thực hiện năm 2023, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, trong giai đoạn năm 2021 và 2022, thành phố đã giải quyết được 5/18 tuyến đường ngập do mưa (đường Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát - quận Tân Bình và Nguyễn Hữu Cảnh - quận Bình Thạnh). Hiện nay, TPHCM đang tiếp tục thực hiện các dự án để giải quyết 13 tuyến đường ngập do mưa còn lại gồm: đường Phan Anh (quận Tân Phú), Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân), Quốc lộ 1A, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Thảo Điền, Quốc Hương (TP Thủ Đức), Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Nguyễn Văn Lượng (quận 7).
Nhiều tuyến đường ở TPHCM cứ mưa lớn là ngập ảnh: H.H
Trong năm 2023, đối với việc giải quyết ngập do mưa cho 13 tuyến đường này, TPHCM đang hoàn thành công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với công trình cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng (khu dân cư Thảo Điền, TP Thủ Đức). Đồng thời, thành phố bổ sung dự án vào danh mục phân bổ vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và vốn năm 2023 đối với công trình cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp)…
Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) cho biết, đối với “rốn ngập” đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), hiện nay dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh đã được hoàn thành. Qua theo dõi từ khi thông xe vào tháng 4/2021 đến nay, tuyến đường không còn xảy ra tình trạng ngập úng trong mùa mưa.
Cũng theo ông Điệp, thực tế theo dõi, đánh giá sau khi triển khai nhiều giải pháp giảm ngập của thành phố cho thấy tình trạng ngập tại một số khu vực như đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá (quận 12), khu Thảo Điền (TP Thủ Đức),… đã được cải thiện. “Những khu vực này đều đang triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước”- ông Vũ Văn Điệp cho biết.
PGS.TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị, cho rằng, trong thời gian, qua quá trình đô thị hóa dọc theo các tuyến đường tại TPHCM diễn ra nhanh chóng, hạ tầng thoát nước chưa kịp phát triển theo quy hoạch nên đã gây ra tình trạng ngập úng khi có mưa lớn.
“Có những khu vực khi thực hiện đầu tư dự án đô thị, khu dân cư đã san lấp làm mất diện tích thấm nước, thoát nước của khu vực. Do đó, để giải quyết vấn đề, cần có những giải pháp đồng bộ từ quy hoạch đô thị đến những phương án giải quyết vấn đề thoát nước căn cơ mang tính bền vững”- PGS.TS Nguyễn Văn Trình nêu ý kiến.
Trong khi đó, theo TS.KTS Ngô Việt Nam Sơn - chuyên gia lĩnh vực quy hoạch đô thị, cần gia tăng diện tích cây xanh, mặt nước khi thực hiện những dự án chỉnh trang lớn gần trung tâm thành phố. Trong đó, ông Sơn cho rằng cần nhiều diện tích đất hơn dành cho không gian xanh và hồ điều tiết.
Hầm chui trước bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức, TP.HCM) bị ngập nước khiến việc lưu thông của người dân rất khó khăn, nhiều xe chết máy.
Nguồn: [Link nguồn]